Công đoàn Thủ đô tiếp tục khẳng định vai trò đại diện, bảo vệ quyền lợi cho người lao động
Nhằm thực hiện tốt công tác đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động, ngay từ đầu năm, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) và Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội đã ban hành văn bản Hướng dẫn liên tịch để hướng dẫn các cấp chính quyền và tổ chức Công đoàn phối hợp chỉ đạo việc tổ chức Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức và Hội nghị người lao động theo đúng quy định của Chính phủ. Tính đến hết quý II/2022, toàn Thành phố đã có 100% đơn vị tổ chức Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức và trên 65,5% đơn vị tổ chức Hội nghị người lao động.
Thông qua việc tổ chức Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, Hội nghị người lao động đã phát huy quyền làm chủ của người lao động trong việc tham gia kiểm tra, giám sát, xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp ngày càng phát triển. Đồng thời, phát huy vai trò đại diện, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên, người lao động của tổ chức Công đoàn; góp phần thực hiện tốt Quy chế dân chủ tại cơ sở, động viên đoàn viên, người lao động đoàn kết, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
Thông qua thương lượng, ký kết TƯLĐTT, chất lượng bữa ăn ca của người lao động ngày càng được nâng lên. |
Ngoài ra, các cấp Công đoàn Thủ đô đã chủ động phối hợp với chính quyền đồng cấp và người sử dụng lao động tổ chức gặp gỡ, đối thoại với người lao động nhằm kịp thời nắm bắt và giải quyết những kiến nghị, đề xuất cũng như những nhu cầu thiết thực của người lao động. Trong “Tháng Công nhân”, LĐLĐ Thành phố đã phối hợp với UBND Thành phố tổ chức thành công Hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo UBND Thành phố với công nhân lao động Thủ đô năm 2022.
Tại Hội nghị, công nhân lao động đã kiến nghị nhiều vấn đề liên quan đến việc giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; công tác thanh tra, kiểm tra tình trạng doanh nghiệp nợ lương, nợ đóng tiền bảo hiểm xã hội; giải quyết nhu cầu nhà ở, chỗ học cho con công nhân lao động, khám, chữa bệnh, vệ sinh môi trường trong các khu công nghiệp... Lãnh đạo Thành phố đã chỉ đạo lãnh đạo các Sở, ngành, địa phương trả lời những câu hỏi, nội dung trả lời thỏa đáng, nhận được sự đồng thuận cao của công nhân lao động.
Vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên, người lao động của tổ chức Công đoàn còn được thể hiện qua việc thương lượng, ký kết TƯLĐTT với nhiều điều khoản có lợi cho người lao động và cao hơn quy định của pháp luật.
Để thực hiện được điều này, LĐLĐ thành phố Hà Nội đã triển khai Đề án thí điểm “Nâng cao năng lực đối thoại, thương lượng, ký kết và chấm điểm, phân loại TƯLĐTT giai đoạn 2021-2022”, đồng thời tập trung chỉ đạo các cấp Công đoàn thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao số lượng cũng như chất lượng các bản TƯLĐTT tại doanh nghiệp.
LĐLĐ Thành phố thường xuyên hướng dẫn cách đánh giá, chấm điểm, phân loại TƯLĐTT cho cán bộ trực tiếp phụ trách của Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở; thiết lập nhóm Zalo để truyền tải các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của LĐLĐ Thành phố tới các Công đoàn cấp trên cơ sở nhanh chóng, kịp thời. Đây là diễn đàn chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm trong công tác thương lượng, ký kết, chấm điểm, phân loại TƯLĐTT, đôn đốc và cập nhật thường xuyên tình hình ký kết TƯLĐTT của các đơn vị.
Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, trong 6 tháng đầu năm 2022, số bản TƯLĐTT được các cấp Công đoàn thương lượng, ký mới là 625 bản, nâng tổng số các bản TƯLĐTT của các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố là 3.000 bản. Trong đó, số bản TƯLĐTT đạt loại A, B chiếm 43,6%. Các bản TƯLĐTT đã có nhiều điều khoản thỏa thuận có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật như: Tiền lương tối thiểu cao hơn 5 - 7% so với mức lương tối thiểu của Chính phủ quy định; thời gian làm việc 7 giờ/ngày hoặc được nghỉ từ 1- 2 ngày thứ 7 trong tháng; người lao động được hỗ trợ 1 bữa ăn ca trị giá từ 20.000 - 30.000 đồng; tiền thưởng tháng lương thứ 13; người lao động được hỗ trợ tiền nhà trọ (hoặc tiền đi lại), tiền nuôi con nhỏ, phụ cấp chuyên cần, phụ cấp thâm niên...
Nhằm tiếp tục đẩy mạnh việc thương lượng, ký kết TƯLĐTT, LĐLĐ Thành phố tiếp tục triển khai sâu rộng đến các Công đoàn cấp trên cơ sở và Công đoàn cơ sở bản TƯLĐTT mẫu cũng như hướng dẫn quy trình ký kết TƯLĐTT; tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ tư vấn thương lượng, ký kết TƯLĐTT để trực tiếp hỗ trợ Công đoàn cơ sở và doanh nghiệp trong việc thương lượng, xây dựng, ký kết TƯLĐTT.
Cạnh đó, LĐLĐ Thành phố chỉ đạo các cấp Công đoàn tăng cường sự kiểm tra, giám sát việc thương lượng, ký kết và thực hiện TƯLĐTT tại cơ sở; định kỳ hàng năm, kiểm điểm, đánh giá kết quả thực hiện TƯLĐTT, đảm bảo quyền lợi tập thể và trách nhiệm giữa các bên, góp phần điều hòa lợi ích, ngăn ngừa mâu thuẫn, xung đột trong quan hệ lao động.