Bộ Giáo dục và Đào tạo có nên"quay lại" xuất bản duy nhất 01 bộ giáo khoa?
Từ những lần cải cách giáo dục ở Việt nam
Cải cách giáo dục ở Việt Nam là thay đổi lớn trong hệ thống giáo dục tại Việt Nam, bao gồm những thay đổi liên quan tới chương trình giáo dục, nội dung sách giáo khoa (SGK).
Từ năm 1956 đến năm 1976, tại miền Bắc Việt Nam, theo Nghị định 596 ngày 30/8/1956 của Bộ Giáo dục, các trường phổ thông sẽ tổ chức theo hệ thống trường phổ thông 10 năm. Ở lần cải cách này, chương trình SGK chủ yếu là sao chép lại của các nước xã hội chủ nghĩa.
Từ năm 1981, hệ thống giáo dục chuyển từ 10 năm đào tạo phổ thông sang 12 năm cùng với sự đổi mới chương trình SGK phù hợp.
Từ năm 2000, chương trình giáo dục phổ thông được đổi mới, kéo theo việc thay đổi SGK toàn bộ cho khối phổ thông, áp dụng từ năm học 2002-2003, thực hiện cuốn chiếu đồng thời từ khối lớp 1 và lớp 6, hoàn tất vào năm học 2008-2009.
Năm 2006, theo Quyết định số 16/2006/QĐ-BGDĐT ngày 05 tháng 5 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, chương trình giáo dục phổ thông 2006 ra đời. Nội dung SGK được coi là nguồn kiến thức, căn cứ duy nhất để dạy học, kiểm tra, đánh giá và thi; cả Chương trình giáo dục phổ thông chỉ có một bộ SGK duy nhất.
Năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ra Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/20218 ban hành chương trình giáo dục phổ thông tổng thể 2018. Trong đó nội dung SGK sẽ đóng vai trò là học liệu, không phải là nguồn kiến thức duy nhất để tổ chức hoạt động dạy học.
Theo nội dung, yêu cầu cần đạt của chương trình; mỗi môn học có nhiều SGK. Một chương trình, nhiều SGK là giải pháp quan trọng để thay đổi mục tiêu dạy học từ "truyền thụ kiến thức" sang dạy học "phát triển năng lực” cho học sinh
Lúc đầu, sách giáo khoa lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 có 5 bộ được phê duyệt. Đó là: “Kết nối tri thức với cuộc sống”, “Chân trời sáng tạo”, “Cùng học để phát triển năng lực”; “Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục” của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam; bộ “Cánh diều” của Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Hà Nội và Nhà xuất bản Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh.
Sau mấy năm sử dụng, những người viết sách đã tiếp thu ý kiến “gạn đục khơi trong”, chỉnh sửa, và đến nay lưu hành 3 bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống”, “Chân trời sáng tạo”, “Cánh diều”. Cả 3 bộ sách này đang được sử dụng ổn định tại các trường phổ thông. Thực tế 3 bộ SGK đang được thực hiện ở các địa phương rất tốt. Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 đã và đang đi vào ổn định, có những kết quả khả quan.
Việc biên soạn sách giao khoa, trước hết, học sinh sẽ được học bộ sách phù hợp nhất. |
Có nên ra đời thêm bộ SGK của Bộ GD&ĐT?
Mấy năm áp dụng chương trình mới, qua tham khảo ý kiến đóng góp xây dựng của giáo viên trực tiếp đứng lớp, các bộ sách đang được sử dụng đều là những công trình khoa học nghiêm túc. Các tác giả biên soạn đều hướng đến việc phát triển năng lực của học sinh một cách chủ động, sáng tạo. Sự đa dạng trong cách tiếp cận giúp các địa phương có nhiều lựa chọn nội dung sách giáo khoa phù hợp với đặc điểm vùng miền và hoàn cảnh của học sinh. Dù là bộ sách nào, lúc mới ban hành đều có đôi chỗ “sạn”, nhưng đã tiếp thu và chỉnh sửa, nên hiện tại rất ổn.
Thực tế triển khai chương trình, sách giao khoa mới thời gian qua cho thấy đã có 6 nhà xuất bản, nhiều nhà sách tư nhân tham gia làm sách giao khoa; toàn bộ sách giao khoa được thẩm định, phê duyệt và cung ứng đầy đủ, kịp thời cho các trường. Bộ GD&ĐT đứng ra làm một bộ sách giao khoa “quốc doanh” lúc này vừa không cần thiết, vừa gây lãng phí. Việc chọn sách giao khoa đã ổn định.
Nếu Bộ GD&ĐT lại đưa ra một bộ sách giao khoa mới thì giáo viên phải đi tập huấn lại, học sinh phải mua sách khác, không dùng lại được sách mà anh, chị của các em đã học. Chưa kể đến sau khi viết xong sẽ phải mất thêm 1 thời gian dài dạy thử nghiệm, rút kinh nghiệm lên xuống rồi mới đưa ra dạy đại trà.
Trong việc thực hiện cải cách giáo dục, thì vai trò Bộ GD&ĐT là đơn vị chỉ đạo thực hiện việc đổi mới giáo dục phổ thông năm 2018. Là bên đưa ra triết lý cùng những mục tiêu, quan điểm giáo dục, yêu cầu các tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa phải thực hiện.
“Là một nhà quản lý giáo dục nhiều năm nay, tôi cũng được nghe rất nhiều ý kiến từ phụ huynh về vấn đề sách giáo khoa mới. Trước đây, sách giáo khoa lớp trên có thể cho lại lớp dưới, nhưng hiện tại, đã có nhiều gia đình anh em không thể học lại sách của nhau, do lựa chọn của các trường khác nhau. Điều này đã tạo ý kiến trái chiều trong phụ huynh. Thử hỏi nếu bây giờ lại phát hành thêm 1 bộ sách nữa, nhân dân sẽ hiểu thế nào về ngành giáo dục? Sẽ có ý kiến hiểu sai rằng: Bộ GD&ĐT cố tình viết sách để “tung hoả mù”, “làm kinh tế”… phức tạp thêm thị trường sách giáo khoa vốn đang có quá nhiều lựa chọn như hiện tại” - Bà Nguyễn Thị Diệp – Hiệu trưởng TH&THCS Newton - Hoài Đức - Hà Nội cho hay.
Trao đổi với báo chí, PGS.TS. Vũ Nho - nguyên chuyên viên cao cấp Bộ GD&ĐT cho biết: “Theo lời văn và tinh thần của Nghị quyết 88/2014 về đổi mới chương trình, SGK GDPT thì yêu cầu Bộ GD&ĐT tổ chức biên soạn một bộ SGK là để đề phòng trường hợp các tổ chức, cá nhân biên soạn SGK theo chủ trương xã hội hoá không biên soạn đủ đầu sách cho các môn học theo quy định của chương trình GDPT. Việc triển khai biên soạn sách giáo khoa theo tinh thần xã hội hóa, không sử dụng ngân sách của Nhà nước đã được thực hiện khá suôn sẻ. Đến thời điểm hiện tại đã có 3 đơn vị biên soạn đầy đủ các môn học từ lớp 1 cho đến lớp 12. Do đó Bộ GD&ĐT tổ chức biên soạn một bộ SGK vào lúc này là đi ngược lại Nghị quyết 122 của Quốc hội khoá XIV ban hành. Đồng thời, không phù hợp với thực tế và dễ dẫn đến hậu quả to lớn là xoá bỏ xã hội hoá, tạo ra sự cạnh tranh thiếu công bằng, quay trở lại tình trạng độc quyền trong lĩnh vực SGK.”
Bộ GD&ĐT có cần thiết đưa ra một bộ sách giao khoa mới? |
Cùng nêu ý kiến, PGS.TS Nguyễn Đức Hạnh - Nguyên Phó chánh thanh tra Đại học Tự nhiên cho biết: “Một chương trình nhiều bộ SGK; sự tham gia mạnh mẽ của khối tư nhân và các NXB Thương mại; quyền lựa chọn sử dụng SGK thuộc về phụ huynh, nhà trường, địa phương. Do đó, sự chuyển đổi có tính toàn cầu kể trên là một quy luât khách quan. Nếu Bộ GD&ĐT đứng ra biên soạn một bộ SGK thì “hình thức độc quyền về SGK như trước đây sớm muộn sẽ quay trở lại”.
Hơn thế nữa, ý kiến đòi quay về với “vạch xuất phát", một bộ sách đe doạ nghiêm trọng việc thực hiện xã hội hoá, đưa lĩnh vực biên soạn, xuất bản, phát hành sách giao khoa trở lại với con đường “độc diễn”, “độc món”, “độc quyền”. Nó sẽ “khai tử” các bộ sách giáo khoa đã phát hành từ năm học 2020-2021 đến nay, khiến hàng nghìn tỉ đồng mà các đơn vị làm sách giao khoa xã hội hoá đã bỏ ra và hàng nghìn tỉ đồng phụ huynh học sinh mua sách cho con trở nên phí phạm. Không những thế, nó là chỉ dấu về một môi trường đầu tư thiếu ổn định, làm nản lòng các nhà đầu tư trong cả những lĩnh vực khác.