Thực hiện Kế hoạch 01 - Kỳ 2: Giành lại vỉa hè nhìn từ phường Phú Đô
Người dân cần sớm di dời khỏi khu nhà xuống cấp nguy hiểm Thực hiện Kế hoạch 01 - Kỳ 1: Nhiều tuyến phố vẫn "mất trắng" vỉa hè Hà Nội rực rỡ sắc hoa tháng 3 |
Sau hơn 1 tháng ban hành Kế hoạch 01/KH-BCĐ197 về tổng kiểm tra, xử lý, giải quyết vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023; bên cạnh những tuyến phố đã có chuyển biến tích cực, thì nhiều tuyến phố vẫn “mất trắng” vỉa hè. Liệu đợt ra quân này có đem lại hiệu quả thiết thực lâu dài hay sẽ lại thêm một lần “ném đá ao bèo”?
Làm bài bản nhưng chưa hiệu quả
Phải nói rằng, trong những năm qua, thành phố Hà Nội đã nhiều lần ra quân với quyết tâm "giành" lại vỉa hè, lập lại trật tự đô thị, thế nhưng chỉ một thời gian ngắn, tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè lại tái diễn.
Tại phường Phú Đô, địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh của quận Nam Từ Liêm, từ ngày 27/2/2023, UBND phường đã có Thông báo số 184/TB-UBND về việc thực hiện tổng dọn vệ sinh môi trường, đảm bảo văn minh đô thị tại các tuyến đường, phố chính trên địa bàn phường. Theo đó, các hộ kinh doanh đã ký cam kết thực hiện các quy định của pháp luật về việc đảm bảo văn minh đô thị, giữ gìn vệ sinh môi trường. Trong cam kết nêu rõ: “Không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi đặt biển quảng cáo, rao vặt và kinh doanh, buôn bán.”
Ban chỉ đạo 197 phường Phú Đô ra quân xử lý vi phạm trật tự đô thị tại phố Hồng Đô. |
Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên tại phố Hồng Đô ngày 15/3, vẫn diễn ra tình trạng một số hộ kinh doanh chiếm dụng vỉa hè để kê bàn ghế, đặt biển quảng cáo, làm nơi để xe của khách,… Khi thấy bóng dáng lực lượng chức năng, nhân viên các quán mới “nhốn nháo” thu dọn. Nhiều trường hợp đã bị Tổ công tác phường Phú Đô lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính, tịch thu biển bảng, bàn ghế đặt không đúng quy định.
Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Văn Chư, quyền Chủ tịch UBND phường Phú Đô cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của thành phố và quận Nam Từ Liêm, phường đã xây dựng kế hoạch xử lý văn minh đô thị, vệ sinh môi trường trên các tuyến đường, phố chính. Phường đã giao công an, tổ dân phố, các đoàn thể tuyên truyền, vận động 100% các hộ dân ký cam kết. Tuy nhiên, thời gian qua vẫn có một số hộ cố tình vi phạm, phường đã ra quân xử lý được 65 biển bảng, xử phạt 32 trường hợp vi phạm về vệ sinh môi trường trên các tuyến phố."
Tổ công tác lập biên bản xử lý vi phạm hành chính một hộ kinh doanh chiếm dụng vỉa hè để trông xe. |
Nói về tình trạng ra quân xử lý xong lại "đâu vào đấy", quyền Chủ tịch UBND phường Phú Đô cho rằng: “Một phần là do nhận thức của các hộ kinh doanh còn hạn chế, trong thời gian vừa qua bên cạnh việc tuyên truyền, phường đã có các quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhưng các hộ vẫn vi phạm, thậm chí có những hộ bị xử phạt nhiều lần.”
Cũng phải nói thêm, chế tài xử lý đã có, giao trách nhiệm cụ thể đến từng ngành, từng cấp, từng địa phương. Nếu người đứng đầu địa phương quyết liệt chỉ đạo, đôn đốc, giám sát thực hiện, lực lượng công an cơ sở bám sát địa bàn, kiên quyết xử lý vi phạm thì liệu các hộ kinh doanh có dám vi phạm hay không?
Cần công khai, minh bạch
Theo quan sát của phóng viên, khi lực lượng 197 phường Phú Đô ra quân tại phố Hồng Đô, nhiều bàn ghế, biển bảng lấn chiếm vỉa hè đã được đưa lên xe ô tô công an, chở về phường. Tuy nhiên, những trường hợp này lại không thấy lực lượng công an lập biên bản, kiểm đếm, niêm phong tang vật. Trao đổi về vấn đề này, quyền Chủ tịch UBND phường Phú Đô cho biết: "Biển bảng, bàn ghế lấn chiếm vỉa hè sẽ được đưa về trụ sở UBND phường để tập kết, kiểm đếm, sau đó mời các hộ dân lên làm việc, lập biên bản để xử lý theo quy định của pháp luật, nhưng một số hộ dân không đến phường để lập biên bản."
Theo Khoản 1, Điều 81, Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định: "Khi tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 26 của Luật này, người có thẩm quyền xử phạt phải lập biên bản. Trong biên bản phải ghi rõ tên, số lượng, chủng loại, số đăng ký (nếu có), tình trạng, chất lượng của vật, tiền, hàng hoá, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu và phải có chữ ký của người tiến hành tịch thu, người bị xử phạt hoặc đại diện tổ chức bị xử phạt và người chứng kiến; trường hợp người bị xử phạt hoặc đại diện tổ chức bị xử phạt vắng mặt thì phải có hai người chứng kiến. Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính cần được niêm phong thì phải niêm phong ngay trước mặt người bị xử phạt, đại diện tổ chức bị xử phạt hoặc người chứng kiến. Việc niêm phong phải được ghi nhận vào biên bản."
Như vậy, việc lực lượng chức năng phường Phú Đô thu giữ biển bảng, bàn ghế của các hộ kinh doanh là chưa phù hợp với các quy định của Luật Xử phạt vi phạm hành chính. Những tang vật trên sẽ được xử lý như thế nào, hay chỉ "ở" lại phường một thời gian ngắn rồi các hộ dân lại đến phường "xin" đem về? Có lẽ chỉ lực lượng chức năng phường Phú Đô mới biết. Sự việc này cũng không phải cá biệt ở phường Phú Đô mà dễ thấy trong các đợt ra quân "giành" lại vỉa hè của Thành phố. Phải chăng đây là một phần "gốc rễ" trong câu chuyện giành vỉa hè xong, đâu lại vào đấy?
Lực lượng chức năng phường Phú Đô thu giữ nhiều biển bảng, bàn ghế lấn chiếm vỉa hè |
Trong Kế hoạch 01 đã giao trách nhiệm cụ thể cho Công an Thành phố (Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo 197 Thành phố): Hằng tháng, tập hợp những tồn tại, hạn chế của các sở, ngành, Ban chỉ đạo các quận, huyện, thị xã, phối hợp với Sở Nội vụ đề xuất hình thức xử lý đối với tập thể, cá nhân vi phạm (hạ thi đua, cắt thi đua), các hình thức xử lý theo quy định, báo cáo UBND Thành phố.
Tiếp đó, ngày 9/3 vừa qua, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Công văn số 607/UBND-ĐT về việc tăng cường kiểm tra, quản lý sử dụng hè phố, lòng đường. Công văn có một điểm đáng chú ý là yêu cầu công khai thông tin các Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã; Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn để xảy ra nhiều vi phạm về trật tự hè phố, lòng đường trên địa bàn tại các cuộc họp báo của UBND Thành phố hằng tháng.
Chỉ đạo này được người dân đồng tình, ủng hộ và kỳ vọng sẽ đem lại hiệu quả thiết thực trong đợt cao điểm lập lại trật tự vỉa hè lần này.
Lực lượng chức năng cần duy trì, không để tái diễn việc lấn chiếm vỉa hè |
Trao đổi với phóng viên Báo Lao động Thủ đô, PGS.TS Bùi Thị An, nguyên đại biểu Quốc hội Khóa XIII cho rằng: “Chủ trương lập lại trật tự văn minh đô thị, đưa vỉa hè về đúng chức năng là chủ trương đúng đắn của Thành phố, được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Thời gian qua lãnh đạo Thành phố chỉ đạo rất quyết liệt nhưng thực tế có nơi làm được, có nơi chưa làm được. Tôi nhận được nhiều thông tin là muốn kinh doanh, buôn bán trên vỉa hè thì người dân phải nộp “thuế ngầm”. Các cơ quan chức năng có thẩm quyền cần xác minh, kiểm tra, và công khai, minh bạch việc này. Nếu trong hàng ngũ cán bộ có người tiếp tay hoặc làm ngơ trước hành vi chiếm dụng vỉa hè thì cần phải loại khỏi bộ máy, thay thế cán bộ tốt hơn thì các chủ trương đúng đắn của Thành phố mới được thực hiện hiệu quả. Tránh tình trạng “trên nóng dưới lạnh”, làm mất lòng tin của nhân dân.”