Quý 1/2023, Bộ Tư pháp kiểm tra theo thẩm quyền 1.074 văn bản
Bộ Tư pháp vừa tổ chức họp báo về một số kết quả công tác quý 1/2023 và nhiệm vụ trọng tâm công tác quý 2/2023. Trong đó, công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, thẩm định, kiểm tra văn bản đạt nhiều kết quả.
Chánh văn phòng, người phát ngôn Bộ Tư pháp Nguyễn Quốc Hoàn cho biết, ngày 15/3, Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi, có nhiều ý kiến đóng góp sâu sắc, toàn diện, trực tiếp vào dự thảo Luật.
Công tác thẩm định tiếp tục được Bộ Tư pháp tổ chức chặt chẽ, đúng quy định. Bộ Tư pháp đã có ý kiến thẩm định đối với 7 đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và 22 dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có một số dự án, dự thảo quan trọng như: dự án Luật Căn cước công dân; dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; Dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi); dự thảo Nghị quyết của UBTVQH về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030…
Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp đã thực hiện thẩm định đối với 81 thủ tục hành chính tại 9 đề nghị xây dựng và dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do các Bộ, cơ quan ngang Bộ chủ trì soạn thảo. Trong đó, Bộ đã đề nghị sửa đổi 49 thủ tục (chiếm tỷ lệ 60% tổng số thủ tục hành chính quy định tại các đề nghị xây dựng và dự án, dự thảo văn bản), đề nghị quy định bổ sung 6 thủ tục.
Toàn cảnh buổi họp báo. |
Ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp tập trung bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khả thi, có ý kiến về nhiều quy định nhằm tháo gỡ khó khăn về sản xuất - kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đồng thời đã phát hiện các quy định chưa đúng thẩm quyền, mâu thuẫn, chồng chéo với các quy định pháp luật hiện hành.
Đồng thời, Bộ Tư pháp đã tiến hành kiểm tra theo thẩm quyền 1.074 văn bản (gồm 74 văn bản của các bộ, cơ quan ngang bộ; 1.000 văn bản của địa phương). Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản quy phạm pháp luật đã có Báo cáo số 93/BC-TCT báo cáo kết quả hoạt động năm 2022 của Tổ công tác và đề xuất, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về định hướng hoạt động của Tổ công tác năm 2023, trong đó, tập trung kiến nghị tổ chức rà soát độc lập, chuyên sâu đối với quy định pháp luật để phục vụ chuyển đổi số quốc gia và rà soát quy định pháp luật để phục vụ việc triển khai Đề án 06.
Công tác hoàn thiện thể chế trong hoạt động bổ trợ tư pháp được Bộ Tư pháp được đẩy mạnh thực hiện với việc triển khai xây dựng dự án Luật Công chứng (sửa đổi); tham mưu, trình Chính phủ Hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; sửa đổi, bổ sung Nghị định số 62/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu giá tài sản.
Cũng trong quý 1/2023, Bộ Tư pháp đã tham gia góp ý 60 điều ước quốc tế; thẩm định 9 điều ước quốc tế; cấp 2 ý kiến pháp lý; xây dựng dự thảo hồ sơ phê chuẩn Hiệp định và đang gửi lấy ý kiến các bộ, ngành, cơ quan có liên quan; tham mưu trình Chính phủ hồ sơ phê chuẩn Hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Thái Lan.
Các hoạt động hợp tác quốc tế song phương với các đối tác tiếp tục được triển khai trên cơ sở các Bản ghi nhớ, chương trình hợp tác, kế hoạch hoạt động đã ký kết; thúc đẩy đàm phán, ký kết Bản ghi nhớ, chương trình hợp tác với một số đối tác cụ thể như các đối tác trong khu vực Châu Âu, Châu Mỹ; Châu Á, Châu Phi, Châu Úc.
Trong quý 2/2023, ông Nguyễn Quốc Hoàn cho biết, Bộ Tư pháp sẽ tập trung nguồn lực bảo đảm tiến độ, chất lượng thẩm định văn bản quy phạm pháp luật, trong đó chú trọng tới tính dự báo của chính sách, bảo đảm tính khả thi để pháp luật thực sự đi vào cuộc sống; kiểm soát chặt chẽ việc quy định thủ tục hành chính để bảo đảm chỉ ban hành những thủ tục hành chính thực sự cần thiết, hợp pháp, hợp lý, có chi phí tuân thủ thấp nhất theo chỉ đạo của Chính phủ.