Cần tuân thủ quy trình ban hành văn bản pháp luật
Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân Hạn chế những văn bản tồn tại “trên giấy” Sáng tạo hình thức phổ biến giáo dục pháp luật từ cơ sở |
Nghịch lý ở chỗ, dù các văn bản cấp luật, nghị định có tinh thần tiến bộ rất rõ nhưng khi xuống đến đến thông tư, công văn lại nảy sinh nhiều vấn đề bất cập, vướng mắc.
Thông tin tại Hội thảo “Chất lượng của quy định và sự thuận lợi của môi trường kinh doanh” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) tổ chức, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký, Trưởng Ban pháp chế VCCI cho rằng, thông tư, công văn là cầu nối, chuyển tải các chính sách trong các quy định tại luật, pháp lệnh, nghị định, quyết định vào cuộc sống.
Với tính chất này, chất lượng của thông tư, công văn sẽ tác động khá lớn đến hoạt động động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, thậm chí là tính thuận lợi của môi trường đầu tư kinh doanh.
Tuy nhiên thực tế khảo sát của VCCI cho thấy, còn nhiều thông tư “kém chất lượng”, buộc phải tạm ngưng hiệu lực sau thời gian ngắn thi hành. Bên cạnh đó, trong một số lĩnh vực, dù không cần thiết phải ban hành thông tư nhưng văn bản này vẫn ra đời.
Tại hội thảo “Chất lượng của quy định và sự thuận lợi của môi trường kinh doanh”, VCCI cho rằng, để cải thiện môi trường kinh doanh cần nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Ảnh: Đinh Luyện |
Đại diện VCCI cho rằng, để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, cần có cơ chế kiểm soát tốt hơn đối với nội dung của công văn để ngăn chặn tuyệt đối tình trạng công văn ban hành các quy phạm pháp luật;
Đồng thời, cần có cơ chế để tăng tính trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong xử lý và trả lời vướng mắc doanh nghiệp; công khai các công văn trả lời doanh nghiệp của cơ quan quản lý Nhà nước trên cổng thông tin điện tử của các cơ quan này.
Chia sẻ quan điểm về vấn đề liên quan, bà Chu Thị Hoa, Phó Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp cho rằng, việc sửa đổi văn bản luật sẽ gây tốn kém không chỉ cho cộng đồng doanh nghiệp mà còn tốn kém cho cả ngân sách Nhà nước.
Cụ thể, mỗi lần sửa đổi văn bản, doanh nghiệp tốn chi phí tuân thủ, làm quen với văn bản luật mới, còn Nhà nước thì tốn kém chi phí xây dựng luật, tổ chức hoạt động tuyên truyền luật. Do đó, xây dựng một văn bản pháp luật tốt, không phải sửa đổi cũng là cách tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp, Nhà nước và hoàn thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
Để khắc phục những hạn chế và nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần tuân thủ đúng và đầy đủ các nguyên tắc, quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật được quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020). Trong đó, cần ưu tiên đầu tư cho công tác phân tích, đánh giá tác động chính sách trong quy trình xây dựng văn bản pháp luật.