Hạn chế những văn bản tồn tại “trên giấy”
Xử phạt tới 150 triệu đồng nếu cấp văn bằng, chứng chỉ nghề không đúng quy định Bộ Tư pháp dự thảo thông tư bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật |
Tại Hội thảo “Chất lượng của quy định và sự thuận lợi của môi trường kinh doanh” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) tổ chức, bà Chu Thị Hoa, Phó Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý cho rằng, giai đoạn vừa qua, các nhà làm chính sách của Việt Nam đã rất nỗ lực trong xây dựng các văn bản chính sách pháp luật.
Bà Chu Thị Hoa, Phó Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý kiến nghị cần ưu tiên đầu tư cho công tác phân tích, đánh giá tác động chính sách trong quy trình xây dựng văn bản pháp luật. (Ảnh: Đinh Luyện) |
Nhờ vậy, đã tạo ra được nhiều văn bản tốt, nhằm hoàn thiện môi trường kinh doanh theo hướng thuận lợi, thông thoáng hơn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu và mong muốn của cộng đồng doanh nghiệp. Đây cũng là lý do, thời gian qua số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới có sự gia tăng mạnh mẽ.
Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu tích cực, nhiều ý kiến cũng cho rằng, chất lượng văn bản pháp luật tại Việt Nam vẫn chưa được như kỳ vọng, tạo ra những rào cản trong sản xuất kinh doanh.
Để khắc phục những hạn chế và nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật, bà Chu Thị Hoa đề xuất một số giải pháp, bao gồm: Thứ nhất, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần tuân thủ đúng và đầy đủ các nguyên tắc, quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật được quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020).
Trong đó, ưu tiên đầu tư cho công tác phân tích, đánh giá tác động chính sách trong quy trình xây dựng văn bản pháp luật. Bởi lẽ chính sách tốt, có lợi cho dân, có lợi cho sự phát triển của đất nước là tiền đề xây dựng văn bản pháp luật có chất lượng tốt, có tính khả thi.
Tại Hội thảo “Chất lượng của quy định và sự thuận lợi của môi trường kinh doanh”, nhiều doanh nghiệp cho rằng chất lượng văn bản pháp luật tại Việt Nam vẫn chưa được như kỳ vọng, tạo ra những rào cản trong sản xuất kinh doanh. (Ảnh: Đinh Luyện) |
Thứ hai, đại diện Viện Khoa học pháp lý đề nghị cần tăng cường tham vấn đối tượng chịu tác động, nhất là tham vấn người dân, doanh nghiệp là đối tượng chịu sự tác động, nâng cao hiệu quả của hoạt động này để tiếng nói của họ đến gần hơn các cơ quan ra quyết sách, qua đó góp phần bảo đảm hơi thở của cuộc sống đầy đủ hơn vào nội dung văn bản quy phạm pháp luật.
Thứ ba, theo đại diện Viện Khoa học pháp lý các đơn vị liên quan cần tiếp tục cải thiện sự liên thông, gắn kết giữa xây dựng pháp luật với thi hành pháp luật, việc ban hành một văn bản tốt, có chất lượng sẽ là tiền đề quan trọng đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả trong thi hành văn bản đó.
Nói cách khác, nếu trong quá trình xây dựng pháp luật mà không xem xét, đánh giá đầy đủ các điều kiện bảo đảm cho quá trình thi hành thì sẽ cho ra đời những văn bản pháp luật thiếu khả thi, không phù hợp với thực tiễn và chỉ là những văn bản pháp luật tồn tại “trên giấy”.