Nới room tín dụng cùng lúc tác động tới nhiều ngành nghề
Ngân hàng nới "room" tín dụng, thị trường bất động sản có "dễ thở" hơn? |
Hy vọng việc nới room sẽ tiếp thêm nguồn vốn cho các dự án phát triển. Ảnh: Cao Nguyên |
Tín dụng sáng cho thị trường BĐS
Giải thích về quyết định nới room tín dụng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho hay, việc điều chỉnh được thực hiện trong bối cảnh tác động từ bên ngoài dịu bớt, thanh khoản của hệ thống các tổ chức tín dụng cải thiện hơn.
Thống đốc NHNN cũng yêu cầu các đơn vị cân đối vốn phù hợp để cấp tín dụng, tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên, như nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Việc mở rộng tín dụng phải đi đôi với việc kiểm soát rủi ro kỳ hạn để đảm bảo thanh khoản, an toàn, đảm bảo khả năng chi trả, nhất là dịp Tết Nguyên đán.
Nhận định về tác động của động thái nới room tín dụng của NHNN với thị trường BĐS, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM (HOREA) cho rằng, đây không phải là để “giải cứu” thị trường BĐS hay doanh nghiệp BĐS. Việc này chỉ hỗ trợ thông qua cơ chế chính sách, pháp luật tạo điều kiện để thị trường này tự điều chỉnh, tự điều tiết.
Ngoài ra, còn đi đôi với một số giải pháp kích cầu trực tiếp hỗ trợ cho người mua nhà để ở, người mua nhà lần đầu với lãi suất hợp lý.
“Phần room tín dụng tăng thêm sẽ bổ sung nguồn vốn tín dụng cho sản xuất kinh doanh trong giai đoạn cao điểm tháng 12.2022 và trước Tết. Điều đó là rất quan trọng trong bối cảnh thị trường BĐS, các doanh nghiệp đang rất khó khăn, khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Trong đó có nhiều doanh nghiệp thiếu thanh khoản hoặc mất thanh khoản do thiếu dòng tiền hoặc âm dòng tiền” - ông Châu nhận định.
Bên cạnh đó, khuyến nghị với các doanh nghiệp, Chủ tịch HOREA cho hay, trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp BĐS phải thấy rõ trách nhiệm của mình để nỗ lực, đồng hành cùng với Nhà nước, chủ động tái cấu trúc, tái cơ cấu đầu tư. Chưa dừng lại, các doanh nghiệp cũng phải tái cơ cấu sản phẩm hướng về nhu cầu thực và thực hiện giảm giá nhà tương đối, thực chất để thị trường BĐS và người mua nhà, nhà đầu tư vượt qua khó khăn…
Đẩy thanh khoản đang “đóng băng”
Ông Nguyễn Anh Quê - Giám đốc Tập đoàn G6 chia sẻ, việc nới room tín dụng tác động đến toàn bộ các ngành nghề khác không riêng gì BĐS.
Theo đó, các ngành sản xuất sẽ phục hồi và kích thích tiêu dùng cuối năm. Khi bức tranh kinh tế cuối năm có nhiều điểm sáng, niềm tin vào thị trường sẽ phục hồi.
“Thị trường BĐS vừa qua, vừa thiếu vốn, vừa mất niềm tin khiến thanh khoản đóng băng. Thị trường BĐS có hiệu ứng lan tỏa và khi niềm tin được hồi phục sẽ khiến thị trường có tác động tích cực. Theo đó, thanh khoản được cải thiện” - ông Quê nói.
Theo ông Quê, thị trường BĐS chưa thể hồi phục ngay và phải chờ thời gian. Tuy nhiên, nhà đầu tư có niềm tin vào thị trường được nhà nước quan tâm bằng một loạt các động thái như nới room tín dụng. Bản chất việc có nguồn vốn là giải quyết vấn đề thủ tục khơi thông được nguồn cung.
Đồng quan điểm với ông Quê, ông Phạm Đức Toản - Giám đốc Cty Cổ phần EZ cho rằng, việc nới room tín dụng vào những tháng cuối năm là tín hiệu tích cực đẩy thanh khoản đang “đóng băng” trên thị trường BĐS. Tuy nhiên, ông Toản cho hay, thị trường BĐS còn tồn tại rất nhiều vấn đề cần giải quyết, đặc biệt là pháp lý của dự án tại các đô thị lớn như: Hà Nội, TPHCM nên nguồn cung sản phẩm không có.
“Dòng tiền theo room tín dụng mới chỉ được coi là giải cứu giai đoạn từ nay đến Tết. Với tình hình thị trường như hiện nay, nếu nhanh phải hết năm 2023 mới có khả năng tính toán được nhịp mới và sang năm 2024 mới bình ổn” - ông Toản nói.
Vẫn còn nhiều khó khăn khác Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, sau việc nới room tín dụng của NHNN, thị trường BĐS sẽ “đỡ hơn”. Tuy nhiên, theo ông Sinh, thị trường BĐS còn nhiều khó khăn khác ngoài vốn cần được tháo gỡ cùng lúc. |
Theo Cao Nguyên/laodong.vn