Những điểm mới đối với lao động sang Nhật Bản làm việc
Đối thoại với người sử dụng lao động về tiền lương để có lợi hơn cho NLĐ Làm tốt công tác đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng cho đoàn viên, người lao động |
Bảo vệ tốt nhất quyền lợi của người lao động
Trong buổi tiếp và làm việc mới đây với Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nhật Bản Furukawa Yoshihisa, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung cho biết hiện số lao động Việt Nam tại Nhật Bản đã lên gần 500.000 người. Sau thời gian bị gián đoạn bởi dịch Covid-19, từ đầu năm 2022 tới nay, hơn 50.000 thực tập sinh Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản.
Để bảo vệ tốt nhất quyền lợi của người lao động, Việt Nam đã sửa đổi Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng với rất nhiều nội dung cải tiến như: Giảm tất cả đóng góp của người lao động ở mức tối đa cho phép, giảm dịch vụ phí, tăng đào tạo, bồi dưỡng cho người lao động, nâng cao chất lượng cho người lao động trước khi sang Nhật Bản.
Ký kết Bản ghi nhớ về chương trình phái cử - tiếp nhận thực tập sinh kỹ năng Việt Nam sang thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản giữa Bộ LĐ-TB&XH với IM Japan. |
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, thời gian qua, hai bên đã thống nhất siết chặt kỷ cương, kiên quyết xử lý các nghiệp đoàn, doanh nghiệp vi phạm, đặc biệt là việc môi giới, tiêu cực trong quá trình đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. "Bộ LĐ-TB&XH đã giao nhiệm vụ cho Cục Quản lý lao động ngoài nước phải công khai, minh bạch thông tin thị trường lao động ngoài nước cũng như thông tin của các doanh nghiệp xấu. Đồng thời đình chỉ, thu hồi giấy phép hoạt động, xử lý hình sự đối với các doanh nghiệp có hành vi trái quy định", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ LĐ-TB&XH đã đề nghị Bộ Tư pháp Nhật Bản xem xét có thể miễn thuế cư trú, thuế thu nhập thông qua việc đàm phán, đánh thuế hàng hóa cho người lao động, nhằm bảo đảm quyền lợi, thu nhập tối thiểu cho người lao động Việt Nam vì lợi ích chung giữa hai nước. Đây là chính sách công bằng, khả thi vì Nhật Bản đã áp dụng chính sách trên đối với một số nước khác, trong khi đó, Việt Nam rất ưu tiên lực lượng lao động đối với Nhật Bản.
Bộ trưởng Furukawa Yoshihisa cho biết từ tháng 11/2017, Nhật Bản đã thu hồi giấy phép của 33 đơn vị quản lý, có văn bản chấn chỉnh trên 4.000 trường hợp có hành vi vi phạm, 17 đơn vị quản lý nhận văn bản phải chấn chỉnh cách thức hoạt động, xóa phê chuẩn kế hoạch thực tập kỹ năng của 309 xí nghiệp tiếp nhận và chấn chỉnh 15 xí nghiệp sử dụng người lao động Việt Nam trái quy định."Trong thời gian tới, để hỗ trợ tối đa cho người lao động Việt Nam tiếp cận nhanh chóng, thông qua Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), dự án Kết nối thông tin việc làm cho người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài sẽ thông tin công khai, minh bạch kết nối người lao động có nhu cầu với các đơn vị tuyển dụng Nhật Bản", Bộ trưởng Furukawa nhấn mạnh
Hai Bộ trưởng đã trao đổi và thống nhất với nhau nguyên tắc giảm khâu trung gian, giảm chi phí cho người lao động, cung cấp thông tin đầy đủ về thị trường cho người lao động để có thể chủ động lựa chọn, quyết định, hạn chế tối đa vấn đề thực tập sinh bỏ trốn.
Mở rộng đối tượng tuyển chọn
Trước đó, Bộ LĐ-TB&XH và Tổ chức Phát triển nhân lực quốc tế Nhật Bản (IM Japan) đã tái ký kết Bản ghi nhớ về chương trình phái cử, tiếp nhận thực tập sinh kỹ năng Việt Nam sang thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản. Bản ghi nhớ lần này mở rộng đối tượng tuyển chọn, yêu cầu cao hơn nhưng tinh thần theo hướng phi lợi nhuận triệt để.
Hiện đây là chương trình phi lợi nhuận với quy trình tuyển chọn bảo đảm thông tin rộng rãi, công khai, minh bạch trên các kênh truyền thông đại chúng. Người lao động tham gia chương trình không mất tiền phí dịch vụ, chỉ phải nộp các khoản chi phí cá nhân như xin cấp hộ chiếu, visa, chi phí khám sức khỏe.
Ngoài ra, người lao động còn được hỗ trợ học phí và ký túc xá trong thời gian đào tạo chính thức. Việc này đã tạo điều kiện cho nhiều người lao động của Việt Nam, đặc biệt là những lao động thuộc diện hộ nghèo, khó khăn, lao động ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa có cơ hội ra nước ngoài làm việc.
Đại diện Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), cho biết bên cạnh những chính sách chung của Chính phủ Nhật Bản, chương trình IM Japan, các nghiệp đoàn, doanh nghiệp tiếp nhận đều có các chính sách đặc thù hỗ trợ, tạo điều kiện cho thực tập sinh có nguồn thu nhập ổn định.
Người lao động khi tham gia chương trình sẽ được IM Japan hỗ trợ học phí, ký túc xá trong suốt thời gian tham gia khóa đào tạo chính thức, tặng vé máy bay 2 chiều. Sau khi hoàn thành chương trình và về nước đúng thời hạn, thực tập sinh sẽ được IM Japan hỗ trợ từ 600.000 đến 1 triệu yen (tương đương 120 - 200 triệu đồng) để khởi nghiệp.
"Bản ghi nhớ lần này bổ sung một số nội dung để mở rộng đối tượng tuyển chọn và nâng cao quyền lợi cho thực tập sinh tham gia chương trình như: Mở rộng độ tuổi tuyển chọn từ 18 - 30 tuổi (trước đây từ 20 - 30 tuổi); tăng chi phí hỗ trợ tiền ký túc xá trong thời gian đào tạo tại Việt Nam cho người lao động; chi trả tiền khuyến khích sự nghiệp cho cả những thực tập sinh kỹ năng đang thực tập giai đoạn 3 phải dừng chương trình thực tập và về nước giữa chừng vì lý do cá nhân", đại diện Trung tâm Lao động ngoài nước nhấn mạnh./.
Theo Tú Anh/laodongthudo.vn