Nhiều bất cập trong quản lý đối với xe kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng
Theo Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, hiện có hình thức hợp đồng theo định kỳ như: hợp đồng dịch vụ đưa đón công nhân, chuyên gia, học sinh thường xuyên từ nơi ở đến nơi làm việc, học tập... đối với loại hình này, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng không cần phải quản lý các nội dung như yêu cầu truyền dữ liệu hợp đồng, danh sách hành khách theo từng chuyến xe. Tuy nhiên, cần có loại phù hiệu xe hợp đồng riêng để tiện lợi trong công tác quản lý.
Với hình thức hợp đồng thuê cả chuyến xe như hợp đồng đưa đón đoàn khách đi đám cưới, hỏi, du lịch, sự kiện... Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, hình thức này cần thực hiện như quy định hiện hành. Phải có hợp đồng vận tải, danh sách hành khách; truyền dữ liệu về cơ quan quản lý như quy định hiện hành.
Lực lượng chức năng kiểm tra phương tiện kinh doanh vận tải hành khách. |
Đáng chú ý, hình thức mà hiện nay chưa có trong quy định nhưng đang hoạt động, xu hướng phát triển mạnh, ngoài xã hội thường gọi là “xe hợp đồng điện tử” hay “xe limousine” hay “hợp đồng trá hình”... Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, đây là hình thức kinh doanh vận tải hành khách tạo thuận lợi cho hành khách; chất lượng dịch vụ hành khách có nhiều cải thiện.
Tuy nhiên, cũng có nhiều hệ lụy như làm gia tăng ùn tắc giao thông ở các đô thị; gia tăng tình trạng chạy nhanh để giành khách làm gia tăng nguy cơ tai nạn giao thông; nhiều người đưa xe không phải là xe được phép kinh doanh, lái xe chưa đủ điều kiện lái xe kinh doanh vận tải; người vận tải chưa thực hiện việc quản lý xe và người lái theo quy định; nhiều ý kiến nêu câu hỏi về việc các xe này có đăng ký kinh doanh và kê khai nộp thuế đầy đủ theo quy định hiện hành không?
Từ thực tế trên, Hiệp hội đã đề xuất Bộ Giao thông vận tải cần nghiên cứu và xác định rõ trong sửa đổi Luật Đường bộ để giải quyết hai câu hỏi: Một là, có cho phép loại hình kinh doanh này hoạt động hay không? Hai là, và nếu cho phép thì phải có quy định cụ thể để giảm thiểu tới mức thấp nhất những hệ lụy của nó như phải quy định phạm vi hoạt động nhất định; không cho phép vào sâu trong nội đô ở các đô thị lớn (hoặc quy định tối đa được đón trả khách tại một số điểm mà nguy cơ gây ùn tắc giao thông ít); hạn chế thời gian vào nội đô; có cho phép xe của hộ kinh doanh vận tải kinh doanh theo loại hình này hoặc không; đồng thời phải khẳng định không cho phép xe cá nhân không đăng ký kinh doanh vận tải hoạt động dưới hình thức xe ghép, xe tiện chuyến... có cơ chế phối hợp với cơ quan thuế để giám sát quản lý về thuế.