Đồng bộ hạ tầng và chính sách hỗ trợ: “Thuốc trợ lực” giúp xe đạp công cộng phát triển
Xây dựng văn hóa giao thông qua ảnh Sớm phát triển đường ưu tiên, đường dành riêng cho vận tải công cộng |
Thay đổi thói quen đi lại của người dân
Cùng với sự tăng trưởng mạnh mẽ về kinh tế, Hà Nội đã trở thành đô thị loại đặc biệt với sự tập trung quy mô dân số đông đảo. Đáng nói, việc tăng dân số quá nhanh cùng quá trình đô thị hóa mạnh mẽ khiến Hà Nội đối mặt với vấn đề ô nhiễm ngày càng gia tăng. Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra, tại đô thị lớn như Hà Nội, phương tiện giao thông cá nhân, đặc biệt là các phương tiện giao thông cũ nát, quá niên hạn sử dụng là một trong những nguyên nhân gây mất an toàn giao thông và ô nhiễm môi trường.
Chất lượng môi trường không khí đô thị xuống thấp, giao thông xanh được coi là “chìa khóa”, là giải pháp tối ưu giải quyết vấn đề. Các hoạt động giao thông xanh cũng trực tiếp nhằm hạn chế thải khí CO2 và các loại khí thải độc hại khác ra môi trường. Trước thực tế này, Hà Nội cũng đang đẩy nhanh phát triển giao thông xanh thông qua các hoạt động thiết thực. Nhiều phương tiện vận tải công cộng thân thiện với môi trường đã được đưa vào vận hành. Đáng chú ý, về phía người dân cũng đặc biệt hưởng ứng và sẵn sàng tham gia sử dụng các loại hình phương tiện này. Xe đạp công cộng là ví dụ điển hình.
Xe đạp công cộng phù hợp với đại bộ phận người dân Thủ đô. (Ảnh: Đinh Luyện) |
Thông tin tại tọa đàm “Có cần trợ giá cho xe đạp công cộng?” do Báo Giao thông tổ chức, ông Phan Trường Thành, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở Giao vận tải Hà Nội, chia sẻ: Ngày 24/8/2023, dịch vụ xe đạp công cộng tại các quận nội thành Hà Nội chính thức được đưa vào khai thác. Chỉ sau hơn 2 tháng triển khai, đến nay đã có khoảng 100.000 người đăng ký sử dụng xe qua ứng dụng với tổng cộng gần 135.000 chuyến đi, trung bình có 2.000 lượt di chuyển/ngày. Bước đầu, đây là điểm sáng và nên tạo điều kiện để xe đạp công cộng phát triển. Trên cơ sở đánh giá hiệu quả mang lại, Thành phố đang nghiên cứu bố trí hai tuyến đường dành riêng cho xe đạp, dự kiến triển khai ngay trong năm 2024.
Chia sẻ về chất lượng dịch vụ tại đơn vị, ông Đỗ Bá Quân, Chủ tịch Công ty Vận tải số Trí Nam cho biết, công ty có đội ngũ chăm sóc khách hàng 24/7 để xử lý sự cố trên đường. Phương tiện công ty đang sử dụng là loại chất lượng tốt, đạt tiêu chuẩn, được đặt từ một nhà máy sản xuất phương tiện theo công nghệ châu Âu. Ngoài ra, công ty còn có đội ngũ bảo trì thường xuyên, ngoài ra tổng kiểm tra định kỳ 3 tháng/lần.
“Để người dân đi xe đạp trung thành, chúng tôi đã thử nghiệm các gói ưu đãi trong đó gói đầu tiên là 5.000 đồng đi xe đạp/tháng, mỗi ngày 2 tiếng. Lượng người tham gia tương đối đông, Hà Nội có 1.000 người tham gia. Hiện tại, chúng tôi đang thử nghiệm vé tháng 20.000 đồng/tháng, lượng người tham gia là khoảng 1.000 người. Đây là những chính sách của công ty để hấp dẫn người tiêu dùng, đánh giá các đối tượng khách hàng trung thành, chứ không đơn giản chỉ đi thử, trải nghiệm thử”, ông Đỗ Bá Quân chia sẻ.
Theo đánh giá của các chuyên gia, tại Hà Nội, mạng lưới giao thông có đặc thù là ngõ nhỏ, phố nhỏ, ngõ sâu nên từ nơi ở đến nhà ga, bến tàu, trạm xe buýt lên tới hàng ki lô mét. Do đó, phương án xe đạp công cộng là bước đi đúng và hợp lý song cần sự điều tiết của Nhà nước.
Trên thực tế, xu hướng phát triển đô thị bền vững trên thế giới đang đề cao vai trò của xe đạp - loại phương tiện xanh, sạch, thân thiện môi trường, hỗ trợ dịch vụ vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn. Được biết, nhiều thành phố như Copenhagen (Đan Mạch), Amsterdam (Hà Lan), Berlin (Đức), Strasbourg (Pháp), Bắc Kinh (Trung Quốc)… đã định hình lại cơ sở hạ tầng đô thị theo cách khuyến khích xe đạp như xây cầu, làn đường dành riêng cho xe đạp hay có bãi đậu xe cố định cho loại hình này. Chính điều này đã thu hút rất đông người dân sử dụng phương tiện xe đạp, điển hình tại Copenhagen có khoảng 62% số công dân sử dụng xe đạp để đi làm hoặc đi học.
Còn nhiều thách thức để phát triển
Không chỉ góp phần giảm khí phát thải, bảo vệ môi trường, dịch vụ xe đạp công cộng được triển khai còn đang dần trở thành phương tiện kết nối giao thông hiệu quả giữa các loại hình giao thông công cộng khác như metro, xe buýt. Lợi ích mang lại là rất lớn, song công tác đầu tư dịch vụ cho thuê xe đạp cũng là một trong những rào cản khiến mô hình xe đạp công cộng chưa phát triển rộng.
Nói cách khác, hiện doanh nghiệp cũng gặp không ít thách thức khi phải đầu tư một số lượng lớn tài sản hữu hình, trong khi giá trị thu được từ mỗi lượt khách lại không cao, thời gian hoàn vốn khá dài. Giai đoạn đầu, doanh nghiệp vận hành gần như phải “đốt tiền” để xây dựng thói quen người dùng. Chưa kể, việc vận hành lại cần quá nhiều chi phí: sản xuất, bảo dưỡng, khấu hao và các loại phí quản lý đô thị như thuê vỉa hè.
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội đánh giá cao sự cố gắng và nỗ lực của Công ty Vận tải số Trí Nam khi triển khai dịch vụ xe đạp công cộng ở Hà Nội thời gian qua, song ông cho rằng vẫn còn nhiều thách thức khi duy trì và phát triển dịch vụ này.
Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, xe đạp công cộng có thị trường, có khách song để tồn tại và phát triển thành công thì vẫn cần thị trường để phát triển và cần coi đây là phương tiện vận tải hành khách công cộng để có bàn tay quản lý của Nhà nước và phải tạo được sự tin cậy của người dùng. Hiến kế về vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Hải cho rằng để để mở rộng thị trường, cần có môi trường (về thể chế, giao thông) để phương tiện vận hành thuận tiện.
So với các phương tiện khác, hiện tại giá xe đạp công cộng vẫn rẻ, đủ để người dân có thể chấp nhận lựa chọn làm phương tiện đi lại. (Ảnh: Đinh Luyện) |
Muốn có môi trường thuận lợi lại cần cơ quan quản lý nhà nước đứng ra tạo dựng về khung pháp lý, cơ chế vận hành cho phương tiện bao gồm xây dựng các tiêu chí, tiêu chuẩn, yêu cầu của đơn vị vận hành để xe đạp đảm bảo an toàn trong tuổi thọ 4-5 năm, có bộ máy tương tác thường xuyên với người dân, kịp thời điều tiết phương tiện đáp ứng nhu cầu trong những thời điểm cao điểm. Bên cạnh đó, phải coi đây là loại hình vận tải hành khách công cộng như xe buýt, đường sắt đô thị và Nhà nước phải tham gia vào để quản lý, xây dựng khung giá sao cho hấp dẫn người dân sử dụng.
Đồng thời, doanh nghiệp cũng cần tạo được sự tin cậy cho người dân, phải có đội ngũ xe thường xuyên đảm bảo chất lượng theo đúng quy định, có hệ thống duy tu bảo dưỡng và kiểm soát chất lượng, có tương tác hiệu quả với hành khách, quá trình người dân sử dụng gặp sự cố phải tiếp cận nhanh để hỗ trợ giải quyết giúp người dùng sử dụng dịch vụ được an toàn, thoải mái.
Về phía doanh nghiệp vận hành xe đạp công cộng, để dịch vu xe đạp phát triển tốt hơn ông Đỗ Bá Quân, Chủ tịch Công ty Vận tải số Trí Nam đề xuất Nhà nước quan tâm hơn nữa cho dịch vụ xe đạp, tạo điều kiện về đảm bảo an ninh an toàn ở các điểm trạm, coi xe đạp công cộng như các dịch vụ công cộng khác để được hưởng ưu đãi; đưa loại hình này vào hệ thống giáo dục, tuyên truyền từ trẻ mầm non để trẻ hiểu đây là phương thức để rèn luyện sức khoẻ, bảo vệ môi trường.
“Chúng tôi cũng đề xuất khi chưa có hạ tầng dành riêng có thể mở cho xe đạp sử dụng chung với đường dành cho người đi bộ. Thực tiễn trên thế giới, có những nước cho phép xe đạp đi chung với người đi bộ. Nhiều thành phố của chúng ta có nhiều tuyến đường dành riêng cho người đi bộ nhưng không cho đi xe đạp. Vì vây, tôi cũng mong có thể mở cho xe đạp đi vào một phần ở các tuyến đường dành cho người đi bộ”, ông Đỗ Bá Quân đề xuất.