Ngành du lịch Thủ đô: Làm mới sản phẩm, kết nối đón khách
Nâng cao hiệu quả công tác giáo dục pháp luật ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Du lịch Hà Nội ''bùng nổ'' dịp nghỉ lễ 2-9 |
Đa dạng các sản phẩm du lịch
Trong bối cảnh hoạt động du lịch đang phục hồi nhanh, khách trong nước và quốc tế đến Hà Nội tăng trưởng rõ rệt, ngành du lịch Thủ đô tập trung nhiều giải pháp thu hút du khách.
Sở Du lịch Hà Nội phối hợp với các quận, huyện, thị xã và doanh nghiệp lữ hành xây dựng nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng, mang bản sắc riêng của Thủ đô.
Đánh giá về công tác xây dựng sản phẩm du lịch mới, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn đã xây dựng các sản phẩm du lịch có chất lượng, hấp dẫn, tạo ra nhiều sự lựa chọn cho du khách, góp phần quảng bá nét đặc trưng về văn hóa, ẩm thực và danh lam thắng cảnh của Hà Nội.
Du khách quốc tế tham quan tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám. |
Sở Du lịch Hà Nội tập trung phối hợp với các doanh nghiệp lữ hành, điểm đến du lịch, đặc biệt là điểm đến di tích, di sản xây dựng sản phẩm du lịch đêm, du lịch trải nghiệm trên nền tảng khai thác giá trị truyền thống.
Đồng thời, ngành du lịch đẩy mạnh triển khai các loại hình du lịch mới như du lịch thể thao mạo hiểm, du lịch trải nghiệm, du lịch sông Hồng, du lịch bay trực thăng, bay khinh khí cầu, du lịch ứng dụng thực tế ảo,...
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cũng cho biết thành phố sẽ thúc đẩy phát triển du lịch MICE (du lịch hội nghị, hội thảo) tại các địa điểm có lợi thế về du lịch nghỉ dưỡng, du lịch golf gắn với tổ chức, đăng cai sự kiện văn hóa, thể thao, chính trị, xã hội, chương trình, lễ hội lớn của quốc gia và quốc tế.
Thời gian gần đây, nhiều sản phẩm du lịch mới mang dấu ấn văn hóa Hà Nội ra đời, thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách. Ngoài các tour du lịch đêm tại Hoàng thành Thăng Long, di tích Nhà tù Hỏa Lò, Bảo tàng Văn học và các phố đi bộ đêm, nhiều tour du lịch mới cũng ra đời như sản phẩm du lịch văn hóa, tâm linh kết hợp chăm sóc sức khỏe tại huyện Sóc Sơn; Bác Cổ - Mùa hoa gạo tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia; Tìm về Kinh đô người Việt cổ tại di tích Thành Cổ Loa; Hành trình di sản tại Hoàng thành Thăng Long và làng cổ Bát Tràng,…
Du khách tham quan và trải nghiệm tour Tìm về kinh đô người Việt cổ. |
Chia sẻ về tour du lịch mới Tìm về kinh đô người Việt cổ, Giám đốc Công ty du lịch bền vững S.T.I.D Phùng Quang Thắng cho rằng đây là sản phẩm được công ty và Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội ấp ủ từ lâu với mong muốn mang đến trải nghiệm mới lạ cho du khách khi đến Cổ Loa.
Mặc dù các di tích ở Cổ Loa đã quen thuộc với nhiều người, câu chuyện lịch sử của Cổ Loa đã nằm lòng đối với người dân Việt Nam, nhưng đơn vị tổ chức vẫn mong muốn sản phẩm này mang đến trải nghiệm hoàn toàn mới cho người dân và du khách để di sản có sức sống mới trong đời sống đương đại.
Tour văn hóa, tâm linh kết hợp chăm sóc sức khỏe tại Sóc Sơn gồm các hoạt động tham quan tại Khu di tích đền Sóc, chùa Non Nước, Học viện Phật giáo Việt Nam; cắm trại, nghỉ ngơi tại Đồng Quan Camping; được tư vấn và trải nghiệm dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở Trung tâm Chăm sóc sức khỏe và làm đẹp, dưỡng sinh đông y tại Sóc Sơn.
Theo Giám đốc Công ty Du lịch Sunvina Travel Tạ Hữu Chiến, sản phẩm này đang thử nghiệm với khách nội địa, hướng tới thu hút khách quốc tế.
Đưa sản phẩm đến gần hơn với du khách
Các tour du lịch mới đã được công ty lữ hành đưa vào khai thác, thu hút khách. Mỗi tour du lịch có đặc trưng riêng nhưng đều tập trung vào những giá trị cốt lõi của văn hóa Hà Nội. Bước đầu, du khách đã có những phản hồi tích cực khi tham gia trải nghiệm các tour này. Đơn vị quản lý điểm đến cũng như các công ty lữ hành đang tích cực quảng bá tour du lịch mới, đưa sản phẩm đến gần hơn với du khách.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội Ngô Văn Nam, giá trị của Di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa rất lớn. Việc phát huy giá trị của di tích trong đời sống, thu hút người dân vàdu khách là bài toán đặt ra nhiều năm nay.
Nhiều hiện vật, tài liệu quý được các nhà khoa học tìm thấy thời kỳ An Dương Vương tại Nhà trưng bày hiện vật Khu di tích Cổ Loa. |
Ra mắt tour Tìm về kinh đô Việt cổ sẽ là khởi đầu cho những đổi mới trong cách gìn giữ, phát huy giá trị di sản của Cổ Loa, biến di sản thành tài sản theo chủ trương thực hiện công nghiệp văn hóa của thành phố Hà Nội. Thời gian tới, Trung tâm tăng cường quảng bá tour Tìm về kinh đô Việt cổ để ngày càng nhiều hơn du khách đến với Cổ Loa.
Trên phương diện chung, Sở Du lịch Hà Nội đang đẩy mạnh truyền thông, quảng bá hình ảnh du lịch, điểm đến, sản phẩm du lịch mới của Thủ đô trên các kênh truyền thông, truyền hình trong nước, kênh CNN quốc tế, kênh truyền thông quốc tế khác, trang website, nền tảng mạng xã hội.
Các hình thức tuyên truyền quảng bá phong phú, phù hợp, nhằm tạo sức lan tỏa lớn, thu hút du khách đến Hà Nội với thông điệp xuyên suốt “Hà Nội - Đến để yêu” và “Hà Nội - Điểm đến du lịch an toàn, hấp dẫn”.
Báo cáo hàng năm của Economist Intelligence Unit (EIU), dựa trên việc xếp hạng 172 thành phố trên các tiêu chí ổn định, chăm sóc sức khỏe, văn hóa và môi trường, giáo dục và cơ sở hạ tầng mới đây đã công bố bảng xếp hạng những thành phố đáng sống nhất thế giới. Theo đó, Thủ đô Hà Nội xếp thứ 129 trong bảng xếp hạng, tăng 20 bậc so với năm 2022, vào top 5 thành phố có thứ hạng tăng mạnh nhất thế giới. |