Làng nghề Liên Trung khói, bụi và bệnh
Tại xã Liên Trung, huyện Đan Phượng, nhiều đời nay, người dân nơi đây ngoài làm nông thì họ còn có thêm nguồn sống từ nghề sản xuất gỗ. Những năm qua, nghề mộc đã giải quyết được vấn đề việc làm và mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân địa phương.
Nếu như trước đây, các hộ sản xuất nhỏ lẻ, trang thiết bị máy móc thô sơ thì ngày nay cùng sự hỗ trợ của công nghệ, máy móc và nhu cầu tiêu dùng nên làng nghề càng có cơ hội phát triển mạnh. Tuy nhiên, do đặc thù là chế biến, sản xuất lâm sản nên vấn đề môi trường sống không đảm bảo chính là nỗi lo của nhiều người dân sinh sống tại nơi đây. Một số cơ sở sản xuất vẫn phải hoạt động trong khu dân cư khiến môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng bởi bụi gỗ, chất thải, tiếng ồn...
Đi theo các con ngõ vào làng nghề, tiếng máy cưa, máy bào xé không khí, bụi gỗ thoát ra từ các nhà xưởng mộc bao trùm khắp thôn xóm. Người dân có đất ở dọc con ngõ Liên Trung 1, đã quá quen với việc không bị Covid cũng phải đeo khẩu trang suốt ngày. Trong nhà, nhìn đâu cũng thấy bụi. Bụi phủ lên đồ đạc, hàng hoá, bụi chui vào giấc ngủ của mỗi người. Nhiều nhà dân sống cạnh các xưởng gỗ luôn trong tình trạng đóng kín, cổng nhà và ban công được che chắn bằng những nilon và phông bạt.
Người dân che chắn bằng túi nilon để tránh bụi từ các cơ sở sản xuất. |
Chị N.T.T (cụm 1, xã Liên Trung, huyện Đan Phượng, Hà Nội) cho biết: “Đa phần những hộ gia đình ở đây sinh sống bằng nghề làm gỗ, họ thuê của nhà có đất nhưng không làm nghề gỗ. Hiện nay, họ chưa di dời được vì họ chưa có điều kiện mua đất bên làng nghề. Vậy nên vẫn phải chấp nhận làm ở khu dân cư.”
Cũng theo người dân sinh sống tại đây, nhiều năm qua, người dân tại Cụm 1, xã Liên Trung, huyện Đan Phượng phải sống trong nơm nớp lo sợ bởi các xưởng sản xuất nằm xen khu dân cư, sát nhà, đang hàng ngày xả bụi, tiếng ồn, nguy cơ cháy nổ cao,.. Mặc dù đã nhiều lần người dân phản ánh đến chính quyền địa phương nhưng thực trạng vẫn chưa được xử lý và các xưởng vẫn ngang nhiên gây tiếng ồn, xả khói, bụi ra môi trường.
Những khu nhà xưởng được dựng tạm bợ, gỗ, mùn cưa để la liệt, nguy cơ gây cháy nổ rất cao. |
Điều đáng nói, không chỉ làm về gỗ mà thậm chí cả các xưởng cơ khí, ép uốn ván, phun sơn,... được xây dựng đối diện UBND xã Liên Trung và chỉ cách trường mầm non Liên Trung, trường tiểu học Liên Trung vài chục mét hàng ngày gây tiếng ồn và xả thải ra không khí.
Chị H – bán hàng tạp hoá trong khu xưởng tự phát than thở: “Đất này ông bà để lại, xung quanh là các xưởng sản xuất. Biết là ô nhiễm nặng nề, sức khỏe giảm sút, nhưng cũng đành bám trụ thôi chứ biết làm thế nào. Kêu lên xã từ lâu rồi mà có được giải quyết đâu”.
Nhiều xưởng sản xuất này còn đặt ngay cạnh trường mầm non xã Liên Trung, bụi mịn và mùn cưa phát tán trong không khí, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ của con trẻ vì trong bụi gỗ chứa thành phần gây hại. Nếu hít nhiều sẽ dẫn đến các bệnh về mắt và hô hấp. Vì vậy người dân rất lo lắng về sức khoẻ của con em mình.
Ống khói đen xả thẳng ra môi trường. |
Không chỉ bức xúc về những ảnh hưởng tới sức khoẻ, người dân còn rất bất an nỗi sợ hoả hoạn. Hầu hết các xưởng gỗ tự phát không được trang bị phương tiện phòng cháy chữa cháy, khi xảy ra hoả hoạn đã không kịp trở tay. Điển hình, vào tháng 5/2022, một vụ hoả hoạn lớn xảy ra tại xưởng gỗ trên địa bàn xã Liên Trung, khu vực cháy có diện tích khoảng 55m2 đã bị thiêu rụi.
Chị T cho biết: “Cháy ở đây không phải là hiếm. Đã xảy ra cháy là xác định tất cả thành tro, là sạt nghiệp, người dân chúng tôi cũng chỉ biết cầu trời cho "bà Hỏa" đừng ghé thăm"
Đi dọc con đê, chạy qua địa phận 2 xã Liên Hà, xã Liên Trung, nhóm phóng viên chúng tôi không khỏi giật mình trước hàng loạt những ống khói dựng thẳng xả khói đen cuồn cuộn lên trên trời.
“Các xưởng sản xuất gỗ có những ống khói to. Mỗi lần họ sấy gỗ là khói đen được xả thẳng lên trời gây ảnh hưởng đến sức khỏe đến người dân, đặt biệt là bệnh phổi, da, mắt… da của tôi đây, mẩn đỏ hết cả lên. Báo lên xã, họ cũng có xuống xem xét nhưng rồi đâu lại vào đấy.”, chị T cho biết thêm.
Không khẩu trang, chân trần, tay trần dường như cụm từ "an toàn lao động" không tồn tại nơi đây. |
Không chỉ chị T, mà hàng trăm, hàng ngàn người dân xã Liên Trung, sống giữa đất cha ông để lại bị bủa vây bởi ô nhiễm, biết là sẽ ốm đau, bệnh tật nhưng cũng đành bất lực. Đời cha đã vậy, đời con cũng không biết thế nào. May thay, mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã có chủ trương di dời 19 làng nghề gây ô nhiễm và làng nghề Liên Trung đã có trong danh sách di dời.
Hy vọng lần sau về Liên Trung, chúng tôi không còn bắt gặp những cột khói xả mù mịt ra môi trường, nước da chị T không còn mẩn đỏ và nụ cười luôn tỏa sáng trên những gương mặt không còn phải ngày đêm đeo khẩu trang của người dân nơi đây.