Làng nghề, ẩm thực truyền thống: Cơ hội gắn kết du lịch Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh
"Ô nhiễm trắng" tại làng nghề Triều Khúc Làng nghề Liên Trung khói, bụi và bệnh |
Mỗi năm, Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) thu hút hàng triệu khách du lịch trong và ngoài nước, đóng góp quan trọng cho ngành du lịch cả nước cũng như thúc đẩy các địa phương khác, trong đó có thành phố Hà Nội. Chính vì vậy, việc liên kết và hợp tác là một trong những yếu tố quan trọng để thúc đẩy du lịch mạnh mẽ, đặc biệt là giữa 2 đầu tàu của đất nước.
Nhận thức được tầm quan trọng đó, trong khuôn khổ “Những ngày Hà Nội tại TP.HCM”, Chương trình “Quảng bá giới thiệu sản phẩm, kết hợp quảng bá xúc tiến du lịch liên kết Thủ đô Hà Nội - TP.HCM" diễn ra 2 hoạt động là: Quảng bá, giới thiệu sản phẩm, làng nghề, nghệ nhân trình diễn, xúc tiến du lịch liên kết Thủ đô Hà Nội - TP.HCM; trình diễn ẩm thực Hà Nội của các nghệ nhân ẩm thực, đầu bếp, trải nghiệm ẩm thực Hà Nội của du khách tham quan.
Gian hàng nông sản Hà Nội được trưng bày. |
Chương trình hoạt động có quy mô khoảng 10.000m2, được phân bổ tại 2 khu vực là phố đi bộ Nguyễn Huệ và khu Thương xá Tax ở quận 1, TP.HCM.
Đưa làng nghề đến gần với thế hệ trẻ
Theo ông Nguyễn Ánh Dương - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố Hà Nội, tại khu vực phố đi bộ Nguyễn Huệ sẽ là không gian "Phố nghề, làng nghề Hà Nội xưa và nay", quy mô 28 gian hàng được thiết kế lấy cảm hứng từ hình ảnh phố cổ Hà Nội.
Bức chân dung Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua bàn tay khéo léo của các nghệ nhân làng nghề mây tre đan Phú Vinh. |
Các sản phẩm được trưng bày tại đây vừa mang hơi thở của “Hà Nội xưa” với giá trị lịch sử, văn hóa, truyền thống, vừa thể hiện sự hội nhập, phát triển của thời đại mới. Điển hình như: Nghề gốm sứ Bát Tràng, nghề mây tre đan Phú Vinh, nghề lụa Vạn Phúc, nghề chạm khắc gỗ mỹ nghệ Thiết Úng, nghề lược sừng Thụy Ứng, nghề đúc đồng Ngũ Xã, nghề dệt Phùng Xá, nghề thêu Thường Tín, nghề mỹ nghệ Sơn Đồng, nón lá làng Chuông, nghề làm quạt làng Vác, làm tò he Phượng Dực, nghề sơn mài Hạ Thái, nghề kim hoàn Hàng Bạc,…
Các nghề truyền thống của Thủ đô được giới thiệu tại khuôn khổ Chương trình. |
Ngoài trưng bày giới thiệu sản phẩm, du khách còn được xem nghệ nhân trình diễn nghề, kể câu chuyện sản phẩm. Đặc biệt, trước mỗi gian hàng, người tham quan có thể quét mã QR để đọc thông tin về làng nghề cũng như thông tin về nghệ nhân đại diện.
“Tôi lớn tuổi rồi nên cũng chẳng còn biết gắn bó được với nghề bao lâu nữa nên cứ có cơ hội được quảng bá về nghề gia truyền là tôi sẽ tham gia. Thấy các bạn ở lứa tuổi con cháu mình quan tâm, hỏi về nghề dệt, tôi rất vui. Hy vọng qua chương trình, nghề dệt Phùng Xá sẽ được nhiều người biết đến hơn, có cơ hội phát triển hơn”, nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận của làng nghề Phùng Xá tâm tình.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà đến thăm quan gian hàng của làng nghề Phùng Xá. |
“Để mang đến nhiều sản phẩm mây tre đan đặc trưng của làng nghề Phú Vinh, chúng tôi đã phải chuẩn bị kỹ lưỡng, tỉ mỉ, có tính ứng dụng cao, phù hợp với nhu cầu cuộc sống để giới thiệu với bà con TP.HCM. Đặc biệt tôi rất mong nhận được sự quan tâm của các bạn trẻ, vì tuổi trẻ là thế hệ tiếp nối, nếu không đem được tình yêu làng nghề đến các bạn thì không làm sao chúng ta duy trì nét văn hóa được”, nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh của làng nghề Phú Vinh (huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội) chia sẻ.
Những chia sẻ của các nghệ nhân phần nào giúp khách tham quan hiểu hơn về lịch sử, văn hóa Thăng Long xưa - Hà Nội nay.
Chợ Đồng Xuân được phục dựng tại khu đất Thương xá Tax. |
“Lúc đầu em đến tham quan chỉ vì tò mò nhưng khi chứng kiến không gian trưng bày, em cảm thấy thích thú hơn và nghĩ là mình sẽ tìm hiểu thêm để hiểu hơn về các làng nghề truyền thống”, bạn Võ Tường Vy (sinh viên Trường ĐH Văn Hiến) chia sẻ.
Mang phong vị Hà Nội vào phương Nam
Bên kia đường, ở khu đất của Thương xá Tax là 42 gian không gian quảng bá, giới thiệu ẩm thực, sản phẩm đặc sản, quà tặng, OCOP Hà Nội với chủ đề “Tinh hoa ẩm thực Hà Nội” và “Hương vị Hà Nội”.
Ngoài hình ảnh về phố cổ Hà Nội và chợ Đồng Xuân, nhiều nhóm sản phẩm ẩm thực thể hiện nét văn hóa trải nghiệm khi đến Hà Nội như: Bia hơi Hà Nội, phở, bún chả, bún ốc, cốm Làng Vòng,… cũng đã được các nghệ nhân, đầu bếp đưa đến để phục vụ người dân và du khách tham quan.
Nhiều khu vực ẩm thực mang phong vị Hà Nội được giới thiệu. |
Thoăn thoắt múc bún ốc cho khách, nghệ nhân Nguyễn Thị Hiền - chủ nhân của gian hàng ẩm thực “Bún ốc bà ngoại” - tươi cười vừa cho biết, từ ngày 23/8 đến nay, hàng ngàn tô bún ốc thơm ngon đã được phục vụ khách hàng phương Nam.
“TP.HCM là một nơi rất phát triển về du lịch cho nên chúng tôi muốn những nét ẩm thực của Hà Nội sẽ được đánh thức và giới thiệu rộng rãi đến mọi người. Tôi đã rất bồi hồi và xúc động khi được tham gia chương trình “Những ngày Hà Nội tại TP.HCM”, được giới thiệu sản phẩm của mình đến bà con TP.HCM”, nghệ nhân Nguyễn Thị Hiền nói.
Nằm ngay giữa không gian trưng bày, gian hàng Bia hơi Hà Nội thu hút mọi ánh nhìn của khách tham quan. Có lẽ với bất cứ người Hà Nội nào đi xa, dòng chữ “Bia hơi Hà Nội” vừa là niềm tự hào, vừa là nỗi nhớ.
Du khách đến thưởng thức các đặc sản Hà Nội. |
“Bất cứ người nào đã từng có thời gian gắn bó với Hà Nội dù ngắn hay dài chắc chắn cũng ít nhất một lần ngồi ở Bia hơi Hà Nội. Thật sự rất khó để nói về cảm giác đó, rất Hà Nội mà khó diễn tả. Tôi rời Hà Nội hơn nửa năm nay để vào TP.HCM lập nghiệp, cảm giác nhìn thấy không gian Hà Nội trưng bày ngay giữa quận 1 khiến tôi thật sự bồi hồi”, chị Nguyễn Thị Hồng Nhung (ngụ thành phố Thủ Đức, TP.HCM) tâm tình.
Tham quan các gian hàng trưng bày, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà hoan nghênh các địa phương của thành phố Hà Nội mang tới “Những ngày Hà Nội ở TP.HCM” nhiều phong vị đậm chất Hà Nội, thể hiện nét tinh hoa ẩm thực Hà Thành. Theo bà Vũ Thu Hà, Thủ đô có hơn 1.300 làng nghề, trong đó có hơn 300 làng nghề truyền thống nhưng mức độ phổ thông lại chưa xứng tầm. Qua hoạt động quảng bá, bà Hà hoan nghênh các nghệ nhân, thợ giỏi đã tham gia với nhiều tâm huyết, trình diễn nghề, câu chuyện sản phẩm, góp phần đưa làng nghề, phố nghề của Thủ đô vươn xa.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cũng đánh giá cao sự chỉn chu và thẩm mỹ của các gian hàng, đồng thời nhấn mạnh, đây là dịp rất thuận lợi, là cơ hội để đại diện các làng nghề, doanh nghiệp giới thiệu những sản phẩm đặc trưng của Thủ đô đến với người dân TP.HCM và cả nước.
Vào buổi tối, số lượng khách tham quan ghé đến các gian hàng càng đông. |
“Gian hàng cần phải chuẩn bị và trưng bày đa dạng những sản phẩm của mình, giới thiệu tường tận về nguồn gốc lịch sử của từng sản phẩm đến với du khách và người dân TP.HCM. Đặc biệt, đối với các gian hàng ẩm thực cần hết sức chú trọng về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền góp ý.
Từ các trải nghiệm độc đáo qua các gian hàng trưng bày sản phẩm làng nghề mang đậm hương sắc Hà Thành, dù chỉ diễn ra trong 3 ngày nhưng Chương trình đã thu hút một lượng lớn người dân và du khách quan tâm, khẳng định tầm quan trọng trong sự kết nối giao thoa văn hóa, quảng bá để cùng phát triển.
Tân Nguyên