Hút vốn vào tăng trưởng xanh và chuyển đổi số
FDI vào châu Á gia tăng trong 3 năm liên tiếp và lên mức cao nhất mọi thời đại vào năm 2021, đạt 619 tỷ USD. Trong đó, Việt Nam được đánh giá là một "ngôi sao" trong chuỗi cung ứng toàn cầu, chiếm được thị phần đáng kể trong nhiều lĩnh vực, bao gồm dệt may, giày dép và điện tử tiêu dùng.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam chưa đủ năng lực để chuyển đổi mô hình sản xuất, kinh doanh theo kinh tế tuần hoàn, kinh tế số phù hợp với xu thế mới, chưa có nhiều doanh nghiệp làm công nghiệp hỗ trợ và kết nối có hiệu quả với doanh nghiệp FDI; phần lớn doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu các khâu có giá trị gia tăng thấp. Thực trạng này dẫn tới hạn chế tính lan tỏa của các dự án FDI đối với phát triển các doanh nghiệp Việt Nam.
Việt Nam được đánh giá là một "ngôi sao" trong chuỗi cung ứng toàn cầu, chiếm được thị phần đáng kể trong nhiều lĩnh vực, bao gồm dệt may, giày dép và điện tử tiêu dùng (Ảnh minh họa: P.D) |
Tại Lễ công bố Báo cáo thường niên đầu tư trực tiếp nước ngoài năm 2022, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng, để thúc đẩy tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, thì “đổi mới - sáng tạo” giữ vai trò rất quan trọng trong việc thay đổi các thiết chế cứng nhắc, lỗi thời. Các bộ ngành cần rà soát các quy định hiện hành để sửa đổi, bổ sung những nội dung có liên quan trong quá trình hoàn thiện thể chế, luật pháp với chính sách phát triển các mô hình đa dạng trong cộng đồng dân cư và doanh nghiệp.
Từ nay tới cuối năm 2025 cần hoàn thành chuyển đổi mô hình khu công nghiệp truyền thống sang khu công nghiệp sinh thái với sự hỗ trợ của chính quyền. Những tỉnh, thành phố đang lập quy hoạch xây dựng thêm khu công nghiệp mới nhất thiết phải theo mô hình khu công nghiệp sinh thái, phải đạt được tất cả tiêu chí khi trình dự án lên Chính phủ.
“Đặc biệt, để hút nhiều hơn các tập đoàn đa quốc gia, Chính phủ cần đề ra các quy định mới về chính sách ưu đãi, thủ tục đầu tư, phương thức tiếp cận nhà đầu tư thích ứng với yêu cầu của từng đối tác và từng dự án. Chính sách ưu đãi đầu tư cần được sửa đổi, bổ sung để thích ứng với định hướng FDI mới và cuộc cạnh tranh trong khu vực”, Chủ tịch VAFIE nhấn mạnh.
Trước tác động của cuộc xung đột Nga - Ukraine đã vượt ra ngoài phạm vi khu vực, làm đứt gãy nhiều chuỗi cung ứng sản phẩm, gây ra cuộc khủng hoảng toàn cầu về lương thực, năng lượng do giá cả leo tháng và tài chính, dẫn đến lạm phát và vòng xoáy nợ ngày càng trầm trọng. Điều này đang làm gia tăng tình trạng rủi ro, làm giảm niềm tin kinh doanh và đầu tư, ảnh hưởng đáng kể tới đà phục hồi FDI toàn cầu trong ngắn và trung hạn.
Để các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa kết nối có hiệu quả với các tập đoàn đa quốc gia theo chuỗi cung ứng sản phẩm, theo đại diện VAFIE, Chính phủ cần nhân rộng một số mô hình thành công trong việc hợp tác giữa các tập đoàn FDI với doanh nghiệp trong nước.
Bảo Thoa