Cụm thi đua số 3 LĐLĐ thành phố Hà Nội tăng cường chăm lo, bảo vệ người lao động
Những doanh nghiệp hết lòng chăm lo người lao động LĐLĐ huyện Mỹ Đức thực hiện tốt công tác chăm lo cho công nhân viên chức lao động LĐLĐ huyện Mỹ Đức: Chú trọng chăm lo cho người lao động |
Cụm thi đua số 3 LĐLĐ thành phố Hà Nội gồm các LĐLĐ huyện: Đông Anh, Gia Lâm, Mê Linh, Sóc Sơn, Thanh Trì và LĐLĐ thị xã Sơn Tây, hiện đang quản lý 1.393 Công đoàn cơ sở với 68.320 đoàn viên. Đánh giá về tình hình công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ), hoạt động công đoàn Cụm thi đua số 3 trong năm 2022, ông Nguyễn Đức Thể - Chủ tịch LĐLĐ huyện Gia Lâm, đơn vị Cụm trưởng Cụm thi đua số 3 trong năm 2002 cho biết: bên cạnh những thuận lợi, cũng còn nhiều khó khăn tác động tới hoạt động của tổ chức Công đoàn và đời sống, việc làm của CNVCLĐ động trên địa bàn Cụm.
Cụ thể, mặc dù tình hình dịch bệnh Covid-19 cơ bản được kiểm soát, tạo tiền đề quan trọng để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; các hoạt động văn hóa - xã hội và du lịch dần trở lại bình thường, tuy nhiên, giá cả một số hàng hóa đầu vào tăng, nhất là giá xăng dầu, nguồn nhân lực lao động thiếu hụt cục bộ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm, đời sống và thu nhập của công nhân lao động (CNLĐ). Bên cạnh đó, việc thực hiện chế độ chính sách của người lao động trong các doanh nghiệp ngoài Nhà nước như về bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội có lúc, có nơi còn bị vi phạm.
Trước tình hình đó, các đơn vị trong Cụm thi đua số 3 đã chú trọng thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động. Cụ thể, Các LĐLĐ huyện, thị xã trong Cụm đều quan tâm chỉ đạo hiệu quả việc tổ chức Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức; Hội nghị người lao động với tỉ lệ cao, chất lượng tốt; quan tâm làm tốt công tác đối thoại, thương lượng, ký kết và thực hiện có hiệu quả Thỏa ước lao động tập thể; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng đồng cấp thanh, kiểm tra việc thực hiện các chế độ chính sách đối với người lao động trong doanh nghiệp.
Số liệu báo cáo từ các đơn vị cho thấy, năm qua, các đơn vị trong Cụm thi đua số 3 đã chỉ đạo, hướng dẫn Công đoàn cơ sở phối hợp ký được 249 bản Thỏa ước lao động tập thể với những điều khoản có lợi cho người lao động; tiêu biểu như LĐLĐ huyện Gia Lâm đạt 96,15%; LĐLĐ huyện Sóc Sơn đạt 84,15%.
Đoàn viên, người lao động nêu kiến nghị, đề xuất tại hội nghị gặp gỡ, đối thoại giữa Chủ tịch UBND huyện với đoàn viên, CNVCLĐ huyện Gia Lâm năm 2022 |
100% cơ quan, đơn vị khối hành chính sự nghiệp, trường học tổ chức Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, 379 doanh nghiệp trong Cụm tổ chức Hội nghị người lao động. Một số đơn vị trong cụm đã tổ chức Hội nghị Bí thư cấp ủy, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã gặp gỡ, đối thoại với CNVCLĐ trên địa bàn năm 2022. Hội nghị đối thoại đã tiếp nhận và giải đáp nhiều ý kiến, kiến nghị của CNVCLĐ xoay quanh các nhóm vấn đề như: chính sách, chế độ cho người lao động, cơ sở hạ tầng, an toàn vệ sinh lao động… LĐLĐ các huyện, thị xã đã phối hợp kiểm tra liên ngành việc thực hiện chính sách pháp luật đối với 192 doanh nghiệp trên địa bàn Cụm.
Để chăm lo đời sống cho đoàn viên và người lao động, các đơn vị đều tích cực thực hiện “Chương trình phúc lợi cho đoàn viên và người lao động” thông qua việc ký thỏa thuận hợp tác với các đối tác,doanh nghiệp triển khai bán hàng giảm giá từ 10 - 50% cho đoàn viên, CNVCLĐ. Đến nay đã có hàng nghìn lượt đoàn viên được thụ hưởng các ưu đãi từ các chương trình phúc lợi đã được ký kết.
Các đơn vị cũng thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 7c/NQ-BCH ngày 25/2/2016 của Tổng LĐLĐ Việt Nam, chỉ đạo Công đoàn cơ sở tích cực giám sát, quản lý chất lượng bữa ăn ca đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tăng cường thương lượng nâng cao giá trị bữa ăn ca. Qua khảo sát tại các doanh nghiệp, bữa ăn ca của người lao động đều được hỗ trợ ở mức từ 20.000 - 25.000 đồng/suất.
Cùng đó, các hoạt động chăm lo cho người lao động trong dịp Tết Nguyên đán, Tháng Công nhân được được các đơn vị đẩy mạnh. Các đơn vị cũng duy trì việc hỗ trợ Mái ấm Công đoàn, hướng dẫn cho vay vốn, rà soát trợ cấp cho đoàn viên, người lao động khó khăn bị ảnh hưởng Covid-19 kịp thời, đúng đối tượng...
“Hoạt động thiết thực của các cấp Công đoàn trong Cụm thi đua số 3 đã giúp ổn định tư tưởng của đoàn viên, CNVCLĐ, luôn an tâm, tin tưởng, gắn bó với cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và tổ chức Công đoàn, đồng thời thể hiện rõ phương châm:ở đâu người lao động khó, ở đó có tổ chức Công đoàn” - ông Nguyễn Đức Thể khẳng định.
Ông Nguyễn Đức Thể cho biết, trong năm 2023, các đơn vị trong Cụm thi đua số 3 sẽ tiếp tục quan tâm thực hiện tốt chức năng đại diện, chăm lo đời sống, bảo vệ quyền và lợi ich hợp pháp, chính đáng của người lao động. Trong đó, các đơn vị sẽ tiếp tục chỉ đạo Công đoàn cơ sở tổ chức tốt hoạt động đối thoại, thương lượng, sửa đổi, bổ sung, ký kết và thực hiện thỏa ước lao động tập thể, đem lại quyền lợi tốt hơn cho người lao động; phối hợp chỉ đạo tổ chức tốt Hội nghị cán bộ công chức, viên chức, Hội nghị người lao động năm 2022; tiếp tục tăng cường kiểm tra việc thực hiện pháp luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật An toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ, chính sách lao động nữ... tại các doanh nghiệp.
Một số chỉ tiêu mà Cụm thi đua số 3 đặt ra trong năm 2023 là có 100% cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp tổ chức hội nghị cán bộ công chức, viên chức; 75% trở lên số doanh nghiệp và đơn vị sự nghiệp ngoài công lập tổ chức Hội nghị Người lao động, quan tâm ký kết Thỏa ước lao động tập thể với 50% bản thỏa ước Thỏa ước lao động tập thể đạt loại B trở lên. Các đơn vị trong Cụm cũng sẽ phối hợp với các ngành có liên quan kiểm tra từ 180 - 200 doanh nghiệp về việc thực hiện chính sách pháp luật nói chung và chính sách đối với lao động nữ.