Công nhân sống chật vật với đồng lương
Tại tọa đàm, nhiều đại biểu cho biết, khả năng đàm phán của công nhân rất thấp, hầu như không có, trong khi người sử dụng lao động lại đưa ra lý do mức lương căn cứ lương tối thiểu vùng vì vậy, đa phần cuộc sống của người lao động đều không có tích lũy.
Theo ông Vũ Minh Tiến - Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam, tiền lương tối thiểu là cơ sở thấp nhất để các bên đàm phán, thương lượng mức lương thực tế.
Như vậy, việc Chính phủ ban hành nghị định tăng 6% lương tối thiểu rất có ý nghĩa trong bối cảnh cuộc sống người lao động khó khăn do sinh hoạt phí tăng cao. Tuy nhiên, theo điều tra có khoảng 30% vì thu nhập quá thấp luôn trong tình trạng khó khăn, túng thiếu.
Ông Vũ Minh Tiến - Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn trao đổi tại buổi tọa đàm |
“Đối với họ, đa phần đều không có tiền tích luỹ, không có nhà ở, cùng với đó là ốm đau bệnh tật, đóng học cho con phải đi vay tiền. Nhiều công nhân lao động còn phải cắm sổ bảo hiểm xã hội, chứng minh nhân dân để đi vay tiền chỉ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng để trả tiền thuê nhà, mua gạo…”, ông Vũ Minh Tiến cho biết.
Thực tế áp lực chi phí khi tiền lương không đủ sống cũng được phản ánh qua một khảo sát của Tổng LĐLĐ Việt Nam về tình hình lao động, tiền lương, thu nhập, chi tiêu và đời sống của công nhân lao động Việt Nam năm 2022 cho thấy nhiều người lao động phải đi vay tiền để ổn định cuộc sống.
Cụ thể là, 12% người lao động phải thường xuyên đi vay tiền để chi tiêu; 35,5% người lao động thỉnh thoảng (3 - 4 tháng/1 lần) phải đi vay tiền; 34,8% người lao động phải đi vay tiền 1 năm từ 1 - 2 lần.
Đề cập đến những khó khăn của người lao động, bà Hà Thị Phương Anh - Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty May liên doanh Plummy, cho biết, tính toán với một gia đình cơ bản (2 vợ chồng, 2 con) thì mức chi phí sẽ vào khoảng 12 triệu đồng/tháng - tương ứng với thu nhập của 2 vợ chồng; chưa tính đến việc người lao động phải chi trả tiền thuê nhà, khoản chi phát sinh trong cuộc sống.
Bà Nguyễn Thị Lan Hương - Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội trao đổi tại buổi tọa đàm |
“Thời điểm hiện tại thực sự tiền lương với người lao động là không đủ sống. Tôi dám chắc 50% người lao động cuối tháng phải vay tiền để chi tiêu vì những khó khăn phát sinh trong cuộc sống”, bà Phương Anh thông tin.
Bà Hà Thị Phương Anh cũng cho biết, với khu vực ngoại thành, công nhân khó gửi con ở trường công lập khi các cháu tan học lúc 17h mà bố mẹ tăng ca tới 18h30. Nhiều lao động thuê trọ, không có ông bà đỡ đần nên phải gửi trường tư, chi phí thấp nhất 1,5 triệu đồng mỗi cháu.
Bà Phương Anh lấy ví dụ, một gia đình vợ chồng ở nông thôn thu nhập 12 triệu đồng mỗi tháng, nuôi hai con nhỏ tiểu học và mẫu giáo, tằn tiện hết mức cũng phải chi khoảng 6 - 7 triệu mỗi tháng, chưa tính tiền thuê nhà, ăn uống. Xăng tăng, bão giá khiến khoản lương tăng thêm của người lao động tiếp tục hao hụt.
Để trang trải, công nhân trong nhà máy hầu hết chọn cách tăng ca và thu nhập sau làm thêm khoảng 7,5 triệu đồng, tùy bộ phận có người được trên 10 triệu. Phần lớn người lao động ở địa bàn Quốc Oai nên đỡ được khoản thuê nhà, song vẫn có khoảng 6% công nhân phải thuê trọ. Công ty đã lập danh sách cho lao động nhận tiền hỗ trợ thuê trọ và mong sớm được xét duyệt.
"Vừa là cán bộ công đoàn, vừa là người lao động, chúng tôi mong mỏi các cấp ngành tiếp tục có chính sách hỗ trợ cho người lao động, ngoài tăng lương tối thiểu", bà Phương Anh nói.
Bà Hà Thị Phương Anh - Chủ tịch Công đoàn Công ty Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty May liên doanh Plummy, gặp gỡ, thăm hỏi, nắm bắt tình hình đời sống, việc làm của công nhân |
Còn theo bà Nguyễn Thị Lan Hương - Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tiền lương đủ sống là khả năng tiền lương bù đắp tất cả những chi phí cần thiết trong ngân sách cần thiết của người lao động và gia đình họ như: Ăn, mặc, ở, đi lại, giao tiếp xã hội, an sinh xã hội, phát triển nhân lực và hòa nhập xã hội. Mức sống đó phải được điều chỉnh theo sự phát triển kinh tế.
Mức lương đủ sống phụ thuộc vào quy mô của hộ gia đình, bao gồm số trẻ em trong hộ gia đình và độ tuổi, chi phí của bố mẹ và con cái; thuộc khu vực sinh sống, nhóm ngành nghề làm việc. “Như vậy mức lương đủ sống cho biết khả năng bảo đảm các chi phí cần thiết của người lao động và gia đình họ”, bà Hương nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Thị Lan Hương cho rằng cần thêm những khảo sát, điều tra xã hội trên quy mô lớn về thực hiện lương tối thiểu với từng nhóm ngành nghề, lao động ra sao; nhất là người làm nghề giản đơn, hưởng lương theo giờ... Theo bà Hương, việc điều chỉnh lương tối thiểu hàng năm mới phần nào bù đắp được trượt giá, thực sự chưa thể là tấm lưới bảo vệ người lao động.
Điều chỉnh lương tối thiểu cộng các khoản đội lên do tăng giá xăng dầu sẽ "ngốn" phần chi phí lớn của doanh nghiệp. Chính phủ cần tung thêm các biện pháp hỗ trợ người sử dụng lao động để ổn định sản xuất, tạo việc làm bền vững, đồng thời kìm chế lạm phát, ổn định giá cả cho người lao động yên tâm sản xuất.
Việc lần đầu tiên áp dụng mức lương tối thiểu giờ từ 1/7, dao động 15.600 - 22.500 đồng, theo bà Hương, là quá thấp, có thể dẫn tới một số tác động nằm ngoài dự kiến, như khiến chủ sử dụng lao động "dịch chuyển" từ trả lương tháng sang giờ để đỡ chi phí trả các khoản làm thêm giờ, đóng bảo hiểm, gây thiệt thòi cho lao động. Về lâu dài, cơ quan quản lý cần thêm những quy định cụ thể về từng nhóm nghề, lao động áp dụng cụ thể lương tối thiểu giờ ra sao.