Chấn chỉnh việc điều chỉnh quy hoạch: Cần thiết để phát triển đô thị bền vững
Xin ý kiến về nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Lấy ý kiến đối với nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô |
Mới đây, TP đã có chỉ đạo không xem xét đối với việc điều chỉnh quy hoạch làm giảm diện tích đất xây dựng các công trình phúc lợi, công viên cây xanh, ao, hồ, công cộng phục vụ dân sinh…, đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận.
Một góc Thành phố Hà Nội nhìn từ trên cao. Ảnh: Phạm Hùng |
Siết điều chỉnh quy hoạch
Có thể khẳng định, trong hơn 10 năm qua, Hà Nội đã tập trung cho việc triển khai cụ thể hóa Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Nhờ nỗ lực của các cấp ủy Đảng, chính quyền và Nhân dân Thủ đô, hàng loạt đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị; các quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật… được thực hiện. Diện mạo đô thị và nông thôn Thủ đô ngày càng khang trang, hiện đại…
Tuy nhiên, với tốc độ đô thị hóa nhanh, áp lực gia tăng dân số, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị và quản lý quy hoạch, kiến trúc tại Hà Nội vẫn có những vấn đề tồn tại, bất cập cần khắc phục. Những hạn chế đã được chính quyền TP thẳng thắn nhìn nhận là tiến độ triển khai các nhiệm vụ, đồ án quy hoạch, thiết kế đô thị, quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc… còn chậm.
Chất lượng một số đồ án quy hoạch có bất cập về cập nhật hiện trạng dự án, sử dụng đất, tính đồng bộ trong quy hoạch, kiến trúc, tính khả thi… dẫn đến việc điều chỉnh quy hoạch. Việc phát triển đô thị và nông thôn theo quy hoạch còn thiếu công cụ kiểm soát, hạn chế về chất lượng, thẩm mỹ, thiếu nguồn lực cũng như các điều kiện thực hiện quy hoạch…
Nguyên nhân của những hạn chế, tồn tại cũng được TP chỉ rõ là do sự lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền các cấp có lúc, có nơi chưa kịp thời, sâu sát, quyết liệt.
Bên cạnh đó, thể chế quản lý còn hạn chế, bất cập như năng lực, nhận thức và trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức ở một số nơi còn chưa cao.
Các quy định quản lý chưa đồng bộ, chồng chéo, kém hiệu quả, chậm được cập nhật, điều chỉnh, bổ sung. Việc kiểm tra, giám sát, phối hợp của các sở, ban, ngành với địa phương chưa chặt chẽ. Việc xử lý sai phạm ở một số nơi chưa thường xuyên, còn có tình trạng nể nang, né tránh, chậm xử lý hoặc chưa xử lý quyết liệt, dứt điểm.
Trước những bất cập đó, ngày 8/7/2022, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 190/KH-UBND về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, khắc phục các tồn tại, hạn chế trong công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch trên địa bàn TP. Trong đó, TP giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, quận, huyện vào cuộc thực hiện những giải pháp tăng cường công tác quản lý quy hoạch, kiến trúc gắn với từng đồ án quy hoạch, giữ đúng định hướng, mục tiêu ban đầu của quy hoạch.
Bên cạnh đó, TP yêu cầu nghiên cứu, xây dựng quy trình nhằm kiểm soát chặt chẽ việc điều chỉnh quy hoạch. Xem xét một cách thận trọng, khách quan, khoa học việc điều chỉnh tổng thể và điều chỉnh cục bộ quy hoạch, hạn chế thấp nhất việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch làm tăng mật độ dân cư so với quy hoạch được duyệt.
Đáng chú ý, TP yêu cầu không xem xét đối với việc điều chỉnh quy hoạch làm giảm diện tích đất xây dựng các công trình phúc lợi, công viên cây xanh, ao, hồ, công cộng phục vụ dân sinh.
Minh bạch trách nhiệm
Trong bối cảnh Hà Nội đang rất thiếu cây xanh, mặt nước, không gian công cộng, công trình văn hóa phục vụ đời sống tinh thần của người dân thì động thái nhằm chấn chỉnh lại công tác điều chỉnh quy hoạch của TP được các chuyên gia đánh giá là rất cần thiết.
Một góc TP Hà Nội nhìn từ trên cao. Ảnh: Phạm Hùng |
Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, KTS Phạm Thanh Tùng cho hay, việc điều chỉnh quy hoạch không phải vấn đề tuyệt đối không được thực hiện. Nhưng nếu điều chỉnh, TP phải thực hiện theo đúng quy trình, tuân thủ các quy định của Luật Quy hoạch, nhất là Hà Nội còn có Luật Thủ đô.
Trong đó, việc điều chỉnh quy hoạch phải hướng đến lợi ích, sự phát triển kinh tế - xã hội của TP, lấy người dân làm trọng tâm nhất là ưu tiên đảm bảo diện tích đất công cộng, cây xanh… đảm bảo đời sống tinh thần cho Nhân dân. Đặc biệt, khi điều chỉnh quy hoạch cần tính toán kỹ lưỡng việc đáp ứng của hạ tầng đô thị cho khu vực chứ không chạy theo lợi nhuận của nhà đầu tư.
Những bản quy hoạch nếu lấy người dân trung tâm chắc chắn sẽ được ủng hộ và sớm đi vào cuộc sống. Có thể thấy rất rõ điều này qua bản quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng.
Khi quy hoạch này được duyệt đã tạo dựng môi trường sống tốt cho hàng chục vạn người dân đang sinh sống ngoài khu vực đất bãi vốn mấy chục năm qua phải sống trong tình trạng tạm bợ, không có giấy phép, hạ tầng thiếu thốn, kém phát triển.
Do vậy, bản quy hoạch mặc dù không phải là tư vấn nước ngoài hay những đơn vị tư vấn lớn trong nước lập nhưng vẫn được Nhân dân đón nhận, giới chuyên gia ủng hộ, tạo được niềm tin của xã hội. Còn những bản quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch gây bức xúc dư luận vừa qua là bài học mà TP Hà Nội cần nhìn nhận.
Để thích ứng với những diễn biến rất phức tạp của biến đổi khí hậu, vai trò của phát triển đô thị bền vững rất quan trọng. Do đó việc cân nhắc, hạn chế những bất cập trong điều chỉnh quy hoạch của Hà Nội là điều vô cùng cần thiết. Điều này thể hiện tính đúng đắn, tiếp thu cũng như việc triển khai Nghị quyết 06-NQ/TW của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị của TP Hà Nội.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến của chuyên gia cho rằng đã đến lúc TP cần quy trách nhiệm rõ ràng hơn đối với những người đứng đầu các sở, ban, ngành có liên quan đến công tác quản lý quy hoạch, kiến trúc của TP.
Hiện nay, khi giao nhiệm vụ vẫn còn chung chung, do vậy giai đoạn này, TP Hà Nội cần phải minh bạch trách nhiệm của các đầu mối công việc, của người đứng đầu, đô thị TP mới phát triển có kỷ cương và theo đúng các quy hoạch đã được duyệt.
"Với việc ban hành kế hoạch nhằm chấn chỉnh lại công tác điều chỉnh quy hoạch trên địa bàn TP thể hiện sự quan tâm của Đảng bộ, chính quyền TP Hà Nội đối với công tác này. Mặc dù được coi là muộn nhưng lại rất cần thiết vào thời điểm hiện nay. Mong rằng kế hoạch của UBND TP sẽ được các sở, ban, ngành, quận huyện, nhất là Sở QH - KT thực hiện một cách nghiêm túc, đầy đủ." - Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, KTS Phạm Thanh Tùng |
Theo Vũ Lê/kinhtedothi.vn