Tự hào những miền quê trù phú và hành trình xây dựng nông thôn mới ở Ứng Hòa
Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện chính sách ưu đãi người có công Bắt giữ đối tượng trộm cắp tài sản tại huyện Ứng Hòa |
Thay da, đổi thịt nhờ nông thôn mới
Đến với Phú Dư hôm nay, hẳn nhiều người sẽ thấy nhiều thay đổi, bởi Phú Dư đã khoác lên mình một diện mạo mới, đặc biệt là hệ thống đường, điện và cầu qua sông. Nhân dân Phú Dư hôm nay đã có thể tự hào rằng, tuy là một thôn nhỏ nhất xã Hồng Quang nhưng có sức mạnh đoàn kết làm nên những điều đáng để các thôn khác phải học tập.
Thôn Phú Dư có hơn 100 hộ dân, đời sống của nhân dân chủ yếu sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp và đi làm thuê. Trước đây, hệ thống đường làng, ngõ xóm đều là đường đất nên việc đi lại của nhân dân gặp nhiều khó khăn. Những ngày mưa, đường lầy lội, trơn trượt ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt của nhân dân.
Cùng với chủ trương xây dựng nông thôn mới, năm 2017, ban lãnh đạo thôn tổ chức họp và triển khai xây dựng đường. Khi ý kiến được đưa ra thì đều nhận được sự đồng tình, ủng hộ của mọi người. Mỗi người dân trong thôn tự nguyện đóng góp tiền của, ngày công của mình để xây dựng quê hương.
Hạ tầng nông thôn thiết yếu ở các xã được cải thiện rõ rệt. |
Ông Lê Đình Hiếu (người dân thôn Phú Dư) cho biết, ban đầu, một số gia đình khó khăn về kinh tế còn e dè. Nhưng sau khi thấy sự quyết tâm của cả thôn, được sự vận động, giải thích, những gia đình ấy đều vui vẻ đóng góp. Mọi người trong thôn đã tích cực kêu gọi ủng hộ của những người con xa quê.
Kết quả, cán bộ và nhân dân thôn Phú Dư đã đóng góp và vận động sự ủng hộ của con em xa quê hương tiến hành đổ 2km bê tông đường làng ngõ xóm với kinh phí mua nguyên vật liệu là 876 triệu đồng...
Những năm trước, cây cầu Phú Dư 1 là cây cầu dân sinh duy nhất kết nối nhân dân thôn Phú Dư với vùng lân cận dọc kênh Ngoại Độ, sang đền Đức Thánh Cả đi quốc lộ 21B; Tuy nhiên cây cầu có tải trọng nhỏ, chật hẹp và đã xuống cấp không đáp ứng nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa của nhân dân.
Sau khi đã hoàn thành con đường bê tông sạch đẹp, nhân dân tiếp tục nung nấu ý định xây dựng cây cầu dân sinh Phú Dư 2. Một lần nữa cán bộ lãnh đạo, nhân dân thôn Phú Dư lại huy động nguồn lực, tiếp tục kêu gọi ủng hộ của những người con quê hương, vận động các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm và đến tháng 11/2018, cây cầu Phú Dư 2 đã hoàn thành với tổng kinh phí hơn 2 tỷ đồng...
Nhiều ngôi nhà cao tầng khang trang, kiên cố thay thế cho những căn nhà lụp xụp trước đây |
Phong trào xây dựng nông thôn mới nhờ huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc, cùng xây dựng quê hương cũng làm đổi thay diện mạo xã Liên Bạt.
Theo như ông Nguyễn Xuân Bán, ở thôn Bặt Chùa, đây là những bức tranh làng quê xanh, sạch, đẹp, khang trang khiến ai đi xa trở về cũng rưng rưng xúc động, tự hào...
Ông Bán cho biết, nhà nước hỗ trợ kinh phí để nạo vét, kè hồ thì người dân góp công sức mua ghế đá, trồng cây xanh, đèn chiếu sáng; nhà nước đầu tư xây dựng nhà văn hóa khang trang thì người dân góp tiền mua trang thiết bị, lắp đặt dụng cụ khu vui chơi cho trẻ em, thể dục cho người lớn. Nhà ai có điều kiện thì hiến đất mở rộng đường ngõ, các gia đình khác đóng góp kinh phí xây dựng cổng làng, giao thông nông thôn…
Được biết, chỉ tính riêng xây dựng cổng làng, các thôn đã đóng góp hàng chục tỷ đồng, 8/8 thôn đều xây dựng cổng làng bề thế, to đẹp, là “món quà” của hôm nay gửi tặng các thế hệ sau, dù đi xa vẫn nhớ về quê hương với cổng làng đậm đà bản sắc...
Đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới nâng cao
Câu chuyện xây dựng nông thôn mới ở Liên Bạt cũng như nhiều làng quê khác ở Ứng Hòa có được trước hết nhờ sự chung sức đồng lòng, sẵn sàng vượt khó của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương. Chủ tịch UBND xã Hoa Sơn Nguyễn Duy Chuyên khẳng định, là một trong những xã về đích trong xây dựng nông thôn mới nâng cao của huyện.
Diện mạo nông thôn trên địa bàn huyện Ứng Hòa khởi sắc. |
Theo Chủ tịch UBND xã Hoa Sơn, kinh nghiệm của địa phương là một mặt tranh thủ sự quan tâm, chỉ đạo, đầu tư của Trung ương, thành phố và huyện; mặt khác cần phát huy sức mạnh tổng hợp, nguồn lực nội sinh từ sự chủ động, đoàn kết, quyết tâm, sáng tạo, khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, tập trung phát triển kinh tế - xã hội; triển khai thực hiện tốt các quy hoạch đã được phê duyệt, tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế; các công trình an sinh phúc lợi (điện, đường, trường, trạm...) được xây dựng khang trang.
Đặc biệt, xã tập trung nhiều giải pháp nâng cao thu nhập cho nhân dân. Trong sản xuất nông nghiệp, toàn xã Hoa Sơn giữ diện tích sau khi quy hoạch đất trồng lúa còn khoảng 360ha, tập trung phát triển các vùng chuyên canh rau màu và trồng giống lúa J02 theo tiêu chuẩn VietGAP; đưa chăn nuôi tập trung xa khu dân cư để bảo đảm môi trường; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, sản xuất, kinh doanh trên địa bàn xã, góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương; phối hợp với hội đoàn thể xã mở các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, mở rộng ngành nghề tiểu thủ công nghiệp...
Tự hào những miền quê trù phú |
Nói về hành trình xây dựng nông thôn mới của địa phương, bà Bùi Thị Thu Hiền - Bí thư Huyện ủy, Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới huyện Ứng Hòa, cho biết, quá trình triển khai, huyện luôn xác định công tác tuyên truyền có vai trò quan trọng, được đặt lên hàng đầu nhằm nâng cao nhận thức trong nhân dân về ý nghĩa, tác dụng của xây dựng nông thôn mới, qua đó huy động được sức mạnh toàn dân.
Cùng với đó, huyện phát huy tối đa quy chế dân chủ trong xây dựng nông thôn mới, thực hiện công khai, minh bạch các nguồn lực để người dân bàn bạc, quyết định, kiểm tra, giám sát và chính người dân được thụ hưởng thành quả xây dựng nông thôn mới.
Vì vậy, nhân dân đã vào cuộc tích cực, tham gia góp công sức, tiền của cùng chính quyền địa phương tạo thêm nguồn lực đầu tư, hoàn thiện các công trình xây dựng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội...
Tự hào những miền quê trù phú và hành trình xây dựng nông thôn mới ở Ứng Hòa |
Bên cạnh đó, đến nay, 28/28 xã của Ứng Hòa đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Ứng Hòa xác định rõ, Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn là một trong những chương trình lớn của huyện, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc với mục tiêu mỗi thôn, xóm của Ứng Hòa ngày càng phát triển, xứng đáng truyền thống quê hương "Chiếc gậy Trường Sơn", "Khu Cháy Anh hùng".
Với xuất phát điểm xây dựng nông thôn mới đầy khó khăn, vất vả, đến nay, diện mạo các vùng quê của huyện Ứng Hòa đã có nhiều khởi sắc. Qua đó, khơi dậy tiềm năng, thế mạnh cho toàn huyện tiếp tục vững bước trên lộ trình phát triển kinh tế - xã hội.
Ứng Hòa xác định rõ, xây dựng nông thôn mới là chương trình lớn có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc, toàn huyện đang tiếp tục chung sức kiến tạo nên những miền quê ngày càng giàu đẹp, văn minh...
Từ khi triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới đến nay, huyện đã huy động tổng nguồn vốn hơn 6.189.959 triệu đồng, đặc biệt là thu nhập bình quân trên địa bàn ngày càng tăng. Nếu như năm 2010, thu nhập bình quân chỉ đạt 12,38 triệu đồng/người/năm thì đến năm 2021, con số này là 54,67 triệu đồng/người/năm (tăng 42,29 triệu đồng/người/năm so với năm 2010); đường làng ngõ xóm, hệ thống thoát nước được kiên cố hóa, bảo đảm đáp ứng yêu cầu, 100% hệ thống đường trục xã, liên xã, trục thôn, liên thôn được bê tông hóa, nhựa hóa; 504/504km đường trục chính nội đồng được cứng hóa, thuận lợi cho giao thông nội đồng phục vụ nông nghiệp; cải tạo, xây mới các công trình trường học, 79/90 trường học đã đạt chuẩn quốc gia; 29/29 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; 145/145 thôn, làng, tổ dân phố có nhà văn hóa... |