Trường học an toàn phòng cháy, chữa cháy
Hà Nội: Thêm một vụ cháy lớn trong đêm tại quận Nam Từ Liêm |
Tiềm ẩn nguy cơ
Hiện nay, trong xây dựng và phát triển, các trường học đã được đầu tư cơ sở vật chất mới hoặc được cải tạo lại với quy mô, trang thiết bị, tiện nghi học tập và sinh hoạt tương đối đầy đủ, hoàn thiện. Các trường học được chia thành nhiều khu riêng biệt như: Khu vui chơi giải trí, khu học tập (phòng học), khu phục vụ sinh hoạt (phòng ngủ, phòng ăn, phòng vệ sinh…), khu vực chế biến thức ăn (bếp nấu, kho chăn màn…), khu vực để xe. Tại một số trường học còn có khu vực ký túc xá dành cho học sinh nội trú.
Tuyên truyền kết hợp thực tập phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại Trường Tiểu học Kim Đồng (quận Ba Đình). |
Các trường học là nơi tập trung số lượng lớn học sinh, sinh viên, giáo viên, cán bộ, nhân viên phục vụ. Để duy trì công việc học tập, đào tạo, nghiên cứu cần một khối lượng lớn cơ sở vật chất kỹ thuật, trong đó hầu hết là chất dễ cháy như bàn, ghế, bệ, bục, hồ sơ, tài liệu… tiềm ẩn nguy cơ gây cháy nổ.
Bên cạnh đó, cháy nổ cũng có thể xảy ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau như do sơ xuất trong việc dùng lửa để nấu thức ăn, thực hành thí nghiệm, do vi phạm quy định về PCCC như hút thuốc, đốt cỏ rác... Đối với các trường mẫu giáo, tiểu học… học sinh chưa có khái niệm nhiều về mức độ nguy hiểm của lửa vì vậy thường hay dùng lửa để đùa nghịch...
Ngoài ngọn lửa trực tiếp gây ra cháy thì việc sử dụng các thiết bị điện cũng có thể làm phát sinh nguồn nhiệt. Ở các trường học luôn có nhu cầu lớn về việc dùng điện, chẳng hạn dùng điện để tiến hành thí nghiệm, chiếu sáng, đun nấu, sưởi ấm, là quần áo, chăn màn cho học sinh. Quá trình sử dụng thiết bị điện quá công suất chịu tải của dây dẫn và các thiết bị bảo vệ, sử dụng sai quy định gây ra các hiện tượng quá tải, lâu ngày không kiểm tra đường dây dẫn điện nên bị chạm chập…
Đẩy mạnh tuyên truyền
Nhận thức được tầm quan trọng của công tác PCCC, thời gian qua, nhiều trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội đã tích cực, chủ động trong công tác PCCC. Theo đó đã lồng ghép các kiến thức về PCCC vào giờ học chính khóa, sinh hoạt dưới cờ, tập huấn, hoạt động ngoại khóa...
Chẳng hạn, giữa tháng 5, Trường Trung học cơ sở Yên Sở (quận Hoàng Mai) đã phối hợp với Công an quận Hoàng Mai tổ chức tuyên truyền kỹ năng PCCC và cứu nạn, cứu hộ cho gần 1.000 giáo viên và học sinh. Tại buổi tuyên truyền, các học sinh được tìm hiểu những kiến thức cơ bản về công tác PCCC, mối nguy hiểm của cháy nổ đối với cuộc sống con người, sự cần thiết của kiến thức PCCC đối với mỗi công dân; đồng thời được nghe khuyến cáo các nguy cơ cháy nổ có thể xảy ra trong trường học, các biện pháp phòng ngừa cháy nổ… Các thầy cô giáo và học sinh cũng được trải nghiệm xử lý những tình huống thực tế khi có đám cháy xảy ra trong phòng học, phòng kín, hướng dẫn sử dụng bình chữa cháy bằng bọt, khí, thực hành dập tắt đám cháy…
“Đây là một trong những hoạt động thường xuyên của nhà trường để nâng cao ý thức tuân thủ PCCC. Học sinh cũng như giáo viên được thực hành sử dụng bình chữa cháy dưới sự hướng dẫn tận tình của cán bộ Công an quận. Chúng tôi hy vọng, qua các hoạt động này sẽ ngày càng bồi dưỡng thêm nhiều kiến thức, kỹ năng quan trọng cho cả giáo viên và học sinh”, Hiệu trưởng Trung học cơ sở Yên Sở Đỗ Thu Hà chia sẻ.
Tương tự, tại Trường Mầm non Liên Bạt (huyện Ứng Hòa), Hiệu trưởng Đỗ Thị Hòa cho biết, từ nhiều năm nay, nhà trường đã trang bị đầy đủ cơ sở vật chất phục vụ công tác PCCC; đồng thời thường xuyên tuyên truyền về PCCC vào giờ đón trả trẻ và các buổi họp phụ huynh, tổ chức các hoạt động trải nghiệm về kỹ năng thoát hiểm khi gặp hỏa hoạn...
Hay như tại quận Ba Đình, theo Trưởng phòng GD&ĐT quận Lê Đức Thuận, đơn vị đã chủ động phối hợp với Công an quận tổ chức các lớp tập huấn PCCC trực tiếp, trực tuyến thu hút hàng nghìn cán bộ, giáo viên, nhân viên các trường học trên địa bàn tham gia. Bài giảng phù hợp với đặc điểm, tính chất, tình hình thực tế về công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ tại các trường học, bảo đảm truyền đạt đúng, đủ các nội dung cần thiết để triển khai thực hiện công tác PCCC.
Vừa qua, Ủy ban nhân dân quận cũng đã hoàn thành việc triển khai mô hình thí điểm “Trường học an toàn PCCC” tại Trường Tiểu học Kim Đồng (phường Giảng Võ) và Trường Trung học cơ sở Nguyễn Tri Phương (phường Quán Thánh). Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Đồng Nguyễn Thị Vân Anh cho biết, mô hình với mục tiêu tạo được nền tảng kiến thức về PCCC và cứu nạn, cứu hộ cũng như kỹ năng xử lý tình huống cháy nổ khi xảy ra… Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, học sinh các cấp học cần được tiếp cận với những kiến thức, kỹ năng PCCC và cứu nạn, cứu hộ gắn với nội dung học tập.
“Đây là một trong những kiến thức hết sức quan trọng giúp các em học sinh có thêm hành trang cơ bản để bảo vệ chính bản thân và những người xung quanh...”, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Đồng nhấn mạnh.
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Đồng cũng cho biết, nhằm nâng cao nhận thức về công tác PCCC cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh, ứng phó kịp thời với các tình huống cháy nổ có thể xảy ra, nhà trường đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiến thức, kỹ năng PCCC bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng; đồng thời hướng dẫn học sinh cách thức xử lý khi phát hiện ra cháy, những việc cần làm khi xảy ra cháy và phương pháp thoát nạn trong đám cháy.
Chủ động PCCC không bao giờ là thừa bởi chỉ cần một phút lơ là, chủ quan, ngọn lửa có thể thiêu rụi tài sản và có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng con người. Đối với các trường học, để công tác PCCC thực sự đem lại hiệu quả, chính quyền các địa phương cần chủ động phối hợp với lực lượng Cảnh sát PCCC tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra; chỉ đạo, quan tâm đầu tư kinh phí xây dựng, cải tạo, nâng cấp hệ thống PCCC theo đúng Quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành của Nhà nước; thực hiện đầy đủ quy định về thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC đối với các công trình được cải tạo, mở rộng và xây mới.
Trong đó, đặc biệt chú ý vấn đề giải pháp về lối thoát nạn, hệ thống điện, các trang thiết bị PCCC...; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về PCCC nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức của đội ngũ lãnh đạo, quản lý các trường học đối với công tác PCCC; từng bước đưa kiến thức an toàn PCCC vào chương trình dạy học nhằm trang bị cho học sinh kỹ năng thoát nạn khi có sự cố hỏa hoạn xảy ra./.
Theo Phạm Thảo/laodongthudo.vn