Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 10 tháng ước đạt gần 558 tỉ USD
Cụ thể, trong tháng 10, tổng trị giá xuất khẩu của cả nước ước đạt 32,31 tỉ USD, tăng 5,3% (tương ứng tăng 1,62 tỉ USD) so với tháng trước. Trong khi đó, nhập khẩu tháng 10 ước đạt 29,31 tỉ USD, tăng 2,9% (tương ứng tăng 823 triệu USD) so với tháng trước. Qua đó, đưa tổng giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu 10/2023 ước đạt 61,61 tỉ USD, tăng 4,1% (tương ứng tăng 2,45 tỉ USD) so với tháng trước.
Trong khi đó, tổng giá trị xuất khẩu 10 tháng năm 2023 ước đạt 291,28 tỉ USD, giảm 7,1% (tương ứng giảm 22,22 tỉ USD) so cùng kỳ năm 2022; nhập khẩu 10 tháng đầu năm ước đạt 266,67 tỉ USD, giảm 12,3% (tương ứng giảm 37,27 tỉ USD) so cùng kỳ năm 2022. Như vậy, sau 10 tháng, cán cân thương mại ước tính xuất siêu 24,6 tỉ USD.
Kim ngạch xuất khẩu 10 tháng năm 2023 ước đạt gần 558 tỉ USD |
Năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước đạt 730,28 tỉ USD, tăng 9,2%, tương ứng tăng 61,28 tỉ USD so với năm 2021. Trong đó, xuất khẩu đạt 371,3 tỉ USD, tăng 10,5% (tương ứng tăng 35,14 tỉ USD) và nhập khẩu đạt 358,9 tỉ USD, tăng 7,9% (tương ứng tăng 26,14 tỉ USD).
Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam năm 2022 đã thặng dư 12,4 tỉ USD, cao hơn nhiều so với con số thặng dư 3,33 tỉ USD năm 2021.
Con số xuất siêu là dấu ấn tích cực trên bức tranh ngoại thương. Song theo các chuyên gia, bức tranh thị trường những tháng cuối năm chưa có nhiều tín hiệu phục hồi rõ nét, lượng tồn kho của các nhà nhập khẩu và doanh nghiệp trong nước đều ở mức cao, trong khi lượng cầu vẫn đang ở mức thấp.
Trong khi đó, các thị trường xuất khẩu nói chung và châu Âu (EU) nói riêng còn đặt ra những yêu cầu ngày càng chặt chẽ đối với hàng nhập khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông sản. Một số ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như: Thuỷ sản, gỗ và sản phẩm gỗ, sắt thép, sản phẩm nhựa đang đối mặt với các áp lực về điều tra phòng vệ thương mại đã tạo ra những khó khăn về thị trường xuất khẩu thời gian qua.
Đồng thời, chính sách bảo hộ của các nước ngày một gia tăng. Các nước phát triển ngày càng quan tâm đến các vấn đề an toàn cho người tiêu dùng, phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu - tiền đề để dựng lên những tiêu chuẩn và quy định mới liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên liệu, lao động, môi trường đối với các sản phẩm nhập khẩu. Cộng thêm nguy cơ suy thoái kinh tế, lạm phát và lãi suất tiếp tục duy trì ở mức cao tại những đối tác thương mại lớn của Việt Nam (Mỹ, EU...).
Vì vậy, trước những rủi ro, thách thức lớn chưa từng có mà hoạt động xuất khẩu đang phải đối mặt, cần sẵn sàng các phương án giải pháp ứng phó kịp thời nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu khoảng 6% đã đề ra.
Theo đó, các doanh nghiệp xuất khẩu cần tiếp tục tận dụng tốt các hiệp định thương mại, đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết và nỗ lực hơn nữa trong các hoạt động xúc tiến thương mại, đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường, ngành hàng để giảm bớt sự phụ thuộc vào các thị trường/ngành hàng truyền thống, cụ thể là mở rộng xuất khẩu tới các thị trường Bắc Âu, Đông Âu, Mỹ Latin... Tuy nhiên, để khai thác tốt những thị trường có FTA, cần đáp ứng các yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ, kèm theo đó là sự thay đổi về nguồn nguyên liệu sản xuất, thay đổi dây chuyền để có thể đáp ứng được yêu cầu của bạn hàng.