Thận trọng với lãi suất, tỷ giá
NHNN sẽ tăng tần suất bán can thiệp ngoại tệ, ổn định tỷ giá |
Lãi suất, tỷ giá tăng dần
Bước sang tháng 7/2022, nhiều ngân hàng thương mại đã điều chỉnh tăng lãi suất như: Techcombank, TPBank, Sacombank, MBBank…
Ảnh minh hoạ |
Trong đó, BacABank, BaoVietBank, Nam A Bank, CBBank, PvcomBank, SHB, KienLongBank đều niêm yết trên mức 7% cho kỳ hạn dài 12 tháng trở lên nhưng với các điều kiện khác nhau. Thống kê cho thấy, ACB là một trong những ngân hàng tăng lãi suất mạnh nhất trong đợt điều chỉnh này, với mức tăng thêm từ 0,6 - 0,9%/năm. Trong khi SCB đang trả mức lãi suất tối đa lên tới 7,55%/năm nếu khách hàng gửi online.
Ở nhóm ngân hàng quốc doanh, Agribank giữ nguyên lãi suất huy động ở các kỳ hạn ngắn, nhưng điều chỉnh tăng 0,1 điểm % đối với các khoản gửi tiết kiệm từ 12 tháng trở lên, lên mức 5,6%/năm. Trước đó, BIDV cũng thông báo tăng 0,1 điểm % lãi suất ở tất cả các kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên, cố định ở mức 5,6%/năm.
Trong khi đó, tỷ giá cũng tăng nóng, lên mức cao nhất 2 năm. Giá bán USD tại nhiều ngân hàng đã vượt 23.500 đồng, cao nhất kể từ đầu năm 2020. Cuối phiên 4/7, tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD tại Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đứng ở mức 23.121 đồng, tăng 9 đồng so với cuối tuần trước. Đây cũng là mức cao nhất mà tỷ giá trung tâm ghi nhận từ đầu năm đến nay.
Tỷ giá USD/VND được điều chỉnh tăng khá mạnh trong bối cảnh trên thị trường thế giới đồng bạc xanh cũng đang dao động gần mức đỉnh hai thập kỷ gần đây. Chỉ số US Dollar Index (DXY), đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) sáng 5/7 đứng ở mức 105,16 điểm, tăng 0,02%.
Theo báo cáo mới nhất của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VSBS), từ đầu năm đến nay, lãi suất huy động đã tăng 30 - 60 điểm. Với dự báo áp lực lạm phát tiếp tục hiện hữu trong các tháng tiếp theo đi cùng với nhu cầu tăng trưởng tín dụng cao hơn trong giai đoạn phục hồi kinh tế, VCBS cho vay cũng chịu áp lực tăng tuy nhiên sẽ có độ trễ so với thời điểm tăng của lãi suất huy động.
Báo cáo tăng trưởng kinh tế và dự báo cho quý kế tiếp đối với các thị trường trong đó có Việt Nam do Ngân hàng UOB vừa công bố, dự báo tiền đồng có thể đối mặt với áp lực giảm giá thêm khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiếp tục tăng lãi suất trong nửa cuối năm 2022.
Chính sách tiền tệ đã bắt đầu thắt chặt?
Sau khi bất ngờ khởi động lại kênh tín phiếu trên thị trường mở tuần trước, tính từ 21 - 28/6, tức chỉ trong vòng 1 tuần, NHNN đã hút về hơn 100.000 tỷ đồng thông qua kênh tín phiếu trên thị trường mở. Đây là mức rút tiền mạnh nhất của NHNN kể từ đầu năm 2019. Bên cạnh đó, NHNN phải nâng lãi suất đấu thầu tín phiếu kỳ hạn 7 ngày từ 0,3% lên 0,7% trong các phiên đấu thầu tuần trước.
Nếu như tiếp tục neo giữ thì khả năng sẽ ảnh hưởng xấu đến xuất khẩu, còn việc linh hoạt điều chỉnh tỷ giá VND cho phù hợp thì sẽ không gây ảnh hưởng nhiều. Trong ngắn hạn, vẫn cần phải tập trung điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt trong việc cân đối về tỷ giá, lãi suất điều hành để tránh tiền đồng bị mất giá quá nhiều, nhưng vẫn đảm bảo lợi thế về xuất khẩu. Cũng cần truyền thông cho người dân và DN hiểu rõ, việc giảm giá đồng nội tệ trong một khuôn khổ nhất định là tốt cho nền kinh tế, để tránh tâm lý hoang mang dẫn đến việc đầu cơ tích trữ đồng USD càng làm cho tình hình nghiêm trọng hơn. TS Phạm Công Hiệp - Giảng viên cấp cao Đại học RMIT |
Không chỉ rút tiền về qua kênh tín phiếu, NHNN cũng tăng cường bán ra ngoại tệ để bình ổn thị trường. Theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), NHNN đã bán khoảng hơn 10 tỷ USD ra thị trường từ nguồn Quỹ dự trữ ngoại hối (tương ứng với 230.000 tỷ đồng hút về). Như vậy, thông qua cả hai kênh này, NHNN đã rút về hơn 330.000 tỷ đồng khỏi thị trường thời gian qua.
Trước đó, trong cuộc họp đầu năm, NHNN đã phát tín hiệu không tăng lãi suất điều hành trong năm 2022, nhằm hỗ trợ nền kinh tế sau giai đoạn ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, áp lực về lạm phát và việc đẩy nhanh tốc độ thắt chặt chính sách của các ngân hàng trung ương lớn đã tạo áp lực đến điều hành chính sách tiền tệ của NHNN.
"Các động thái vừa qua như nối lại hoạt động trên thị trường mở, nghiệp vụ mua, bán ngoại tệ và trần tín dụng đã nghiêng hơn nhiều về phía thắt chặt tiền tệ mặc dù điều này cần được quan sát thêm" - SSI Research đánh giá.
Thống kê của UOB, trong quý II vừa qua, tỷ giá USD/VND tăng khoảng 1,7% lên 23.215 VND/USD, mức cao nhất kể từ tháng 8/2020. Tuy nhiên, theo các chuyên gia của UOB, mức tăng tỷ giá USD/VND tại Việt Nam vẫn được xem là khiêm tốn khi so sánh với chỉ số các đồng tiền châu Á (ADXY) đã giảm hơn 4% trong quý, nhờ triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ và lạm phát trong nước vẫn được kiểm soát.
Đến nay, câu chuyện tiếp tục bơm vốn để hỗ trợ phục hồi kinh tế hay hãm bớt vốn để ngăn lạm phát đang là vấn đề gây tranh cãi. Dù vậy, các chuyên gia cũng cho rằng, nếu có bất kỳ đợt tăng nào trong năm nay thì khả năng cao sẽ diễn ra vào quý IV/2022 và mức tăng sẽ hạn chế, khoảng 0,25 - 0,5%. NHNN sẽ cho phép tăng trưởng tín dụng duy trì ở mức cao để hỗ trợ DN và nền kinh tế. Dòng vốn tín dụng sẽ được ưu tiên cho lĩnh vực sản xuất và dịch vụ, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên như công nghiệp, xuất nhập khẩu, nông, lâm, thủy sản.
Theo Thảo Nguyên/kinhtedothi.vn