Tăng cường vận động người dân “nói không” với rượu, bia khi lái xe: Nhân rộng những mô hình hiệu quả!
CSGT Hà Nội dán áp phích tuyên truyền "đã uống rượu bia không lái xe" Lái xe khi đã uống rượu bia bị xử phạt mức nào? Chi tiết mức phạt uống rượu bia khi lái xe |
Nâng cao ý thức
Theo số liệu của Viện Nghiên cứu và Đào tạo của Liên hiệp quốc, Việt Nam có hơn 95 triệu người, 4 triệu xe ô tô và 64 triệu xe máy đã được đăng ký. Quá trình đô thị hóa và cơ giới hóa diễn ra nhanh chóng ở Việt Nam và vượt xa những thay đổi về cơ sở hạ tầng. Đáng chú ý, mỗi năm ước tính Việt Nam có hơn 24.900 người tử vong do va chạm giao thông đường bộ, khoảng 499.400 ca thương tích trầm trọng, dẫn đến thiệt hại khoảng 3 tỷ đô la.
Đáng lo ngại là, các dịp nghỉ lễ cho thấy, số vụ tai nạn giao thông đường bộ thường tăng cao so với bình thường. Thống kê của Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) trong 4 ngày nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 (từ 1 đến 4/9) cho thấy, toàn quốc xảy ra vụ 127 tai nạn giao thông, làm chết 76 người, bị thương 95 người trong 4 ngày nghỉ lễ.
Trong đó, đường bộ xảy ra 125 vụ, làm chết 73 người, bị thương 95 người; đường sắt xảy ra 2 vụ, làm chết 3 người; đường thủy không xảy ra tai nạn. Đáng lo ngại, đã có 9.390 trường hợp vi phạm nồng độ cồn bị lập biên bản xử phạt trên toàn quốc. Dẫn như vậy để thấy thực trạng đáng báo động về tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia nếu không thường duyên duy trì sẽ có xu hướng tăng cao.
Giảng viên và sinh viên Trường Đại học Giao thông vận tải ký cam kết thực hiện các quy định về an toàn giao thông. (Ảnh: Đinh Luyện) |
Bởi vậy, hơn lúc nào hết, công tác phổ biến nhận thức về an toàn giao thông ngay từ trong trường học là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để bảo vệ người trẻ trước hiểm họa khôn lường của tai nạn giao thông. Bởi một trong những nguyên nhân chính xảy ra tai nạn giao thông ở học sinh, sinh viên là do thiếu hiểu biết kiến thức pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông còn chưa cao. Đồng quan điểm này, chuyên gia giao thông, thạc sĩ Vũ Tuấn Linh chia sẻ, hiện còn thực tế là một số bạn trẻ không ngại sử dụng đồ uống có cồn, sau khi uống lại tự điều khiển phương tiện giao thông.
Tại Hà Nội, theo ghi nhận, vào giờ tan tầm những ngày cuối tuần, một số tuyến đường trên địa bàn Hà Nội như Lê Trọng Tấn, Trần Thái Tông, Tăng Bạt Hổ, Nguyễn Văn Lộc… nơi tập trung hàng loạt quán bia hơi nổi tiếng tại Hà Nội trở nên vắng vẻ. Nhiều người chia sẻ, hiện mức phạt cho hành vi sử dụng rượu bia tham gia giao thông cao nên cũng “ngại” uống, đặc biệt, nếu có uống thì cũng thuê xe để về chứ không sử dụng phương tiện để tham gia giao thông.
Để đạt được hiệu quả kể trên, Thiếu tá Trần Quang Chinh, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông đường bộ số 6 cho biết, ngoài việc xử lý nghiêm vi phạm thì công tác tuyên truyền phải là gốc của vấn đề. Song song với xử phạt nghiêm trên các tuyến đường, lực lượng Cảnh sát giao thông cũng tăng cường tuyên truyền ngay tại hàng, quán, từ đó nâng cao nhận thức.
Cần nhân rộng mô hình đào tạo
Thực tế, thời gian qua, các ngành chức năng của Hà nội cũng tích cực vận động người dân “nói không” với rượu, bia khi lái xe. Chẳng hạn, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch số 81/KH-UBND về phòng, chống tác hại của rượu, bia trên địa bàn năm 2023. Trong đó, Hà Nội chú trọng thực hiện các biện pháp giảm mức tiêu thụ rượu, bia bằng cách thông tin, giáo dục truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen có hại để phòng, chống tác hại của rượu, bia đối với sức khỏe con người, gia đình, cộng đồng, trật tự, an toàn xã hội.
Tăng cường thực hiện và kiểm tra, xử lý vi phạm quy định cấm sử dụng rượu, bia trước và trong giờ làm việc, tại nơi làm việc, giữa hai buổi trong ngày làm việc, ngày trực và đưa nội dung quy định về cấm sử dụng rượu, bia vào nội quy, quy chế làm việc và tổ chức, giám sát việc thực hiện…
Tham gia giao thông văn minh, an toàn là không sử dụng rượu, bia và các chất kích thích. (Ảnh: Đinh Luyện) |
Ông Ngô Minh Hoàn - Phó Chủ tịch Công đoàn ngành Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, thời gian qua bên cạnh công tác chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên, người lao động ngành Giao thông Vận tải Thủ đô, Công đoàn ngành cũng thường xuyên tuyên truyền, đẩy mạnh vận động đoàn viên, người lao động không sử dụng rượu bia khi lái xe. Cùng đó, kết hợp nội dung này trong các cuộc thi, hội thi về giao thông do Công đoàn ngành tổ chức.
Cũng trên nền tảng vận động, giáo dục nhưng hướng đến đối tượng là người trẻ, học sinh, sinh viên, mới đây, Viện Nghiên cứu và Đào tạo của Liên Hiệp quốc phối hợp với Câu lạc bộ xe hơi Việt Nam, Trường Đại học Giao thông vận tải và Công ty Pernod Ricard triển khai “Chương trình đào tạo về tác hại của việc sử dụng rượu, bia trong điều khiển phương tiện giao thông tại Việt Nam”.
Chương trình là một trong những nỗ lực chung nhằm góp phần thúc đẩy Mục tiêu thực hiện an toàn đường bộ toàn cầu của Liên Hợp quốc, bao gồm “…đến năm 2030, giảm một nửa số ca thương tích và tử vong do giao thông đường bộ liên quan đến người lái xe sử dụng rượu, bia…”.
Chương trình gồm bốn hợp phần trực tuyến đã được chuyển ngữ sang tiếng Việt và điều chỉnh phù hợp với bối cảnh, quy định luật pháp và văn hóa Việt Nam. Các khoá học thí điểm sẽ được thực hiện tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng trong tháng 8 và tháng 9, hướng tới nâng cao nhận thức và kiến thức của công chúng về rủi ro và hậu quả của việc lái xe khi đã uống rượu, bia. Tính riêng khóa học tại Hà Nội đã đón nhận sự tham gia của nhiều đại diện các cơ quan, tổ chức, chuyên gia, cùng khoảng 200 sinh viên của Trường Đại học Giao thông vận tải.
Đáng chú ý, trong quá trình học, người học được giảng dạy kiến thức cơ bản về số liệu thống kê tai nạn giao thông, tác động của rượu, bia đối với khả năng lái xe, các quy định pháp lý và trách nhiệm cá nhân người điều khiển phương tiện. Đồng thời, học viên được thực hành sử dụng kính ảo với video 360 độ để trải nghiệm về tác động của rượu, bia đối với hiệu năng lái xe, thông qua việc cài đặt vào điện thoại thông minh, hoặc sử dụng trên máy tính của mình. Tất cả học viên thực hiện bài kiểm tra trước và sau khóa học để đánh giá hiệu quả công tác đào tạo.
Sinh viên thực hành sử dụng kính ảo video 360 độ trải nghiệm về tác động của rượu bia đối với hiệu năng lái xe. (Ảnh: Đinh Luyện) |
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Tùng - Phó trưởng Phòng Công tác chính trị và sinh viên, Giảng viên chương trình cho biết, mục tiêu tổng thể của chương trình đào tạo này nhằm góp phần thúc đẩy đến năm 2030, giảm một nửa số ca thương tích và tử vong do giao thông đường bộ liên quan đến người lái xe sử dụng rượu, bia. Chương trình hướng đến đối tượng trực tiếp là học sinh, sinh viên.
Em Nguyễn Đức Hiển, sinh viên khoa Cơ khí (Đại học Giao thông vận tải) chia sẻ, khi trải nghiệm kính thực tế ảo với hình ảnh 360 độ với vai trò là người lái xe có nồng độ cồn trong người tăng dần và các tình huống có thể gặp phải khiến bản thân vô cùng ấn tượng. Em Nguyễn Đức Hiển khẳng định, với những hình ảnh được thấy, bản thân chắc chắn sẽ không bao giờ lái xe khi đã sử dụng rượu, bia.
Rõ ràng, bằng nhiều hình thức, công tác tuyên truyền, vận động người dân hạn chế sử dụng rượu bia ở nhiều lứa tuổi, ngành nghề khác nhau trên địa bàn Hà Nội đã và đang mang lại hiệu quả tích cực. Hơn hết, bằng những giải pháp hiệu quả đang triển khai, Hà Nội nói riêng và các địa phương trên cả nước nói chung đang góp phần nâng cao ý thức chấp hành luật an toàn giao thông và đảm bảo an toàn cho người dân khi tham gia giao thông.