Sai lầm khi tự điều trị kháng sinh, đơn thuốc cũ khi mắc bệnh hô hấp
Cục Quản lý dược cảnh báo về thuốc Cefuroxim 500 giả |
Không chủ quan với bệnh lý hô hấp
Khi thời tiết giao mùa từ nóng sang lạnh, là điều kiện thuận lợi cho virus, vi khuẩn phát triển gây hậu quả là các bệnh viêm đường hô hấp trên và dưới. Virus thường gặp trong thời điểm này là virus gây các bệnh về tai mũi họng, bệnh cúm, cảm lạnh…
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Bích Ngọc khám cho người bệnh. (Ảnh: T.H) |
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Bích Ngọc, Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Phổi Trung ương, tỷ lệ người bệnh đến khám tại bệnh viện tăng mạnh so với trước. Hầu hết các bệnh nhân đến đây khám bệnh liên quan đến các bệnh ở phổi và các bệnh hô hấp khác.
Tình trạng người bệnh viêm đường hô hấp đến viện muộn, gặp biến chứng nặng nề khiến chi phí chăm sóc y tế của bệnh nhân tăng lên, thời gian nằm viện lâu hơn.
Có những bệnh nhân ở tuyến đầu có những chẩn đoán không đúng khi lên tuyến Trung ương thì diễn biến nặng. Hoặc có những bệnh nhân đến viện trong tình trạng nguy kịch tính mạng vì chủ quan với bệnh lý hô hấp của mình.
Mới đây nhất, khoa Hô hấp tiếp nhận trường hợp bệnh nhân nữ, hơn 40 tuổi (Hà Nội) đã được chẩn đoán viêm phổi kẽ và có chỉ định điều trị. Tuy nhiên, bệnh nhân không tuân thủ đúng liệu trình điều trị, đến viện muộn, rơi vào tình trạng suy hô hấp và tử vong nhanh chóng.
"Nếu bệnh nhân nghe chỉ định, tuân thủ đúng điều trị đã không xảy ra tình huống đáng tiếc này. Viêm phổi kẽ là bệnh khó lường, có thể tử vong rất nhanh. Có những người kéo dài vài ba năm, chục năm nhưng có những người chỉ vài tháng đến viện đã tử vong", bác sĩ Ngọc nói.
Trong thời điểm giao mùa, những bệnh nhân có sẵn bệnh nền như bệnh hô hấp như hen, COPD, bệnh nhân giãn phế quản, viêm phổi dễ bùng phát...
Khi bị nhiễm virus, bệnh nhân sẽ bị suy giảm miễn dịch ở đường thở, những vi khuẩn đang tồn tại, cư trú ở đó sẽ phát triển, nhân lên và gây ra các bệnh hô hấp. Do đó, nhóm người có sẵn bệnh nền cần phải được giám sát thường xuyên.
"Bệnh viện Phổi Trung ương là bệnh viện chuyên khoa tuyến cuối, thường xuyên phải tiếp nhận các bệnh nhân từ tuyến dưới chuyển đến nên chúng tôi hay gặp các bệnh nhân nặng, bệnh kéo dài nhiều ngày. Bệnh nhân có thể có những biểu hiện như sốt cao, khó thở, ho khạc đờm mủ, ho ra máu, hoặc có những túi mủ trong lồng ngực cần phải được dẫn lưu ra ngoài", bác sĩ Ngọc cho hay.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Bích Ngọc, Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Phổi Trung ương. (Ảnh: T.H) |
Tự mua kháng sinh điều trị gây ra nhiều hệ lụy cho sức khỏe
Trong thời điểm nhiều dịch bệnh lưu hành, người dân vẫn chủ quan, mắc những sai lầm phổ biến khi điều trị bệnh viêm đường hô hấp như tự điều trị bằng mua thuốc ngoài hiệu thuốc hoặc sử dụng lại đơn thuốc cũ.
"Mỗi lần mắc bệnh là một hình thái và có triệu chứng, diễn biến khác nhau. Bệnh nhân có thể mắc bệnh giống lần trước hoặc có thể khác lần trước. Có rất nhiều bệnh nhân đã được kê đơn thuốc nhưng không uống nữa thì 4-5 tháng sau đến tình trạng bệnh lý đã rất nặng nề, thậm chí có người tử vong. Bởi vậy, người dân cần đến gặp bác sĩ để được khám và đánh giá chính xác", bác sĩ Ngọc nói.
Bác sĩ Ngọc nhấn mạnh, với người bệnh mắc cúm, cúm A, cúm B, khi có triệu chứng cúm như sốt cao, ho khan, đau đầu, mệt mỏi toàn thân, người dân thường hay tự đi mua kháng sinh về điều trị, việc làm này hoàn toàn không có tác dụng với bệnh cúm.
Cúm là một bệnh do virus gây ra nên các thuốc kháng sinh thông thường không có tác dụng trong điều trị bệnh, thậm chí còn có hại. Các thuốc khi uống vào cơ thể, nhất là kháng sinh đều phải chuyển hoá qua gan, thận, làm cơ thể mệt mỏi, dùng kháng sinh bừa bãi còn gây nên tình trạng kháng thuốc …
Chuyên gia hô hấp này cũng cảnh báo, Việt Nam là nước có tình hình kháng kháng sinh nặng nề nhất toàn cầu. Nếu bệnh nhân vào bệnh viện không may gặp phải chủng kháng thuốc, phải sử dụng kháng sinh mới hàng đầu thế giới, chi phí điều trị tốn kém hàng trăm triệu đồng. Khi đó, người bệnh sẽ rất khổ sở vì phải chi trả khoản tiền lớn.
"Hiện nay người dân chúng ta dễ tiếp cận mua kháng sinh ở bất kỳ hàng thuốc nào nhưng lại uống không đúng liều, không đủ liều, đủ thời gian dẫn đến kháng kháng sinh. Ở góc độ bác sĩ, có người kê đơn quá liều hoặc dưới liều cũng gây ra tình trạng này", bác sĩ Ngọc nói.
Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Phổi Trung ương khuyến cáo, đối với những bệnh nhân đã từng hoặc đang mắc các bệnh viêm đường hô hấp như những người đã từng bị hen phế quản, COPD, giãn phế quản, viêm phổi… nếu có bất cứ triệu chứng nào bất thường thì đó là những dấu hiệu của một đợt viêm cấp. Những trường hợp này nên đến bệnh viện khám để có được những chẩn đoán và điều trị phù hợp.
Theo Hải Ngô/nhandan.vn