“Bắt pen”, trào lưu cần bị lên án
Công an Hà Nội cảnh báo nguy cơ thuốc lá điện tử |
Theo thông tin cảnh báo, hiện mạng xã hội đang lan truyền trào lưu "bắt pen." Đây không phải là môn thể thao có liên quan tới bóng đá mà là một trào lưu đang được lan truyền trên mạng xã hội TikTok.
Khi chơi trò này, một người sẽ ấn mạnh vào hai bên mạch máu cổ của người khác để tìm kiếm cảm giác lâng lâng. Người bị “bắt pen” sẽ có tình trạng không tỉnh táo, thậm chí ngất xỉu, khiến người xung quanh phải lay, tát vào mặt để trở lại trạng thái bình thường.
Nguyên nhân sâu xa của trào lưu “bắt pen” là nhiều người, đặc biệt là giới trẻ muốn thử nghiệm cảm giác mạnh mẽ và khác biệt. Tuy cảm giác thích thú chỉ diễn ra trong mấy giây nhưng hậu quả của nó vô cùng nguy hiểm, không thể lường trước được.
Một số tác hại của trào lưu “bắt pen” có thể kể đến như thiếu máu não, ngưng tim, chấn thương mạch máu, thần kinh vùng cổ...
Khi chơi “bắt pen,” nếu ấn vào hai động mạch cảnh vài giây sẽ không gây nguy hiểm nhưng nếu ấn lâu thì có thể gây ra thiếu máu não trầm trọng với người bị “bắt pen.” Khi máu không được cung cấp đủ cho não, người chơi có thể bị chóng mặt, ngất xỉu hoặc thậm chí là tổn thương não.
Các tế bào não bị thiếu máu 5 phút sẽ không thể phục hồi. Hành động “bắt pen” có thể kích thích một số phản xạ trong cơ thể, dẫn đến ngưng tim đột ngột.
Theo PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng - Phó Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam, cung cấp máu lên não bộ có hai hệ thống mạch máu chính, gồm hai động mạch cảnh (tuần hoàn trước), chịu trách nhiệm 70-80% nhu cầu của não bộ và động mạch sống nền (tuần hoàn sau), chịu trách nhiệm 20-30% nhu cầu máu còn lại.
Các hệ thống mạch máu phía trước, sau và hai bên được liên kết với nhau qua đa giác Willis (giống như vòng xoay giao thông) nhằm đảm bảo nhu cầu máu lên não luôn ổn định khi một bên bị sự cố. Tại hai động mạch cảnh trong đoạn cổ còn có xoang cảnh, tác động điều chỉnh nhịp tim và huyết áp. Khi ép chặt hai bên động mạch cảnh sẽ gây giảm tưới máu não nghiêm trọng (do chịu trách nhiệm 70-80% lượng máu lên não).
Nếu bỏ tay nhanh có thể gây chóng mặt, ngất, mất ý thức thoáng qua. Trường hợp nếu ép quá lâu có thể gây đột quỵ do thiếu máu. Ép cổ gây kích thích xoang cảnh, có thể làm chậm nhịp tim và ngưng tim.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo, nếu đã từng thực hiện hành vi này và có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào như đau đầu, chóng mặt, ngất xỉu, hoặc có các triệu chứng thần kinh, người bệnh cần đi khám ngay lập tức.
T.An