Nhiều trẻ bị biến chứng do viêm màng não vì nhầm lẫn các bệnh hô hấp
Những dấu hiệu của bệnh viêm màng não ở trẻ em |
Nhầm lẫn các triệu chứng bệnh thông thường
Ngày 5/10, một bệnh nhi 5,5 tháng tuổi, ngụ An Giang nhập Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM sau nhiều ngày bị sốt cao, co giật, được bệnh viện địa phương cấp cứu qua nguy kịch. Qua xét nghiệm, bác sĩ phát hiện bệnh nhi bị viêm màng não. Chụp CT-Scan não thấy đã có biến chứng tụ mủ dưới màng cứng. Bệnh nhi được điều trị kháng sinh và phẫu thuật.
Hai bệnh nhi sơ sinh trong đó có 1 trẻ đang được điều trị viêm màng não, 1 bé còn chờ kết quả xét nghiệm tại khoa Nhiễm - Thần kinh. (Ảnh: Kim Dung) |
Bà của bệnh nhi cho biết, trẻ bị sốt cao kéo dài 3 ngày, nhưng gia đình tưởng chỉ sốt do viêm hô hấp thông thường, không nghĩ đến tình trạng bệnh nặng nên đã đi khám ở 2 đơn vị tư nhân. Sau khi được kê đơn thuốc hô hấp, trẻ không khỏi bệnh mà sốt cao hơn, co giật nặng. Các bác sĩ ở bệnh viện tỉnh xác định bệnh nhi bị viêm màng não và tìm cách hạ sốt, cấp cứu cho bệnh nhi. Bệnh nhi có tiền căn viêm tai giữa.
“Gia đình đã đưa cháu đi xét nghiệm máu nhưng người khám nói là không bị gì hết, chỉ sốt thông thường. Đến ngày thứ 3, cháu trợn mắt, gồng tay. Lên đây bác sĩ nói là cháu đã biến chứng rồi. Giờ vẫn còn mủ, không biết phải điều trị cỡ bao lâu nữa”, bà cho biết.
Hiện trong khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 có hàng chục trẻ bị viêm màng não nặng đang điều trị, phần lớn từ các tỉnh thành khác chuyển đến. Đáng nói, nhiều phụ huynh nhận thấy vài biểu hiện của con giống cảm sốt đơn giản, các phòng khám tư nhân cũng không phát hiện những biểu hiện bất thường của trẻ, chỉ cho các đơn thuốc viêm họng, sốt ho thông thường.
Anh Sơn Đạt, ngụ Sóc Trăng, là ba của bệnh nhi 6 tuổi bị viêm màng não cho biết, trước đó, do có nhiều triệu chứng như sốt, đau đầu nên gia đình cũng chỉ đưa đi khám tư nhân, không phát hiện ra bệnh cho đến khi trẻ bị đau đầu kéo dài, gia đình đưa lên tuyến trên.
“Ở nhà bé sốt, nghĩ là sốt bình thường thôi. Cả 10 ngày rồi, vì sốt quá rồi chuyển lên bệnh viện huyện, sau đó cho lên bệnh viện Cần Thơ, bác sĩ bảo không ổn nên mới chuyển lên đây” - anh Đạt nói.
Khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 hiện đang có 135 trẻ nhập viện nội trú, trong đó riêng bị viêm màng não nặng có tới 28 trẻ, độ tuổi rải rác từ dưới 1 tuổi đến 15 tuổi. Trong số này, có 2 ca viêm màng não phải thở máy và 1 bệnh nhi phải thở oxy.
Bác sĩ cảnh báo phụ huynh cần theo dõi sát sao các triệu chứng của trẻ để phát hiện bất thường, cho trẻ nhập viện sớm. (Ảnh: Kim Dung) |
Biến chứng nặng nếu phát hiện muộn
BS.CK2 Dư Tuấn Quy, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM cho biết, khi nghi ngờ bệnh nhi bị viêm màng não, bác sĩ cho trẻ nhập viện và thực hiện xét nghiệm máu, chọc dò tủy sống. Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, kết quả xét nghiệm rất nhanh, chỉ cần 2-4 tiếng. Vì vậy điều quan trọng nhất là làm sao chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời cho trẻ. Thực tế, không ít trẻ vì nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể do bố mẹ chủ quan, không nhận biết các dấu hiệu sớm của bệnh lý viêm não nên tự ý mua thuốc điều trị, chậm trễ trong việc đưa con đi viện khám.
Nếu lơ là, không phát hiện những dấu hiệu đầu tiên, trẻ nhập viện muộn có thể biến chứng, phải thở máy, hoặc thậm chí tử vong. Cùng với đó, chi phí điều trị rất tốn kém, thời gian nằm viện lâu dài, và còn để lại di chứng cho trẻ sau này như bị chậm phát triển về mặt tâm thần và vận động... Do đó, phụ huynh cần để ý đến các biểu hiện của trẻ.
BS.CK2 Dư Tuấn Quy nói: “Thứ nhất là đứa trẻ sốt, quấy khóc liên tục, ọc sữa, bú kém đi, thậm chí có trẻ sốt cao quá bị co giật, kèm theo tiểu chảy, phân bất thường. Còn đối với trẻ lớn hơn đã nói được, thì có thể than đau đầu, sợ ánh sáng, buồn nôn, kèm theo nôn ói, thậm chí có những trẻ kèm theo sốt co giật”.
Hiện nay, các bác sĩ điều trị bệnh màng não là chủ yếu sử dụng kháng sinh, đúng liều và phù hợp với trẻ. Song song là điều trị hỗ trợ nâng đỡ cho trẻ như dinh dưỡng, hoặc thở oxy nếu cần, chống phù não, lọc nước điện giải, hạ sốt khi sốt…
Bệnh nhi bị biến chứng viêm màng não đã được phẫu thuật lấy dịch mủ. (Ảnh: Kim Dung) |
Các bác sĩ khuyến cáo, khi vào mùa đông, bệnh nhi rất dễ bị lây nhiễm viêm màng não, nhất là do phế cầu khuẩn. Đặc biệt, yếu tố nguy cơ xảy ra ở những trẻ bị nhiễm trùng đường hô hấp, tái đi tái lại nhiều lần, viêm tai giữa, viêm mũi họng, viêm xoang, trẻ bị suy giảm miễn dịch.
Do đó, phụ huynh cần thận trọng, theo dõi sát sao các triệu chứng của con, chú ý quan sát và sờ phần thóp ở đầu trẻ với dấu hiệu thóp phập phồng hoặc căng phồng. Đồng thời, nên đưa trẻ đi tiêm đủ các loại vaccine phòng viêm não, viêm màng não đã có như vaccine…
Theo Kim Dung/vov.vn