Những điều kiện để được mua nhà ở xã hội cho công nhân
Hậu phương “ấm” để công việc “thông” |
Bổ sung đối tượng đặc cách xét công nhận tốt nghiệp Trung học phổ thông |
Chăm lo tốt để đoàn viên, người lao động xây dựng gia đình hạnh phúc |
Mua được một căn nhà ở xã hội là mong ước của rất nhiều người. Đó cũng là khát khao của đa số công nhân lao động. Tại cuộc giao lưu trực tuyến với chủ đề “Giải đáp chế độ, chính sách và chăm sóc sức khỏe cho người lao động”, do Báo Lao động Thủ đô phối hợp với Liên đoàn Lao động quận Đống Đa tổ chức mới đây, chị Đỗ Thị Huệ - công nhân Công ty TNHH Tư vấn Y, Dược Quốc tế (Khu công nghiệp Quang Minh, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội) đã chia sẻ về mong ước này và đề nghị các chuyên gia của chương trình giải đáp cụ thể các điều kiện, thủ tục được mua nhà ở xã hội, để ổn định cuộc sống, yên tâm lao động sản xuất.
Luật sư Phạm Thanh Phương - Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH XTVN |
Đồng cảm và chia sẻ với tâm tư, nguyện vọng của đa số công nhân lao động nói chung, chị Đỗ Thị Huệ nói riêng, chuyên gia của chương trình là Luật sư Phạm Thanh Phương - Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH XTVN, đã giải đáp chi tiết những nội dung liên quan đến nhà ở xã hội.
Luật sư Phạm Thanh Phương cho biết, tại Khoản 7 Điều 3 Luật Nhà ở 2014 giải thích, nhà ở xã hội là nhà ở có sự hỗ trợ của Nhà nước cho các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở theo quy định của Luật Nhà ở.
Nhà ở xã hội được đưa ra thị trường với mục đích giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn hoặc hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, cán bộ công chức... Vì vậy, nhà xã hội có mức giá thấp hơn nhiều so với những loại nhà ở thương mại khác.
Tại các thành phố đông dân cư như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, nhà ở xã hội được biết đến phổ biến nhất là ở dạng chung cư với diện tích mỗi căn hộ từ 25 - 70m2.
Ngoài ra, nhà ở xã hội cũng có ở dạng nhà ở liền kề thấp tầng với diện tích đất xây dựng của mỗi căn không vượt quá 70m2, hệ số sử dụng đất không vượt quá 2 lần và bảo đảm phù hợp với quy hoạch do cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Theo Luật sư Phạm Thanh Phương, Điều 49 của luật này cũng quy định rất chi tiết các nhóm đối tượng được mua nhà ở xã hội, gồm: Người có công với cách mạng; Hộ gia đình nghèo và cận nghèo tại khu vực nông thôn; Hộ gia đình nông thôn thuộc vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu; Người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại đô thị; Người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp.
Người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp có thể mua nhà ở xã hội. (Ảnh minh họa: Hữu Duyên) |
Ngoài những đối tượng nêu trên thì các đối tượng sau cũng được ưu tiên mua nhà ở xã hội đó là: Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc công an nhân dân và quân đội nhân dân; Cán bộ, công chức, viên chức; Người đã trả lại nhà ở công vụ không thuộc diện bị thu hồi nhà ở do vi phạm quy định và chưa có nhà ở tại nơi sinh sống sau khi trả lại nhà công vụ; Học sinh, sinh viên các học viện, trường đại học, cao đẳng, dạy nghề; học sinh trường dân tộc nội trú công lập được sử dụng nhà ở trong thời gian học tập; Hộ gia đình, cá nhân thuộc diện bị thu hồi đất và phải giải tỏa, phá dỡ nhà ở theo quy định của pháp luật mà chưa được Nhà nước bồi thường bằng nhà ở, đất ở.
Chuyên gia Phạm Thanh Phương cũng cho biết thêm, để được hỗ trợ mua nhà ở xã hội thì người lao động phải đáp ứng những điều kiện như điều kiện về nhà ở, cư trú, thu nhập, bao gồm: Chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình, chưa được mua, thuê hoặc thuê mua nhà ở xã hội; Phải có đăng ký thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có nhà ở xã hội; trường hợp không có đăng ký thường trú thì phải có đăng ký tạm trú từ một năm trở lên tại tỉnh, thành phố đó; Đối với cán bộ, công chức thì phải thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập thường xuyên theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân.
“Hiện Nhà nước có nhiều chế độ, chính sách nhằm tạo điều kiện cho người lao động mua nhà ở xã hội. Trong đó, có chính sách hỗ trợ lãi suất thông qua các ngân hàng cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư có dự án xây dựng nhà ở xã hội để vay/mua cho công nhân, người lao động…”, luật sư Phạm Thanh Phương thông tin.