Lễ Bế mạc SEA Games 31: Hà Nội sẽ gửi lời chào thân thương nhất tới bạn bè quốc tế
Đảm bảo công tác đáp ứng y tế phục vụ SEA Games 31 Tăng cường phương tiện vận tải phục vụ SEA Games 31 |
Tại SEA Games 31, Cung điền kinh trong nhà (Hà Nội) là nơi diễn ra môn Đấu kiếm, từ 13-18/5. Hiện nay, tại đây, khu vực sân khấu để tổ chức Lễ Bế mạc đang được Ban Tổ chức SEA Games hoàn thiện, lắp ghép xong trước ngày 21/5. Sau đó, sẽ có một ngày để sơ duyệt chương trình và các tiết mục cho đêm bế mạc.
Hiện toàn bộ ê-kíp gồm Tổng đạo diễn Trần Ly Ly, đạo diễn Hoàng Công Cường, nhạc sĩ Huy Tuấn cùng 90 diễn viên và nhiều ca sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng như Văn Mai Hương, Uyên Linh, Đông Hùng, Khánh Linh… đang tích cực chuẩn bị cho đêm bế mạc SEA Games 31. Vì muốn tạo nên một không gian ấm áp, thân thiện nên công nghệ sẽ không được áp dụng nhiều như trong đêm khai mạc.
Phối cảnh 3D Lễ Bế mạc SEA Games 31. |
Tuy nhiên, đây sẽ là một sân khấu trong nhà hoành tráng với tổng diện tích màn hình Led được sử dụng lên tới 580m2 cùng với sân khấu chính rộng 611m2, sân khấu phụ 2 bên là 315m2 để tạo nên hiệu ứng về âm thanh và ánh sáng.
Theo đạo diễn Hoàng Công Cường, sự khác biệt đầu tiên mà ê kip thực hiện chương trình muốn mang đến là nếu như Lễ khai mạc được tổ chức ngoài trời thì lễ bế mạc sẽ được tổ chức ở trong nhà để mang đến sự ấm cúng, gần gũi, gắn kết.
“Đó cũng chính là thông điệp về sự đoàn kết, gắn bó mà các nước Đông Nam Á muốn gửi gắm tại kỳ SEA Games này. Khi tổ chức trong nhà, không gian sẽ ấm áp hơn và tất cả chúng ta sẽ cùng ngồi lại sau một chặng đường dài từ lễ khai mạc đến lễ bế mạc để cùng nhìn lại những hình ảnh xúc động nhất của các đoàn thể thao, các tình nguyện viên hay những thành viên Ban Tổ chức”, đạo diễn Hoàng Công Cường chia sẻ.
Tại Lễ Bế mạc Đại hội, nước chủ nhà cũng mong muốn đọng lại những ký ức tươi đẹp khi bạn bè trong khu vực ở gần bên nhau, cùng nhau tranh tài, cùng nhau cống hiến và toả sáng trong hơn nửa tháng vừa qua. Vì thế, ê-kíp thực hiện chương trình sẽ mang đến những hình ảnh giản dị, ấm áp nhất để cùng nhìn lại hành trình mà các vận động viên đã đạt được huy chương với những giọt mồ hôi, nước mắt, những nụ cười của chiến thắng nhưng cũng có những nỗi buồn khi thất bại.
Đặc biệt tại Lễ bế mạc, một lần nữa những hình ảnh về một Thăng Long - Hà Nội mảnh đất “địa linh - nhân kiệt”, nơi hội tụ khí thiêng sông núi, tinh hoa và sức mạnh của đất nước Việt Nam; một Thủ đô ngàn năm văn hiến, anh hùng, được bạn bè quốc tế tôn vinh là Thành phố vì hòa bình, Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người; một Hà Nội văn hiến, văn minh và hiện đại sẽ được tái hiện.
Hà Nội chính là nơi tổ chức Lễ Khai mạc, Bế mạc và tổ chức 18/40 môn thi đấu của Đại hội. Vì thế, Hà Nội sẽ gửi gắm lời chào thân thương nhất tới bạn bè quốc tế. Đó cũng sẽ là tinh thần thân thiện, cởi mở của nước chủ nhà đón chào bạn bè quốc tế và là lời chào thân thương của nước chủ nhà gửi đến các đoàn vận động viên đến với Lễ Bế mạc.
“Tại Lễ Bế mạc, chúng tôi cũng sẽ kể lại câu chuyện của đêm khai mạc với những hình ảnh đẹp nhất, ấn tượng nhất bằng tiết mục múa nón đã đoạt giải Asian Got Talent”, đạo diễn Hoàng Công Cường cho biết thêm.
Một phần nghi lễ không thể thiếu của các Lễ Bế mạc SEA Games là lễ trao cờ đăng cai Đại hội của nước chủ nhà kỳ SEA Games trước cho nước chủ nhà kế tiếp.
Tại Lễ Bế mạc SEA Games 31, sau nghi lễ nhận cờ, nước chủ nhà của SEA Games 32 - Campuchia sẽ mang đến những tiết mục đặc sắc với những câu chuyện tiêu biểu về đất nước, con người, văn hoá của xứ sở Angkor Wat để chào đón các quốc gia tham dự SEA Games 32.
Tổng thể chung của Lễ Bế mạc sẽ không phô trương, không hoành tráng, không lộng lẫy nhưng điều đọng lại lớn nhất chính là những tình cảm nồng ấm và những lời chào thân thương nhất mà nước chủ nhà muốn gửi gắm tới bạn bè của 10 quốc gia trong khu vực.
Để chuẩn bị cho Lễ Bế mạc, toàn bộ ê-kíp đã lên kịch bản, chuẩn bị song hành cùng thời gian chuẩn bị cho lễ khai mạc. Ngay sau khi lễ khai mạc kết thúc, toàn bộ ê-kíp đã bắt tay vào thực hiện Lễ Bế mạc.
Đạo diễn Hoàng Công Cường cũng chia sẻ: “Tuy nhiên khoảng thời gian từ Lễ Khai mạc đến Lễ Bế mạc không nhiều cho một chương trình lớn như thế. Nhưng với sự góp sức của các chuyên gia hàng đầu Việt Nam hiện nay, tôi tin chương trình sẽ tạo nên điểm nhấn, để lại dấu ấn trong lòng bạn bè quốc tế.
Lễ Bế mạc cũng sẽ gồm nhiều nghi lễ quan trọng nhưng chúng tôi sẽ đem đến những hình ảnh vừa trang nghiêm, vừa ấm cúng, gần gũi và mang đến một sự xúc động ấm áp, đầy tự hào về một kỳ Đại hội được tổ chức thành công sau khi chúng ta dần kiểm soát, khống chế được đại dịch”.
Theo kế hoạch tối ngày 22/5, chương trình tổng duyệt Lễ Bế mạc lần cuối sẽ diễn ra tại Cung Điền kinh trong nhà.
Cung Điền kinh trong nhà (phố Trần Hữu Dực, Cầu Diễn, Nam Từ Liêm) có diện tích 3,4 ha, tổng diện tích xây dựng hơn 17.700m2 và diện tích dành cho thi đấu là 5.420m2.
Tại đây, có hơn 3.000 ghế trên khán đài, phục vụ nhiều môn với các hạng mục như: Đường chạy hình bầu dục dài 200m, đường chạy thẳng 60m, sân thi đấu nhảy cao, nhảy xa, ném tạ, có phòng nghỉ cho vận động viên, phòng khởi động, trung tâm báo chí... Ngoài ra, diện tích mặt sàn của Cung có thể bố trí tương đương 6 sân quần vợt có mái che.
Theo Phương Bùi/laodongthudo.vn