LĐLĐ huyện Gia Lâm: Thi đua sáng kiến, sáng tạo giúp doanh nghiệp phát huy nội lực
Đưa sáng tạo trở thành nhu cầu tự thân của mỗi người lao động
Ông Nguyễn Đức Thể, Chủ tịch LĐLĐ huyện Gia Lâm, cho biết, năm 2022, ngay từ đầu năm LĐLĐ huyện Gia Lâm đã phát động phong trào “Sáng kiến, sáng tạo” gắn với thực hiện Chương trình “01 triệu sáng kiến nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19” do Tổng LĐLĐ Việt Nam phát động đến 100% Công đoàn cơ sở.
Nhiều Công đoàn cơ sở đã khẩn trương, nghiêm túc triển khai thực hiện phong trào “Sáng kiến, sáng tạo”, xây dựng kế hoạch cụ thể, phân công cán bộ Công đoàn phụ trách, đưa việc viết đề tài, sáng kiến cải tiến là tiêu chí đánh giá thi đua điển hình như Công ty TNHH điện Stanley Việt Nam, Công ty TNHH Lixil Việt Nam, Công ty TNHH Ladoda, Trường Tiểu học thị trấn Trâu Quỳ, trường Tiểu học Yên Thường …
Chủ tịch LĐLĐ huyện Gia Lâm Nguyễn Đức Thể khen thưởng các gương sáng kiến, sáng tạo huyện Gia Lâm năm 2022 |
Để phong trào “Sáng kiến, sáng tạo” có sức lan tỏa sâu rộng, các cấp Công đoàn huyện Gia Lâm đã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho CNVCLĐ về ý nghĩa của phong trào. Từ đầu năm đến nay, các cấp Công đoàn đã tổ chức tuyên truyền lồng ghép được hơn 62 cuộc cho trên 8.000 lượt đoàn viên, CNVCLĐ tham gia, thông qua đó đã giúp cán bộ Công đoàn, đoàn viên, CNVCLĐ đều nhận thức một cách sâu sắc về mục đích, ý nghĩa, yêu cầu nhiệm vụ của phong trào “Sáng kiến, sáng tạo” trong tình hình mới đồng thời thấy rõ sáng tạo chính là nhu cầu tự thân của mỗi người trong quá trình lao động sản xuất. Đáng nói, nội dung phong trào “Sáng kiến, sáng tạo” đã được các cấp Công đoàn cụ thể hóa phù hợp với đặc thù của từng khối, từng loại hình cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nên hiệu quả thi đua càng thêm thực chất và thu hút đông đảo CNVCLĐ tham gia.
Cụ thể, đối với khối doanh nghiệp, nội dung thi đua tập trung vào “hiến kế” để tháo gỡ khó khăn, tìm kiếm mở rộng thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất, nghiên cứu sản phẩm mới, tiết kiệm nguyên vật liệu nhằm tạo ra nhiều sản phẩm đủ sức cạnh tranh trên thị trường.
Điển hình cho phong trào “sáng kiến, sáng tạo” ở khối doanh nghiệp phải kể đến Công ty TNHH điện Stanley Việt Nam. Thời gian qua, công nhân lao động (CNLĐ) của Công ty thực hiện hơn 1650 đề tài sáng kiến, giải pháp kỹ thuật với tổng giá trị làm lợi cho công ty hơn 60 tỷ đồng. Công ty TNHH Lixil Việt Nam cũng là một đơn vị xuất sắc khi trong năm qua có 365 công nhân lao động (CNLĐ) tham gia phong trào thi đua “Sáng kiến, sáng tạo” và có trên 700 sáng kiến được ghi nhận với tổng giá trị làm lợi 23 tỷ đồng...
Trong khi đó, ở khối giáo dục và đào tạo huyện Gia Lâm, thi đua được tập trung vào dạy giỏi, “Đổi mới phương pháp dạy và học” và thi đua “Làm đồ dùng dạy học”… Trong năm học 2021 - 2022, ngành giáo dục và đào tạo huyện đã có 76 giáo viên giỏi các cấp, 883 sáng kiến kinh nghiệm. Về lĩnh vực đồ dùng dạy học có 889 đồ dùng dạy học được các thầy, cô thực hiện và đăng ký dự thi góp phần nâng cao chất lượng dạy và học của huyện.
Giúp doanh nghiệp nâng cao nội lực và sức cạnh tranh
Không chỉ dừng lại ở tuyên truyền, để thi đua thực sự đi vào thực chất và đạt hiệu quả, các cấp Công đoàn huyện Gia Lâm, đặc biệt là Công đoàn cơ sở cũng đã tham mưu với lãnh đạo doanh nghiệp, cơ quan đơn vị quan tâm, tạo điều kiện để CNVCLĐ được học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
Ban chấp hành Công đoàn cơ sở và lãnh đạo cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp còn luôn quan tâm chăm lo đời sống, thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách với người lao động, từ đó giúp người lao động yên tâm, gắn bó, dồn hết công sức, tâm huyết vào công việc. Ông Ngô Ngọc Vinh - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Điện Stanley Việt Nam, cho biết, để động viên người lao động vượt mọi khó khăn, an tâm gắn bó với doanh nghiệp và phát huy sức sáng tạo, Công ty luôn thực hiện tốt nhất chế độ chính sách đối với người lao động theo quy định của pháp luật, thậm chí cao hơn luật.
Phổ biến đề tài, giải pháp sáng kiến, sáng tạo tiêu biểu trong CNVCLĐ huyện Gia Lâm |
Ví dụ, 100% cán bộ, công nhân viên được công ty được kí hợp đồng lao động và đóng các loại bảo hiểm theo quy định, được hưởng các loại phụ cấp theo hướng có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật... Cùng đó, Ban lãnh đạo Công ty cũng duy trì thực hiện các chế độ thưởng theo thỏa ước lao động tập thể và thưởng theo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh, trung bình 5 tháng lương...
Với những giải pháp thiết thực, kịp thời như trên, năm 2022, toàn huyện Gia Lâm có 685 cá nhân được tặng danh hiệu “Sáng kiến, sáng tạo” cấp cơ sở; 58 cá nhân được tặng danh hiệu “Sáng kiến, sáng tạo” cấp trên cơ sở, LĐLĐ huyện Gia Lâm quyết định công nhận và khen thưởng cho 39 CNVCLĐ, trong đó có 32 sáng kiến, sáng tạo thuộc lĩnh vực sản xuất - kinh doanh giá trị làm lợi hơn 11 tỉ đồng. Trong số các giải pháp khoa học, sáng kiến, sáng tạo được công nhận và cấp bằng “Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô”, các giải pháp, sáng kiến, sáng tạo thuộc khu vực ngoài nhà nước và doanh nghiệp FDI ngày càng tăng, chiếm 76%; số sáng kiến, sáng tạo của CNVCLĐ trực tiếp cũng chiếm tới 81,5%...
Tiêu biểu có thể kể đến sáng kiến sáng kiến “Cải tiến phương pháp kết dính Silicon trong sử dụng khuyên Inox (sản xuất khuôn mẹ) của công nhân Lê Viết Văn làm lợi cho Công ty TNHH Lixil Việt Nam 2,3 tỷ đồng; đề tài thiết kế, lắp đặt băng tải vận chuyển sản phẩm trong bộ phận sản xuất của công nhân Đặng Khắc Thọ với đã làm lợi cho Công ty TNHH Lixil Việt Nam 1,965 tỷ đồng; hay như sáng kiến giảm chi phí nguyên vật liệu tại trạm xử lý nước thải số 3 của công nhân Nguyễn Thế Tiến - Công ty TNHH điện Stanley Việt Nam đã làm lợi cho Công ty 787 triệu đồng…
“Các sáng kiến, kinh nghiệm, giải pháp công tác này đều kết tinh trí tuệ, thể hiện rõ sự sáng tạo cũng như tâm huyết của CNVCLĐ huyện Gia Lâm. Đặc biệt đây đều là những đúc kết qua từ thực tiễn công việc đã làm hàng ngày; có tác dụng thúc đẩy tiến bộ khoa học và mang lại hiệu quả cao trong công việc; có thể chia sẻ, phổ biến để đồng nghiệp học tập, áp dụng và cùng nhau thực hiện tốt hơn nhiệm vụ được giao”- Chủ tịch LĐLĐ huyện Gia Lâm Nguyễn Đức Thể nhận xét.
Ông Nguyễn Đức Thể cũng khẳng định, phong trào thi đua “Sáng kiến, sáng tạo” do LĐLĐ huyện Gia Lâm phát động đã mang lại hiệu quả thiết thực, sâu rộng ở tất cả các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; góp phần tích cực, giúp doanh nghiệp phát huy nội lực, nâng cao năng suất, chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập, đồng thời cũng là động lực kịp thời động viên, cổ vũ CNVCLĐ tích cực lao động sản xuất, nghiên cứu sáng tạo trong lao động sản xuất, góp phần nâng cao đời sống, thu nhập, thiết thực đóng góp vào sự phát triển chung của huyện và Thủ đô.
Ông Nguyễn Đức Thể cho biết, trong thời gian tới, các cấp Công đoàn huyện Gia Lâm sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung phong trào thi đua “Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô”; đưa phong trào thi đua phát triển cả về bề rộng, chiều sâu, thiết thực, hiệu quả hơn và trở thành một trong những nội dung hoạt động chính của Công đoàn hằng năm.