Làm sao tăng thu ngân sách bền vững?
Tăng thu ngân sách từ xử lý hơn 10.700 vụ việc vi phạm pháp luật hải quan Kinh tế khởi sắc, thu ngân sách do ngành Thuế quản lý tiếp tục tăng |
Công nhân vận hành trong nhà máy thép của Tập đoàn Hòa Phát. |
Danh sách 1.000 DN nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) lớn nhất Việt Nam năm 2021 vừa được Tổng cục Thuế công bố. Trong bối cảnh, nền kinh tế thời “bình thường mới” đang nỗ lực phục hồi, việc các DN cố gắng duy trì, phát triển và đóng góp tích cực cho ngân sách Nhà nước là rất đáng ghi nhận. Trong năm qua, mặc dù chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nhưng các DN không những duy trì hiệu quả hoạt động kinh doanh mà còn thực hiện tốt các trách nhiệm xã hội.
Đặc biệt, trong danh sách 1.000 DN này, khối DN sản xuất - những nguồn thu mang tính bền vững đã có những đóng góp tích cực. Đơn cử, Tập đoàn Hòa Phát có đến 10 đơn vị thành viên được xướng tên trong danh sách này.
Số thuế TNDN năm 2020 của Hòa Phát là 1.717 tỷ đồng, tăng 11% so với 2019. Năm 2021 là 2.743 tỷ đồng, tăng 60% so với năm trước. 6 tháng đầu năm 2022, Hòa Phát đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh, công ăn việc làm ổn định cho khoảng 30.000 lao động và số thuế TNDN đã nộp đạt 853 tỷ đồng.
Cũng trong 6 tháng đầu năm nay, Tập đoàn Hòa Phát đã nộp vào ngân sách Nhà nước gần 7.400 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ năm 2021, vượt xa số nộp của cả năm 2020. Ngoài ra, mỗi năm các DN sản xuất, kinh doanh cũng tạo thêm việc làm cho hàng nghìn, hàng triệu người lao động.
Nếu như các năm trước, trong danh sách 1.000 DN đóng thuế lớn chủ yếu là khối ngân hàng, bất động sản thì năm nay, các Hợp tác xã, các DN vừa và nhỏ đã bắt đầu xuất hiện.
Đây là tín hiệu tích cực cho thấy, cơ cấu nguồn thu ngân sách đang ngày càng bền vững. Ngoài đóng góp cho ngân sách, mỗi năm, các DN cũng tạo thêm công ăn việc làm cho hàng vạn, hàng triệu người lao động.
Theo số liệu mới nhất của Bộ Tài chính, tổng thu ngân sách Nhà nước 9 tháng ước đạt 1.327,3 nghìn tỷ đồng, bằng 94% dự toán, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, thu nội địa đạt 88,9% dự toán, tăng 18,8%. Riêng các khoản thu từ 3 khu vực kinh tế (trực tiếp từ hoạt động sản xuất - kinh doanh) ước đạt 83% dự toán, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm 2021.
Cụ thể, thu từ khu vực DN Nhà nước đạt 83,3% dự toán, tăng 14,1%; thu từ khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài đạt 77,7% dự toán, tăng 5,9%; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 87,2% dự toán, tăng 18,9%; thu từ dầu thô đạt 213% dự toán, tăng 103,5% so với cùng kỳ năm 2021; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 108,8% dự toán, tăng 22,1%.
Có thể thấy, dù cơ cấu nguồn thu hiện nay đã tích cực, tuy nhiên, số thu từ hoạt động sản xuất - kinh doanh vẫn tăng với tỷ lệ không quá cao.
Trong Top 10 của danh sách 1.000 DN đóng thuế lớn, vẫn chủ yếu là những cái tên thuộc khối ngân hàng, viễn thông, bất động sản. Các DN được xướng tên gồm Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) tiếp tục là DN nộp thuế lớn nhất trong năm 2021. Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank); Công ty CP Phát triển Thành phố Xanh; Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank); Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank); Công ty Honda Việt Nam; Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam; Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank); Công ty TNHH Đầu tư và phát triển đô thị Gia Lâm; Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank)… Nhìn vào danh sách này, riêng khối ngân hàng đã có đến 5/10 cái tên.
Như vậy, câu chuyện nuôi dưỡng nguồn thu để tăng thu bền vững là rất cần thiết và phải tính toán lâu dài. Để làm được điều đó, các chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho DN sản xuất về thủ tục hành chính, môi trường đầu tư… là rất cần thiết. Khi nguồn thu được nuôi dưỡng thì ngân sách mới có thể tăng thu bền vững.
Theo Hà Lâm/kinhtedothi.vn
https://kinhtedothi.vn/lam-sao-tang-thu-ngan-sach-ben-vung.html