Kết nối, chia sẻ dữ liệu để phát triển thương mại điện tử và chống thất thu thuế
Phiên thảo luận chuyên đề “Đổi mới quản lý thuế trong nền kinh tế số” trong khuôn khổ Hội thảo Vietnam Digital Finance 2023 do Bộ Tài chính tổ chức ngày 21/9, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho biết, còn nhiều vấn đề đặt ra như sự đồng bộ về hạ tầng, cơ sở dữ liệu, nền tảng pháp lý, chương trình cải cách để có thể kết nối dữ liệu khác nhau của các ngành, hướng tới tích hợp, tập trung toàn bộ cơ sở dữ liệu.
Nhất là trong bối cảnh hiện nay, Chính phủ đang đầu tư lớn vào chiến lược dữ liệu quốc gia về dân cư, chiến lược dữ liệu quốc gia, vấn đề là làm sao tiết kiệm được tài nguyên, để có được cơ sở dữ liệu chung, phục vụ cho lợi ích của nhiều cơ quan, doanh nghiệp, người dân đòi hỏi cần có sự quyết tâm và đầu tư lớn.
Theo ông Đặng Ngọc Minh, thời gian qua, Bộ Tài chính đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Chỉ thị số 18/CT-TTg về nâng cao hiệu quả quản lý với hoạt động thương mại điện tử, trong đó, đưa ra kế hoạch, tiến trình cụ thể của ngành Tài chính và đề xuất công tác phối hợp, chia sẻ thông tin, hoàn thiện pháp luật giữa các Bộ, ngành liên quan, nghĩa vụ của các chủ thể tham gia môi trường thương mại điện tử.
“Bước đầu, ngành Thuế đã tạo được hệ thống hóa đơn điện tử, tuy nhiên, để vận hành, duy trì bảo mật thông tin dữ liệu hóa đơn trong thời gian tới là rất quan trọng. Giá trị và ý nghĩa của dữ liệu hóa đơn điện tử của 1 triệu doanh nghiệp và người dân nằm trong cơ quan thuế hiện nay là rất lớn, ước gấp 10 lần dữ liệu quản lý khác của cơ quan thuế.
Hơn nữa, đây cũng là đích ngắm của các đối tượng tội phạm bởi dữ liệu hóa đơn điện tử liên quan đến bí mật kinh doanh, xu hướng kinh doanh, quan hệ của doanh nghiệp...”, Phó Tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh nói.
Còn nhiều vấn đề đặt ra để có thể kết nối dữ liệu khác nhau của các ngành, hướng tới tích hợp, tập trung toàn bộ cơ sở dữ liệu. |
Chia sẻ sâu hơn về công tác xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ quản lý thuế với hoạt động thương mại điện tử, bà Tạ Thị Phương Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân (Tổng cục Thuế) cho biết, bước đầu, hạ tầng kỹ thuật của ngành thuế đã đáp ứng yêu cầu tập trung, lưu trữ và xử lý dữ liệu lớn, có khả năng phân tích cảnh báo rủi ro. Cơ quan thuế đã và đang triển khai các giải pháp an toàn bảo mật thông tin quan trọng và tiên tiến trên thế giới như firewall, IPS, DDOS, APT,…
Nguồn thông tin của cơ quan thuế có thể tự động đồng bộ các cơ sở dữ liệu quản lý thuế từ các phân hệ quản lý thuế riêng biệt theo chức năng và lĩnh vực như đăng ký thuế, khai thuế, quản lý nợ, thanh tra, kiểm tra thuế, quản lý rủi ro, hóa đơn điện tử, báo cáo tài chính,…Đối với nguồn thông tin ngoài cơ quan thuế, đã bước đầu triển khai cơ chế tiếp nhận thông tin theo hình thức điện tử từ bên ngoài cơ quan thuế.
Bà Tạ Thị Phương Lan nhấn mạnh, hoạt động thương mại điện tử có nhiều đặc trưng nên công tác quản lý thuế với hoạt động thương mại điện tử cần có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Công thương, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước…Để tăng cường sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, Bộ Tài chính đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Chỉ thị số 18/CT-TTg về đẩy mạnh kết nối chia sẻ dữ liệu để phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ.
Triển khai Chỉ thị 18/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, từng Bộ, ngành đã xây dựng kế hoạch triển khai riêng, đáp ứng yêu cầu chung tại Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021 - 2025. Các Bộ ngành bước đầu cũng đã triển khai công tác phối hợp với Bộ Tài chính để xây dựng kế hoạch chi tiết về đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các Bộ, ngành để phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế, đảm bảo an ninh tiền tệ. Dự kiến kế hoạch chi tiết giữa các Bộ, ngành sẽ được thống nhất trong quý III/2023.
Nhận định cơ sở dữ liệu về thương mại điện tử là một trong những nguồn thông tin quan trọng của cơ sở dữ liệu lớn của ngành thuế, bà Tạ Thị Phương Lan cho rằng, thời gian tới, cơ sở dữ liệu về thương mại điện tử cần tốt hơn, đầy đủ hơn để áp dụng cơ chế quản lý theo rủi ro nhằm ngăn chặn trước việc gian lận thuế, nâng cao chất lượng dịch vụ cho người nộp thuế, giảm chi phí tuân thủ và chi phí quản lý thuế.
Theo đó, cơ quan thuế sẽ xây dựng quy trình rà soát, tiếp nhận thông tin “đúng, đủ, sạch, sống”; trên cơ sở dữ liệu đã có, xây dựng quy trình khai thác và xử lý thông tin nhằm hướng dẫn cán bộ thuế thực hiện thống nhất, hiệu quả; tiếp tục xây dựng cơ chế, công cụ tiếp nhận, rà soát khai thác thông tin về kinh doanh trực tuyến qua các kênh; tiếp tục thực hiện đẩy mạnh kết nối dữ liệu, chia sẻ dữ liệu giữa các Bộ, ngành theo Chỉ thị số 18/CT-TTg; xây dựng và triển khai hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng quản lý rủi ro trên cơ sở dữ liệu lớn từ tất cả các nguồn thông tin từ cơ quan thuế, người nộp thuế và bên thứ ba.
Bảo Thoa