Huyện Hoài Đức trang bị kỹ năng phòng cháy và thoát nạn cho học sinh
Huyện Hoài Đức diễn tập phòng cháy, chữa cháy tại Thiên đường Bảo Sơn Huyện Hoài Đức tổ chức diễn tập phương án phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ năm 2022 |
Trang bị những kỹ năng cần thiết
Nhằm nâng cao ý thức về phòng cháy, chữa cháy và an toàn giao thông cho học sinh tại địa bàn huyện Hoài Đức, Hội phụ nữ Cụm thi đua số 4 - Công an thành phố Hà Nội tổ chức tuyên truyền, trang bị kiến thức, kỹ năng phòng chống thương vong... tại Trường Trung học cơ sở Nguyễn Văn Huyên (xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức, Hà Nội).
Các báo cáo viên đã giới thiệu một số kiến thức cơ bản về cháy, nổ, các biện pháp phòng cháy chữa cháy (PCCC) và một số kỹ năng thoát nạn, cứu nạn, xử lý khi có cháy nổ xảy ra, đồng thời giới thiệu về các trang thiết bị PCCC và cách sử dụng hiệu quả, an toàn. Cùng với đó, các học sinh và giáo viên đã được tham gia thực hành sử dụng thiết bị bình chữa cháy để dập tắt đám cháy từ bình gas. Qua đó giúp các em học sinh nâng cao hiểu biết về an toàn PCCC và kỹ năng xử lý khi có sự cố cháy nổ.
Cán bộ Phòng Cảnh sát Giao thông đã giới thiệu các quy tắc tham gia giao thông; kỹ năng tham gia giao thông an toàn, đúng pháp luật; hướng dẫn đội mũ bảo hiểm đúng quy cách tới các em học sinh...
Thông qua tuyên truyền nhằm trang bị những kiến thức cơ bản cho các em học sinh về lĩnh vực an toàn giao thông đường bộ và PCCC; góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành Luật An toàn giao thông, phòng ngừa vi phạm, tai nạn giao thông, ý thức PCCC trong nhà trường, gia đình.
Lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH hướng dẫn kỹ năng cho các học sinh sử dụng bình cứu hỏa |
Trước đó, Đội Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) - Công an huyện Hoài Đức đã có buổi tuyên truyền kỹ năng PCCC&CNCH tại Trường THPT Hoài Đức B. Tham dự có gần 2.000 học sinh các khối lớp cùng đông đảo cán bộ, giáo viên, nhân viên của trường.
Chăm chú nghe các chiến sĩ cảnh sát PCCC&CNCH tuyên truyền, học sinh Đỗ Thị Huyền (Trường THPT Hoài Đức B) cảm nhận rất rõ ý nghĩa của buổi tuyên truyền ngày hôm nay. Em đã tự biết cách thực hiện các thao tác khi sử dụng từng dạng bình chữa cháy dạng bột hay dạng khí để đảm bảo an toàn cho chính mình.
"Ngoài ra, khi phát hiện đám cháy lớn, em sẽ hô hoán mọi người xung quanh để tìm sự giúp đỡ, sau đó gọi vào số máy 114 để báo cho lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp đến hiện trường vụ cháy. Nếu có cháy thì mình phải di chuyển thấp người để tránh bị ngạt khói. Sau buổi ngày hôm nay, em đã thu nhận được rất nhiều kiến thức bổ ích về phòng cháy. Em sẽ tích cực giới thiệu tới người thân, gia đình, bạn bè những kỹ năng đó để mọi người cùng thực hiện", Huyền chia sẻ.
"Buổi tuyên truyền đã mang lại rất nhiều giá trị bổ ích, trực quan để cả giáo viên, học sinh nhà trường có thêm những kiến thức, kỹ năng về PCCC. Tôi rất cảm ơn lãnh đạo Công an huyện Hoài Đức đã tổ chức sự kiện này và hi vọng, trong thời gian tới sẽ tiếp tục nhận được sự phối hợp nhiều hơn nữa để nâng cao hiệu quả công tác an toàn phòng cháy từ xa...", cô Hoàng Thị Quyên, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hoài Đức B nói.
Theo Đại úy Nguyễn Văn Tuấn Dũng, cán bộ Đội Cảnh sát PCCC&CNCH - Công an huyện Hoài Đức, để đề phòng ngạt khói khí độc khi hỏa hoạn, các em cần lựa chọn lối thoát nạn an toàn như cầu thang bộ, tuyệt đối không dùng thang máy. Lúc này, khu vực xảy ra cháy sẽ có hiện tượng đối lưu, khói khí độc nổi lên trên, không khí sạch ở phía dưới. Vì vậy, các em phải di chuyển thấp người và đeo thiết bị chống độc như khẩu trang, quần áo, vải sạch thấm nước để bảo vệ cơ quan hô hấp. Sau đó men theo tường để tìm lối thoát nạn ra ngoài...
Cần duy trì thường xuyên
Thời gian qua, liên tiếp xảy ra nhiều vụ cháy lớn nhỏ, gây thiệt hại to lớn cả về người và tài sản. Thực tế cho thấy, hỏa hoạn có thể xảy ra ở bất cứ nơi đâu, bất kỳ thời điểm nào khi mà con người chủ quan, mất cảnh giác. Do đó, công tác tuyên truyền để mọi người dân, trong đó có học sinh, sinh viên tự nâng cao ý thức về an toàn phòng cháy lại càng trở nên bức thiết và phải duy trì thường xuyên.
Mới đây, UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 22/KH-UBND thực hiện Thông tư số 06/2022/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc hướng dẫn trang bị kiến thức, kỹ năng về PCCC&CNCH cho học sinh trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Học sinh được thực hành kỹ năng thoát nạn khi xảy ra cháy trong không gian giả định có nhiều khói khí độc. |
Đại úy Nguyễn Văn Tuấn Dũng, cán bộ Đội Cảnh sát PCCC&CNCH - Công an huyện Hoài Đức cho rằng, việc hướng dẫn trang bị kiến thức, kỹ năng về PCCC&CNCH cho học sinh trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn, là một trong các hoạt động nằm trong chương trình công tác thường xuyên của đơn vị. Thông qua buổi tuyên truyền, các em học sinh đã được trang bị những kỹ năng cần thiết như nhận biết các nguồn vật liệu có thể gây cháy, cách sử dụng bình chữa cháy xách tay, kỹ năng thoát nạn nếu xảy ra sự cố cháy nổ...
Một điều rất quan trọng nếu xảy ra hỏa hoạn là các em phải biết cách thoát nạn như thế nào. Khi xảy ra sự cố cháy nổ hoặc tai nạn bất kỳ, người dân cần gọi điện ngay đến số điện thoại 114 và phải nói rõ địa điểm, tên sự cố là gì. Người dân gọi càng sớm thì càng hạn chế được hậu quả do sự cố gây ra.
Theo lãnh đạo Đội Cảnh sát PCCC&CNCH - Công an huyện Hoài Đức, một trong những nguyên nhân dẫn đến cháy nổ là do sự cố về nguồn điện, nguồn nhiệt. Tại trường học, nguồn nhiệt có thể xuất phát từ việc sử dụng lửa tại phòng thí nghiệm, bếp ăn; nguồn điện chạy các thiết bị làm mát như điều hòa vào mùa nắng nóng bị quá tải... Các nhà trường, đơn vị cần thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng để đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ.
"Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với Phòng Giáo dục và đào tạo huyện Hoài Đức xây dựng kế hoạch, chương trình tuyên truyền về kiến thức an toàn PCCC và cứu nạn cứu hộ đến với học sinh các khối lớp. Ngoài ra, đơn vị cũng chủ động liên kết với cán bộ quản lý địa bàn, công an các xã, trường học để lồng ghép hoạt động tuyên truyền trong giờ sinh hoạt dưới cờ, cuối tuần hoặc ngoại khóa để nâng cao kiến thức, kỹ năng sống cho học sinh, giáo viên", Đại úy Tuấn Dũng cho hay.