Giá vé máy bay cao điểm Hè "nhảy múa" từng ngày, người dân vẫn ùn ùn đổ về sân bay
Đề xuất tiêu chuẩn máy bay thực hiện chuyến bay chuyên cơ |
Vé máy bay chặng nào cũng cao
Ghi nhận trên website của 5 hãng bay nội địa cho thấy nếu mua vé máy bay từ cuối tháng 6, khởi hành bay từ TP.HCM và Hà Nội đến các điểm du lịch Phú Quốc (Kiên Giang), Nha Trang và Đà Nẵng vào giữa tháng 7, giá vé rẻ nhất cũng trên 1,3 triệu đồng/vé, tăng 20-30% so với tháng trước.
Với chặng bay Hà Nội - Đà Nẵng, Vietnam Airlines mở bán hạng vé rẻ nhất là 1,5 triệu đồng/vé vào khung giờ sáng sớm hoặc tối muộn, Vietjet và Bamboo Airways dao động từ 1,3 - 1,5 triệu đồng/vé. Nếu mua khứ hồi, hành khách chi ít nhất 3 - 5 triệu đồng.
Tương tự, Vietnam Airlines mở bán chặng bay thẳng từ Hà Nội - Phú Quốc trên 2,5 triệu đồng/vé vào khung giờ ban đêm. Vietjet mở bán chặng TP.HCM - Phú Quốc giá 1,7 - 2,3 triệu đồng/vé, Bamboo Airways 2 - 3 triệu đồng/vé.
Đây là mức giá cho hành trình một chiều, chọn lựa hành trình khứ hồi, tức là chiều đi và chiều về, giá vé cho chặng TP.HCM - Phú Quốc ít nhất trên 3 triệu đồng/người.
Hàng không nội địa có tốc độ tăng trưởng nóng trong khi giá vé máy bay cao chót vót |
Sang tháng 8, giá vé máy bay vẫn chưa hạ nhiệt. Khảo sát cho thấy, nếu hành khách có nhu cầu bay Hà Nội- Phú Quốc vào ngày 4/8 thì giá vé máy bay rẻ nhất của Vietnam Airlines là 1,790 triệu đồng/vé bay vào cuối ngày. Còn các chuyến bay giờ đẹp đều dao động từ 2,2 -3 triệu đồng/vé.
Như vậy, để có một vé máy bay khứ hồi từ Hà Nội- Phú Quốc vào đầu tháng 8, hành khách cần phải chi từ 3,5- 6 triệu đồng. Mức này được nhận định là cao hơn so với các thời điểm trước đó.
Chặng bay Hà Nội- TP.HCM vốn được xem là chặng bay có giá mềm thì hiện tại, giá vé máy bay cũng ở mức cao. Khách muốn bay từ Hà Nội đi TP.HCM vào cuối tháng 7 này thì phải chi ra từ 3,5- 5 triệu đồng/vé máy bay khứ hồi, hạng phổ thông của Vietnam Airlines.
Bất chấp giá vé máy bay nội địa ở mức cao, khách vẫn ùn ùn đổ về các sân bay lớn |
Còn với Vietjet, cũng với thời gian cuối tháng 7 chặng bay Hà Nội- TP.HCM thì hành khách phải chi ít nhất từ 3-4 triệu đồng để có một cặp vé máy bay đã có đầy đủ thuế phí.
Khách bay tăng kỷ lục nhưng hãng bay vẫn lỗ
Giá vé máy bay cao điểm Hè tăng vọt nhưng lượng khách đổ về các sân bay lớn như Tân Sơn Nhất, Nội Bài lại không hề hạ nhiệt. Mới đây, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài đã đưa ra cảnh báo về tình trạng tắc nghẽn tuyến đường dẫn vào sân bay do lượng khách đi/đến tăng kỷ lục.
Dự báo đầu tháng 7/2022, trung bình mỗi ngày có khoảng 110.000 lượt khách qua sân bay quốc tế Nội Bài. Tính trung bình, sản lượng bay quốc nội tại Cảng HKQT Nội Bài đang tăng trưởng ngoạn mục, tăng hơn 40% so với cao điểm hè 2019, thời điểm đỉnh cao trước khi có dịch Covid-19.
Liên quan đến giá vé máy bay dịp cao điểm Hè hiện nay, lãnh đạo Cục Hàng không Việt nam cho biết, giá vé máy bay trên các đường bay nội địa đều nằm trong khung giá vé vận chuyển nội địa được Bộ GTVT ban hành theo quy định của Luật hàng không dân dụng Việt Nam. Giá vé trên từng đường bay sẽ theo các dải giá khác nhau trong khung.
Điều đáng nói là dù giá nhiên liệu tăng mạnh, khung giá vé vận chuyển nội địa vẫn chưa có bất kỳ điều chỉnh theo hướng tăng trần như đề nghị của các hãng trong nhiều tháng qua.
Cũng theo lãnh đạo Cục Hàng không, khi giá nhiên liệu bay Jet A1 chỉ ở mức 70 - 80 USD/thùng vào những năm trước, chi phí nhiên liệu chiếm tỉ trọng 28 - 33% trong tổng chi phí của chuyến bay tùy từng hãng. Nhưng với giá nhiên liệu bay luôn ở ngưỡng 160 - 170 USD/thùng thời gian qua, chi phí nhiên liệu đã chiếm tỉ trọng tới trên 40% tổng chi phí của chuyến bay.
Cũng bởi vậy, dù thị trường nội địa đã hồi phục hoàn toàn nhưng thị trường quốc tế mới chỉ khai thác trở lại ở mức 10 - 20% so với trước dịch Covid-19, nên đội máy bay của các hãng vẫn chưa được khai thác hết. Các chi phí cố định liên quan đến thuê máy bay, bảo dưỡng, khấu hao tài sản... vẫn phải duy trì.
Trong thực tế, Cục Hàng không Việt Nam cho hay, việc các hãng tiếp tục lỗ và mức lỗ khoảng 100 tỉ đồng/tháng là khiêm tốn trong bối cảnh chưa khai thác hết đội bay, mạng bay quốc tế chưa khôi phục được và giá nhiên liệu bay Jet A1 ở mức rất cao, lên đến hơn 160 USD/thùng.
Theo Ngân Tuyền/anninhthudo.vn