Dự kiến hỗ trợ 3,7 triệu đồng/người cho cán bộ, giáo viên mầm non, tiểu học ngoài công lập vì dịch Covid-19
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa chuyển hồ sơ Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học ngoài công lập gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 đến Bộ Tư pháp để thẩm định theo thẩm quyền.
Hỗ trợ một lần mức 3,7 triệu đồng/người
Theo Dự thảo Quyết định, đối tượng được hỗ trợ là: Cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non thuộc loại hình tư thục, dân lập; trường mẫu giáo, mầm non SOS; trường tiểu học tư thục; trường có cấp tiểu học Hermann Gmeiner trong hệ thống Làng trẻ em SOS Việt Nam được cấp có thẩm quyền cấp phép thành lập và hoạt động theo quy định phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19.
Cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên quy định ở trên bao gồm: Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, giáo viên (tổ trưởng, tổ phó, quản lý chuyên môn, giáo viên), nhân viên và các đối tượng khác (chủ cơ sở, chủ nhóm lớp, chủ nhóm trẻ thuộc loại hình dân lập, tư thục) có đủ các tiêu chuẩn theo quy định, tham gia công tác quản lý chuyên môn hoặc thực hiện nhiệm vụ của giáo viên.
Ảnh minh họa. (Ảnh: VGP) |
Mức hỗ trợ như sau: Hỗ trợ một lần mức 3,7 triệu đồng/người áp dụng với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên chưa được hưởng chính sách của địa phương hỗ trợ đối với nhóm lao động không có giao kết hợp đồng lao động và một số đối tượng đặc thù khác theo quy định tại khoản 12 Mục II Nghị quyết số 68/NQ-CP.
Hỗ trợ một lần mức 2.200.000 đồng/người áp dụng với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đã được hưởng chính sách của địa phương theo quy định tại khoản 12 Mục II Nghị quyết số 68/NQ-CP.
Dự thảo Quyết định cũng nêu rõ 4 điều kiện để được hỗ trợ như sau:
1. Là người đang làm việc tại cơ sở giáo dục ngoài công lập trước khi cơ sở phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19 tính từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021.
2. Nghỉ việc không hưởng lương từ 1 tháng trở lên tính từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021.
3. Chưa được hưởng chính sách hỗ trợ đối với người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương theo quy định tại khoản 4, khoản 5, khoản 6 Mục II Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 do không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
4. Có xác nhận làm việc tại cơ sở giáo dục ngoài công lập ít nhất hết năm học 2021-2022 theo kế hoạch năm học của địa phương, bao gồm cơ sở giáo dục ngoài công lập đã làm việc trước đây hoặc cơ sở giáo dục ngoài công lập khác trong trường hợp cơ sở giáo dục ngoài công lập trước đây làm việc không hoạt động trở lại.
Thời gian tiếp nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ đến hết ngày 31/12/2022
Theo Tờ trình Chính phủ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, dự kiến số cán bộ, giáo viên, nhân viên hưởng chính sách hỗ trợ này là 74.102 người, trong đó có 44.566 người được hỗ trợ mức 3,7 triệu đồng, 29.536 người được hỗ trợ mức 2,2 triệu đồng. Tổng nhu cầu kinh phí dự kiến khoảng 229,874 tỷ đồng.
Thời gian tiếp nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ đến hết ngày 31/12/2022. Với những cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đã được hưởng chính sách của địa phương theo quy định tại khoản 12 Mục II Nghị quyết số 68/NQ-CP thì Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành Quyết định hỗ trợ bổ sung với mức hỗ trợ bổ sung, bảo đảm mức hỗ trợ cả hai chính sách là 3,7 triệu đồng/người.
Cũng theo Tờ trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, để phòng, chống dịch Covid-19, các cơ sở giáo dục mầm non phải tạm dừng hoạt động, không tổ chức các hoạt động chăm sóc, giáo dục trực tuyến, không thu học phí. Nhiều cơ sở ở các địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch đã phải ngừng hoạt động trong hơn 6 tháng qua.
Tính đến 12/12/2021 có 59/63 tỉnh, thành phố có cơ sở giáo dục mầm non ngừng hoạt động để phòng, chống dịch; 20.398 cơ sở giáo dục mầm non phải ngừng hoạt động từ 3-6 tháng. Do không có doanh thu từ nguồn học phí nên các cơ sở này không có khả năng chi trả lương và đóng bảo hiểm xã hội cho cán bộ, giáo viên, nhân viên.
Đối với giáo dục tiểu học, việc tổ chức dạy học trực tuyến bị giảm nguồn thu học phí, cán bộ, giáo viên, nhân viên giảm thu nhập, trong khi trách nhiệm hết sức nặng nề, nhiều người bị mất việc, giảm thu nhập...
Tính từ tháng 5/2021 đến tháng hết tháng 3/2022, có 94% cơ sở giáo dục mầm non và 16 trường mẫu giáo ngoài công lập, mầm non SOS trong hệ thống Làng trẻ em SOS Việt Nam phải ngừng hoạt động; 94% cán bộ, giáo viên, nhân viên trong cơ sở giáo dục mầm non và 30% cán bộ, giáo viên, nhân viên trong cơ sở giáo dục tiểu học ngoài công lập phải tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương...