Đại đa số đại biểu đồng tình duy trì mức thu 2% phí công đoàn
Các cấp Công đoàn Thủ đô nỗ lực thu kinh phí, đoàn phí công đoàn Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội tập huấn công tác tài chính Công đoàn |
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 24/10, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi).
Phát biểu giải trình, tiếp thu ý kiến các đại biểu tại phiên thảo luận, Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang nêu rõ, việc sửa đổi Luật Công đoàn phải đảm bảo quán triệt, thể chế hóa sâu sắc các quan điểm, đường lối đổi mới của Đảng liên quan đến việc xây dựng và phát triển đất nước, phù hợp với Hiến pháp năm 2013, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật hiện hành, đảm bảo sự lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện của Đảng đối với tổ chức Công đoàn.
Việc sửa đổi Luật Công đoàn phải đảm bảo cho Công đoàn Việt Nam - tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và người lao động ngày càng lớn mạnh, hoạt động hiệu quả, thu hút được đông đảo người lao động tham gia.
Trong quá trình chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã thực hiện nghiêm túc ý kiến phát biểu chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm về đổi mới mạnh mẽ trong công tác lập pháp, ý kiến phát biểu của đồng chí Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tại phiên khai mạc của kỳ họp, đó là chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa đảm bảo yêu cầu quản lý Nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển...
Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang. Ảnh: Quốc hội |
Về việc gia nhập và hoạt động công đoàn của người lao động là người nước ngoài, ông Nguyễn Đình Khang cho biết, hầu hết ý kiến phát biểu đều đồng tình với quy định cho phép người lao động nước ngoài có quyền gia nhập và hoạt động Công đoàn Việt Nam phù hợp với quy định của Bộ luật Lao động và xu thế hội nhập quốc tế sâu rộng của nước ta.
Để hạn chế những tác động tiêu cực (nếu có) khi cho phép họ gia nhập Công đoàn Việt Nam thì Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã nghiên cứu và đề xuất một số giải pháp cụ thể được thể hiện trong dự thảo Luật tại Điều 5 và Điều lệ Công đoàn Việt Nam.
Đồng thời trong quá trình hoạt động, Công đoàn Việt Nam cùng các cơ quan hữu quan và cả hệ thống chính trị sẽ có các giải pháp, biện pháp căn cơ lâu dài để đảm bảo cho hoạt động công đoàn giữ vững, phát huy bản chất vai trò, trách nhiệm của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới, tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn đảm bảo ngày càng hiệu quả, thiết thực.
Về vấn đề tài chính công đoàn, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã thiết kế theo hướng không quy định trong luật việc phân chia kinh phí công đoàn trong bối cảnh có nhiều tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, nhằm bảo đảm bảo tính linh hoạt, hài hòa.
Việc phân chia kinh phí công đoàn cho tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp sẽ có các quy định chi tiết của Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hướng dẫn thực hiện.
Cũng theo Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tuyệt đại đa số các đại biểu đồng tình với mức thu 2%. Kinh phí công đoàn được để lại tại Công đoàn cơ sở hiện nay đang là 75% để chăm lo cho người lao động.
Các đại biểu họp phiên toàn thể tại hội trường. Ảnh: Quốc hội |
“Thực tế rất hoan nghênh nhiều chủ doanh nghiệp tại các doanh nghiệp có chế độ phúc lợi cao hơn, có lợi cho người lao động”, ông Nguyễn Đình Khang nói
Về doanh nghiệp gặp khó khăn, dự thảo Luật đã quy định tại Điều 30 một điều khoản mới so với Luật Công đoàn 2012 là vấn đề miễn, giảm, tạm dừng đóng kinh phí công đoàn.
Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nêu rõ, qua thảo luận, hầu hết ý kiến đại biểu đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo, các bộ, ngành hữu quan đã nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý, giải trình đầy đủ, cụ thể ý kiến đại biểu Quốc hội, hoàn thiện nội dung của dự thảo Luật.
Đa số ý kiến cơ bản nhất trí với nhiều nội dung của dự thảo luật và Báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng thời đề nghị cần làm rõ và tiếp tục chỉnh lý một số nội dung cụ thể.
“Các đại biểu đã dành thời gian và tình cảm rất nhiều cho tổ chức Công đoàn và yêu cầu cao đối với việc hoàn thiện dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) theo hướng đề cao vị trí, vai trò, tạo điều kiện thuận lợi về mọi mặt, trong đó có vấn đề về biên chế cán bộ Công đoàn, nguồn lực, cơ chế tài chính, chức năng, nhiệm vụ của công đoàn, nhằm xây dựng tổ chức Công đoàn đủ mạnh, thực sự là tổ chức chính trị xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động trong giai đoạn cách mạng mới, ngang tầm với yêu cầu xây dựng và phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới”, Phó Chủ tịch Quốc hội nói.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Thường trực Ủy ban Xã hội chủ trì, phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, các cơ quan có liên quan tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến các vị đại biểu Quốc hội phát biểu để hoàn chỉnh dự thảo Luật và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội thông qua theo đúng chương trình của kỳ họp.
Phương Thảo