Đại biểu đề xuất Bộ Y tế cần có đơn vị chuyên trách chống thuốc giả mạo
Huy động các thầy thuốc giỏi cứu chữa nạn nhân trong vụ nổ lò hơi Cử tri và nhân dân lo lắng về thiếu vắc xin, chênh lệch giá thuốc |
Quy định chặt chẽ việc bán thuốc bằng giao dịch điện tử
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược. Vấn đề bán thuốc online tiếp tục nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu.
Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn tỉnh Bình Định) cho biết, ông hoàn toàn đồng ý việc bán thuốc bằng giao dịch điện tử như trong dự thảo Luật, vì hiện nay đã và đang diễn ra.
Theo đại biểu, việc này cấm không được mà cần phải quy định chặt chẽ. Đầu tiên là những thuốc bán online phải được cấp phép lưu hành tại Việt Nam, vì hiện nay rất nhiều thuốc xách tay như thực phẩm chức năng mang về bán online.
Đồng thời, các thuốc bán qua thương mại điện tử bao gồm thuốc không kê đơn (otc) và các thuốc theo đơn nhưng phải được cơ sở y tế kê trên hệ thống đơn thuốc điện tử, sổ khám bệnh điện tử và bệnh án điện tử.
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu thảo luận tại nghị trường. (Ảnh: Quốc hội) |
Nhà thuốc được bán online cần đảm bảo tiêu chuẩn Bộ Y tế ban hành và thẩm định cấp phép, nên bắt đầu thử nghiệm ngay tại các nhà thuốc của bệnh viện đã triển khai đầy đủ bệnh án điện tử.
“Tôi nghĩ ngay sau khi Luật Dược (sửa đổi) thông qua, nếu Bộ Y tế có thông tư hướng dẫn, chắc chắn các bệnh viện sẽ triển khai được, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân cũng như hạn chế tình trạng lộn xộn như hiện nay và theo chiều ngược lại không quản lý được thì cấm khiến rất nhiều người sẽ bị vi phạm pháp luật khi luật có hiệu lực”, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết.
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cũng cho rằng, Bộ Y tế cần có đơn vị chuyên trách chống thuốc giả mạo trên các mạng xã hội, tiếp nhận thông tin, kiểm tra tính chính xác hay giả mạo của thuốc quảng cáo.
“Vì hình như bác sĩ bị sử dụng hình ảnh quảng cáo thuốc không đúng chất lượng trên thực tế hiện nay rất nhiều, không biết cách báo cho ai và làm cách nào để chấm dứt tình trạng này.
Những thuốc quảng cáo sai, không đúng sự thật phải công khai cho người dân biết, tra cứu trên các trang web, app ứng dụng của chính đơn vị này của Bộ Y tế. Có như vậy chúng ta mới giảm được tình trạng sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc tràn lan trên mạng xã hội”, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu đề nghị.
Cùng quan tâm đến bán thuốc qua thương mại điện tử, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (Đoàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc quy định cụ thể về trách nhiệm của các sàn giao dịch thương mại điện tử trong việc kiểm soát chất lượng và nguồn gốc của thuốc được bán trên sàn. Qua đó, bảo đảm người tiêu dùng mua được thuốc đúng chất lượng và tránh tình trạng bán thuốc không đúng quy định.
Đồng thời, ông Hùng đề nghị quy định rõ biện pháp kiểm soát giá thuốc như thành lập các cơ chế kiểm soát giá độc lập nhằm bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng vì hiện nay giá thuốc biến động và chênh lệch khá lớn giữa các cơ sở, ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng, đặc biệt là người bệnh cần phải sử dụng thuốc lâu dài.
Xác định rõ được pháp nhân phải chịu trách nhiệm
Đại biểu Lê Văn Cường (Đoàn tỉnh Thanh Hóa) nhìn nhận, tại dự thảo Luật chưa có quy định nào thể hiện hoặc giải thích rõ việc kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức thương mại điện tử theo quy định của luật này là gì?
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan. (Ảnh: Quốc hội) |
Vì vậy, để đảm bảo sự chặt chẽ, thống nhất giữa cách hiểu và thực thi luật, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với phương thức này, đại biểu đoàn Thanh Hóa đề nghị cần bổ sung tại phần giải thích từ ngữ quy định, chỉ định rõ: “Hoạt động kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức thương mại điện tử là hoạt động kinh doanh dược thực hiện trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, ứng dụng thương mại điện tử bán hàng, website thương mại điện tử bán hàng, có chức năng đặt hàng trực tuyến được phép hoạt động theo pháp luật Việt Nam”...
Phát biểu làm rõ một số vấn đề đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho rằng, kinh doanh thương mại điện tử đối với thời đại hiện nay là một điều vô cùng cần thiết.
Chính vì vậy, trong dự thảo Luật chỉ cho phép việc kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử, ứng dụng thương mại điện tử bán hàng, website thương mại điện tử bán hàng có chức năng đặt hàng trực tuyến để xác định rõ được pháp nhân phải chịu trách nhiệm.
Ngoài ra, quy định thêm các quy định về điều kiện kinh doanh loại thuốc, đối tượng được tham gia mua bán, vấn đề bảo mật thông tin người mua, truy xuất nguồn gốc, quản lý chất lượng, quản lý giá thuốc, vấn đề tư vấn, hướng dẫn sử dụng thuốc, quy trình giao thuốc, vận chuyển, trách nhiệm của người thực hiện kinh doanh thương mại điện tử.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Y tế, các doanh nghiệp thực hiện kinh doanh thương mại điện tử là những doanh nghiệp đang thực tế hoạt động, có giấy phép đáp ứng đầy đủ các quy định về kinh doanh dược, chứ không phải chúng ta mở tung cho tất cả các loại thuốc, kể cả thuốc không đăng ký lưu hành...