Chuyển đổi số đưa chính quyền đến gần với người dân
Điểm nhấn trong chuyển đổi số, hướng tới nền tài chính thông minh Đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý, giảm phiền hà cho người nộp thuế |
Chuyển đổi số từ các tổ dân phố
Thời gian qua việc ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền số đã được các cấp chính quyền Thủ đô quan tâm, chú trọng. Tại nhiều địa phương nhiều mô hình “phường số”, “tổ dân phố chuyển đổi số” đã thu hút sự tham gia hưởng ứng tích cực của người dân.
Tại phường Thổ Quan (quận Đống Đa), thực hiện chỉ đạo của quận Đống Đa, ngày 17/6/2024, phường Thổ Quan đã ban hành Đề án về xây dựng mô hình “Tổ dân phố chuyển đổi số” đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và mô hình “Điểm phát wifi miễn phí”. Thông qua 2 mô hình trên, nhằm phát huy tính hiệu quả trong việc đăng ký tài khoản công dân điện tử và đẩy mạnh việc sử dụng các dịch vụ công trực tuyến.
Đoàn thanh niên phường Thổ Quan hướng dẫn người dân quét mã QR cập nhật quy định liên quan đến việc thực hiện các TTHC. |
Theo tìm hiểu mỗi điểm “Tổ dân phố chuyển đổi số” được bố trí các trang thiết bị như: Bàn, ghế, máy tính, máy in, máy scan, hệ thống camera, màn hình cỡ lớn, thiết bị họp trực tuyến... để triển khai thực hiện. “Tổ dân phố chuyển đổi số” cung cấp hình thức hỗ trợ, hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, VNeID trong công tác tố giác tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự, nhận lương, chế độ, bảo hiểm xã hội qua tài khoản ngân hàng, không dùng tiền mặt.
Là một trong hai quận được Thành phố chọn triển khai mô hình chuyển đổi số điển hình, quận Long Biên đã triển khai mô hình thí điểm chuyển đổi số cấp phường trên địa bàn năm 2023 - 2024 với 11 mô hình thí điểm gồm: Hạ tầng phục vụ chuyển đổi số; cơ quan chuyển đổi số; Bộ phận Một cửa “Hiện đại - chia sẻ - hỗ trợ”; chuyển đổi số trong quản lý Nhà nước; tổ dân phố chuyển đổi số; tổ công nghệ số cộng đồng; công dân số… Ngay sau khi triển khai, đã có 10/11 mô hình được 14/14 phường đăng ký triển khai và bắt đầu thực hiện.
Đáng chú ý, 5/14 phường đã đăng ký các mô hình mới gắn với thế mạnh từng phường, có thể kể đến như mô hình “Nhận diện khuôn mặt của công dân khi đến bộ phận Một cửa” tại Giang Biên; “Tuyến phố 4.0” tại Long Biên; “Ứng dụng công nghệ thông tin quảng bá du lịch, giáo dục truyền thống địa phương” ở Việt Hưng; “Điểm truy cập wifi công cộng tại các nhà văn hóa phường” của Ngọc Lâm.
Các đại biểu ấn nút phát động chương trình chuyển đổi số thành phố Hà Nội và phường chuyển đổi số trên địa bàn quận Long Biên. |
Còn tại huyện Gia Lâm, mới đây huyện thí điểm mô hình “Tổ dân phố số” ở Tổ dân phố Thành Trung, thị trấn Trâu Quỳ. Với hơn 1.300 hộ dân, Tổ dân phố này đã triển khai trang Zalo OA với sự vào cuộc mạnh mẽ của Tổ chuyển đổi số cộng đồng, trong đó đặc biệt vai trò của Tổ trưởng Tổ dân phố.
Ông Đặng Xuân Lợi, Tổ trưởng tổ dân phố, quản trị viên Trang Zalo OA Tổ dân số Thành Trung cho hay, trang mới chính thức hoạt động chưa lâu, nhưng đã cho thấy hiệu quả của công nghệ thông tin trong quản lý dân cư. Hằng ngày, ông Lợi cập nhật thông tin tình hình về những vấn đề nổi bật trên địa bàn Tổ dân phố, chủ trương, việc giải quyết phản ánh của người dân về giao thông, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường... trên địa bàn.
“Với tỷ lệ hơn 82% người dân từ 15 tuổi trở lên có điện thoại thông minh, việc triển khai trang Zalo OA của tổ dân phố đã mang lại hiệu quả tuyên truyền tới mọi người dân, đồng thời, tiết kiệm thời gian, công sức cho chính bản thân tôi rất nhiều”, ông Lợi nói.
Ngoài ra, Tổ dân phố Thành Trung còn lắp đặt wifi miễn phí tại Nhà văn hóa tổ dân phố và nơi sinh hoạt cộng đồng, lắp camera an ninh tại các trục đường nên an ninh trật tự được đảm bảo.
Đẩy mạnh giải quyết thủ tục hành chính qua quy trình điện tử
Triển khai chỉ đạo của Thành phố, trong thời gian qua, các địa phương đã đẩy mạnh việc công khai, minh bạch các thủ tục hành chính (TTHC), nhiều sáng kiến được triển khai cở các quận, huyện để tiếp nhận, giải quyết theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, số hóa hồ sơ, cấp kết quả giải quyết TTHC bản điện tử; nâng cao thái độ ứng xử, đạo đức công vụ của công chức làm việc tại Bộ phận Một cửa quận, phường. Đề cao tính chuyên nghiệp, sự phục vụ của công chức đối với người dân, tổ chức, trên cơ sở lấy sự hài lòng của người dân làm một trong những cơ sở để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của công chức.
Công tác cải cách hành chính tại quận Tây Hồ đã có những chuyến biến tích cực được nhân dân đánh giá cao. |
Đối với quận Tây Hồ, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết TTHC đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực, rút ngắn thời gian, tạo thuận lợi cho người dân khi tới làm việc. TTHC được giải quyết bằng quy trình điện tử, hồ sơ điện tử, dịch vụ công trực tuyến tạo sự công khai, minh bạch, thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Theo đó, đến nay 100% văn bản đi, văn bản đến tại quận (trừ văn bản mật) đều được số hóa; cấp chứng thư số và chữ ký số chuyên dùng Chính phủ cho 55 tổ chức và 858 cá nhân, 893 tài khoản sử dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành của Thành phố tới cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân quận.
Sau 9 tháng triển khai Bộ Chỉ số chuyển đổi số quận Tây Hồ đã thực hiện 86/90 nhiệm vụ, đạt 95%. Ủy ban nhân dân quận tiếp tục chỉ đạo thực hiện đảm bảo đầy đủ, kịp thời, đúng lộ trình Đề án chuyển đổi số và xây dựng quận Tây Hồ thông minh đến giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030. Dự án “Số hóa kết quả TTHC quận Tây Hồ” đã được đẩy mạnh triển khai thực hiện tại Bộ phận Một cửa quận và phường.
Công chức quận Bắc Từ Liêm hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục hành chính. |
Còn đối với Ủy ban nhân dân quận Bắc Từ Liêm, 100% TTHC được tiếp nhận, giải quyết theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông; các đơn vị thực hiện nghiêm túc việc công khai bộ TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp mình theo quy định của Thành phố; công khai quy trình, thành phần hồ sơ, thời gian trả, phí và lệ phí (nếu có), tên của công chức tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC, số điện thoại đường dây nóng, hòm thư góp ý…
Đến nay, tổng số hồ sơ phải giải quyết trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm là 93.804 hồ sơ, giải quyết được 92.526 hồ sơ, đạt tỷ lệ 98.63%; hồ sơ giải quyết đúng hạn và trước hạn: 92.526 hồ sơ, đạt tỷ lệ 100%; số hồ sơ đang giải quyết là 1.278 hồ sơ. Trong 9 tháng năm 2024, tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến trên địa bàn quận luôn đạt 100%.
Về kết quả thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, tổng hồ sơ tiếp nhận và trả kết quả của quận và phường là 1.145 hồ sơ. 18 hộ sơ được tiếp nhận, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích. Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC trên địa bàn quận tiếp tục tiến hành lấy phiếu khảo sát ý kiến người dân, tổ chức đến giao dịch hành chính, kết quả: 4.008/4.008 phiếu đánh giá hài lòng. Những con số trên là minh chứng cho thấy công tác cải cách hành chính tại quận Bắc Từ Liêm đang ngày càng được nâng lên và có sự chuyển biến rõ rệt.
Theo Lê Thắm - Trần Thảo/laodongthudo.vn
https://laodongthudo.vn/chuyen-doi-so-dua-chinh-quyen-den-gan-voi-nguoi-dan-181457.html