Đeo đuổi thể loại điều tra thì càng phải thượng tôn pháp luật
PV: Thưa nhà báo Hoàng Chiên, ở anh mọi người thường nhắc đến là một nhà báo chuyên theo mảng điều tra. Thực hiện thể loại báo chí này không hề dễ, thậm chí được xem là gai góc, tại sao anh lại lựa chọn con đường này?
Nhà báo Hoàng Chiên: Tôi đến với mảng đề tài ngay từ những năm còn là sinh viên và theo học tại trường Báo chí tại Hà Nam. Khi học ở trường, tôi và một nhóm bạn cùng đam mê đã bắt tay vào thực hiện những bài điều tra, dù đó chưa phải là những đề tài lớn lao nhưng nó đã giúp tôi tích lũy nhiều vốn kiến thức và kỹ năng.
Sau khi ra trường, tôi được giới thiệu vào làm việc trong một Trung tâm nghiên cứu về môi trường và thiên nhiên, công việc của tôi liên quan đến công tác truyền thông, tổ chức các chuyến đi cho nhà báo để đi điều tra các hoạt động liên quan đến khai thác khoáng sản, buôn bán động vật hoang dã, phá rừng… công việc hỗ trợ nhà báo bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học đã giúp tôi được gặp gỡ với nhiều nhà báo điều tra với nhiều năm kinh nghiệm.
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường (trái ảnh) và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng (phải ảnh) trao Giải B Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XV - năm 2020 cho nhà báo Hoàng Chiên. |
Tôi được học hỏi từ họ và thấy rằng công việc của họ hết sức ý nghĩa. Cũng từ đó, tôi tập viết bài, nhập vai và thực hiện các loạt bài… sau một thời gian tôi thấy mình có thể viết được các loạt bài như vậy. Và hiện tại tôi đã chuyển sang công tác tại Báo Dân Việt/Nông thôn Ngày nay.
PV: Trong quá trình làm nghề, anh ấn tượng và nhớ nhất đến tác phẩm nào? Kỷ niệm đọng lại khi thực hiện loạt bài đó ra sao, thưa anh?
Nhà báo Hoàng Chiên: Mới đây, tôi và một nhóm các bạn sinh viên Học viện Báo chí đã tổ chức điều tra về tình trạng buôn bán động vật hoang dã, cụ thể là loại rùa nước ngọt. Sở dĩ chúng tôi chọn đề tài này là bởi nhiều nghiên cứu chỉ ra, rùa là loại có số lượng cá thể bị buôn bán nhiều nhất.
Khi thảo luận, chúng tôi đã đưa ra nhiều phương án, kế hoạch, khi bắt tay vào điều tra chúng tôi đã đi vào tận thành phố Hồ Chí Minh, tôi cũng lái xe cùng các bạn đi Hải Phòng, Hà Nội… từ đây tôi thấy rằng các bạn trẻ đã nhập vai tốt.
Trước đây, trong các đề tài tôi thực hiện, thông thường phải tìm hiểu kỹ. Ví dụ, gần đây các loạt bài mà chúng tôi thực hiện như buôn bán động vật hoang dã, phá rừng, khai thác đá… mỗi câu chuyện, đề tài xoay quanh, chúng tôi phải tìm hiểu rất kỹ.
Như muốn viết về rừng, tôi phải tìm hiểu rừng này là rừng gì, người ta khai thác để làm gì, phương thức khai thác ra sao, giá của từng loại gỗ được bán ra sao… Đây là những thông tin nền và khi có những thông tin này tôi có thể nhập vai sao cho giống chính những người buôn bán đó.
Nhà báo Hoàng Chiên bên một gốc cây bị lâm tặc đốn hạ. |
PV: Việc giữ an toàn khi thực hiện các phóng sự điều tra là rất khó, anh có thể chia sẻ một số kinh nghiệm bản thân để những nhà báo trẻ vững vàng hơn khi theo đuổi nghề nghiệp?
Nhà báo Hoàng Chiên: Tôi quan niệm, làm nghề gì cũng nguy hiểm và nghề báo thì càng nguy hiểm hơn, bởi vậy, việc tự trang bị kiến thức để tác nghiệp và tự bảo vệ mình sẽ rất quan trọng.
Nhà báo Hoàng Chiên cùng đồng nghiệp từng đoạt Giải B (thể loại phóng sự, phóng sự điều tra, ký báo chí) - Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XV - năm 2020; Giải B Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVI - năm 2021; Giải A Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ 3 năm 2020 – 2021… |
Chẳng hạn, khi bạn nhập vai thì cần phải có phương cách nhập vai phù hợp và không vi phạm pháp luật. Tôi lấy ví dụ, khi bạn vào cửa hàng nơi người ta buôn bán động vật hoang dã thì mình không gọi món, không ăn, người ta sẽ nghi ngờ. Vậy chúng tôi “lách” bằng cách vào vai khách hàng đến đặt món ăn cho cơ quan, tổ chức.
Khi chủ cửa hàng đồng ý, mình sẽ yêu cầu thẩm định các món ăn xem có đúng như quảng cáo, yêu cầu họ dẫn đi xem kho hàng… từ đây về cơ bản đã có những hình ảnh, tư liệu cần thiết cho bài chứ không nhất thiết phải ăn và vi phạm. Từ những thông tin này hoàn toàn có thể phối hợp cùng chính quyền địa phương, công an địa phương, cơ quan cảnh sát môi trường… đến tìm hiểu và xử lý.
Tôi luôn cho rằng, nguyên tắc đầu tiên mà nhà báo điều tra cần phải có là không vi phạm pháp luật, không vi phạm đạo đức nghề nghiệp báo chí. Khi viết bài thì cần tìm hiểu, xác minh đầy đủ các thông tin. Nếu cơ quan Nhà nước chưa xác minh và công bố ai đó là vi phạm pháp luật thì khi đăng tải cũng cần chú ý việc đảm bảo đời tư cá nhân của nhân vật.
PV: Anh lời khuyên nào giúp các nhà báo trẻ càng thêm trân quý nghề và có động lực để yêu và “say” nghề?
Nhà báo Hoàng Chiên: Trước khi mình tìm đề tài mình phải tìm hiểu. Với các bạn trẻ thì điều này càng đặc biệt quan trọng. Riêng thể loại báo chí điều tra thì đề tài phải hay và thực sự hấp dẫn. Và với điều tra, khi bắt tay vào triển khai đề tài phải biết học hỏi, lắng nghe, tìm hiểu kiến thức từ các chuyên gia nghiên cứu, những nhà khoa học… để trang bị kiến thức nền cho bản thân, để bản thân không bị động khi bắt tay triển khai đề tài.
Các bạn trẻ theo nghề hiện nay có nhiều điều kiện tốt, đặc biệt khi các bạn có được những công nghệ hiện đại, vốn kiến thức được dạy dỗ trong trường bài bản… rất mong các bạn biết tận dụng, phát huy những nhiệt huyết, bản lĩnh của sức trẻ để từ đó có những tác phẩm hay, có hiệu ứng và giúp ích cho xã hội.
Trân trọng cảm ơn nhà báo Hoàng Chiên!