Cân nhắc cho ngân hàng thương mại làm đại lý bảo hiểm
Sẽ xử lý nghiêm các hành vi trục lợi Quỹ BHXH, BHYT Đề xuất tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội từ 1/7 TRỰC TUYẾN: Giải đáp những chính sách mới về bảo hiểm xã hội và an toàn vệ sinh lao động |
Cân nhắc cho ngân hàng thương mại làm đại lý bảo hiểm
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã thảo luận về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), với nhiều vấn đề mới. Trong đó, nhiều đại biểu băn khoăn về quy định bảo mật thông tin khách hàng, trao quyền điều tra cho Ngân hàng Nhà nước, quy định cho ngân hàng thương mại làm đại lý bảo hiểm…
Liên quan đến quy định về ngân hàng được làm đại lý bảo hiểm theo quy định tại Điều 105, đại biểu Phạm Văn Thịnh (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang) cho biết, theo quy định hiện hành, 2 loại bảo hiểm nhân thọ phổ biến là bảo hiểm tử kỳ và bảo hiểm hỗn hợp có mức chiết khấu tối đa cho phí bảo hiểm năm đầu là 40%.
Đại biểu Phạm Văn Thịnh đề nghị cân nhắc quy định cho ngân hàng thương mại làm đại lý bảo hiểm. Ảnh: QH |
“Có dư luận cho rằng, năm 2021-2022 và quý I/2023, một số ngân hàng thương mại có hiện tượng gợi ý khách hàng vay vốn mua bảo hiểm nhân thọ với mức phí vào khoảng 3-4% giá trị khoản vay. Có nơi gợi ý mua thì sẽ duyệt nhanh hồ sơ vay vốn, có nơi lại là điều kiện để được vay vốn với mức lãi suất ưu đãi. Một số ngân hàng thương mại đã giao chỉ tiêu hợp đồng và doanh thu phí bảo hiểm cho nhân viên.
Ngân hàng thương mại là một định chế đặc biệt, trong mối quan hệ vay vốn với ngân hàng thì người đi vay cơ bản là yếu thế. Vì vậy, để tránh xung đột lợi ích và bảo vệ người đi vay, quy định cho ngân hàng thương mại làm đại lý bảo hiểm cần được cân nhắc, nhất là bảo hiểm nhân thọ”, đại biểu Phạm Văn Thịnh nói.
Quy định chặt chẽ về bảo mật thông tin khách hàng
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh) dẫn quy định tại Điều 14 về bảo mật thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng. Theo đại biểu, thông lệ quốc tế thì có một số ngành nghề mà bí mật thông tin khách hàng được bảo vệ rất nghiêm ngặt bằng Hiến pháp và bằng luật như ngành ngân hàng, ngành y và nghề luật sư.
Vì bí mật của ngành ngân hàng như là một số bí mật khác, thuộc về bí mật đời tư, bí mật gia đình, bí mật riêng tư và bảo vệ bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là một quyền con người được ghi nhận trong công ước quốc tế, Việt Nam là thành viên, đồng thời, được ghi nhận trong Hiến pháp 2013.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị quy định chặt chẽ về bảo mật thông tin khách hàng. Ảnh: QH |
“Nhưng ở đây chuyện cung cấp thông tin khách hàng của ngân hàng thì rõ ràng đây là hạn chế quyền con người được bảo vệ thông tin, ở Điều 14 chúng ta lại quy định là theo quy định của Chính phủ, hoặc là theo quy định của pháp luật là không đầy đủ. Ngân hàng cũng cần phải cạnh tranh quốc tế, chúng ta hội nhập rất sâu rồi, cho nên quy định bảo vệ thông tin khách hàng càng chặt chẽ thì uy tín càng cao và ngân hàng của chúng ta càng phát triển”, đại biểu nói.
Vì vậy, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị sửa lại Điều 14 là chỉ cung cấp thông tin khách hàng theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng và các luật có liên quan, chứ không phải là pháp luật. Đồng thời, chỉ yêu cầu cung cấp thông tin đối với những khách hàng có liên quan đến những vụ án đang được khởi tố, điều tra và những nội dung yêu cầu cũng là cần thiết cho việc điều tra.
“Điều 10 Nghị định 117 quy định diện được yêu cầu cung cấp thông tin mở rộng đến thành viên Đoàn thanh tra của Chính phủ, thành viên Đoàn kiểm toán, với các cơ quan điều tra thì mở rộng xuống cấp huyện, các cơ quan có nhiệm vụ điều tra như kiểm ngư, kiểm lâm, hải quan… tính ra phải hàng chục ngàn người có thẩm quyền yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng.
Đề nghị thiết kế lại, nếu được đưa vào luật này những đối tượng nào được yêu cầu. Với các cơ quan thì thủ trưởng hoặc phó thủ trưởng mới được ký công văn yêu cầu chứ không mở rộng xuống thành viên Đoàn thanh tra, thành viên Đoàn kiểm toán cũng được yêu cầu”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị.
Không quy định Ngân hàng Nhà nước có thẩm quyền điều tra
Giám đốc Công an thành phố Hà Nội - đại biểu Nguyễn Hải Trung cho rằng, Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng quy định cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cung cấp thông tin khách hàng nhưng việc cung cấp thông tin, tài liệu chưa đáp ứng yêu cầu về mặt thời gian trong thực tiễn của công tác phòng, chống tội phạm, nhất là phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, lừa đảo trên không gian mạng.
Giám đốc Công an thành phố Hà Nội - đại biểu Nguyễn Hải Trung phát biểu thảo luận. Ảnh: QH |
Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm, đại biểu Nguyễn Hải Trung cho rằng cần thiết ban hành quy định và rút ngắn về thời gian cung cấp thông tin tài khoản khách hàng để phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và có thể giao Chính phủ nghiên cứu quy định chi tiết về nội dung này sau khi Luật được ban hành.
Đáng quan tâm, Giám đốc Công an Hà Nội đề nghị không quy định Ngân hàng Nhà nước có thẩm quyền điều tra vi phạm pháp luật về lĩnh vực ngân hàng như quy định tại Khoản 1 Điều 191 dự thảo Luật. “Hoạt động điều tra thuộc hệ thống các cơ quan tư pháp được quy định trong Hiến pháp, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, trong đó không quy định Ngân hàng Nhà nước thuộc cơ quan điều tra hay cơ quan được giao một số hoạt động điều tra”, đại biểu Nguyễn Hải Trung đề nghị.
Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết (Đoàn ĐBQH thành phố Hồ Chí Minh) cũng cho rằng quy định về thẩm quyền kiểm tra, thanh tra, điều tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước trong dự thảo Luật là một chế định mới hoàn toàn so với luật hiện hành, cần cẩn trọng xem xét.
“Các thiết chế của bộ máy nhà nước chúng ta hiện nay cũng đã đủ công cụ và độc lập cho việc tổ chức điều tra vi phạm pháp luật về ngân hàng, cụ thể là cơ quan điều tra của Bộ Công an. Việc quy định thêm nhiệm vụ này trong luật cần được đánh giá và cân nhắc, bởi việc điều tra nên được giao cho một cơ quan chức năng độc lập có đủ bộ máy, nhân lực, nghiệp vụ hơn là giao cho cơ quan Ngân hàng Nhà nước.
Cơ quan Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện công tác thanh tra, giám sát. Qua thanh tra, giám sát, nếu phát hiện dấu hiệu hình sự thì có thể chuyển sang cơ quan điều tra của Bộ Công an”, đại biểu đề nghị.