Cục Thuế Hà Nội sẽ "mạnh tay" với hoạt động thương mại điện tử
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền
Sự phát triển bùng nổ cùng nhiều hình thức mới của hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) đã đặt ra nhiều thách thức với cơ quan thuế trong công tác quản lý thuế, nhất là việc người kinh doanh lợi dụng các kẽ hở về quản lý để trốn thuế. Để đảm bảo công bằng về nghĩa vụ thuế, tránh gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước trong lĩnh vực này cần đòi hỏi sự vào cuộc của nhiều cơ quan chức năng, trong đó, ngành Thuế đóng vai trò chủ chốt và quan trọng nhất.
Theo quy định Luật Quản lý thuế hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân trước khi bắt đầu hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc có phát sinh nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước phải thực hiện đăng ký thuế và được cơ quan thuế cấp mã số thuế; có trách nhiệm khai thuế chính xác, trung thực, đầy đủ và nộp hồ sơ thuế, tiền thuế đúng hạn; chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, đầy đủ của hồ sơ thuế theo quy định.
Trong thời gian qua, hoạt động kinh doanh thương mại điện tử có sự phát triển mạnh mẽ, đa dạng, đặc biệt trên các nền tảng mạng internet, mạng xã hội Facebook, YouTube, Google, Tiktok...
Đây là phương thức kinh doanh khá mới nhưng nhiều tiềm năng trong tương lai, mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp, người tiêu dùng và cả nền kinh tế.
Chính sự phát triển nhanh chóng, bùng nổ cùng nhiều hình thức mới hết sức đa dạng nêu trên của TMĐT đã đặt ra những thách thức mới, không nhỏ đối với cơ quan thuế trong công tác quản lý thuế.
Tuy nhiên hiện nay, số thuế thu từ lĩnh vực này chưa tương xứng với doanh thu của các nền tảng kinh doanh trong nước và xuyên biên giới ở Việt Nam, có thể gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước, tạo tình trạng bất bình đẳng giữa những người kinh doanh.
Trên cơ sở phân tích đặc điểm hoạt động kinh doanh TMĐT của nhóm đối tượng trên, Cục thuế TP Hà Nội đã hoạch định các chương trình, kế hoạch triển khai công tác quản lý thu thuế đối với hoạt động kinh doanh bán hàng online đồng thời thực hiện nhiều biện pháp quản lý nhằm tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế nắm bắt, thực hiện đúng quy định của pháp luật với mục tiêu vừa tạo thuận lợi cho người nộp thuế (NNT), vừa đảm bảo ngăn ngừa, phòng chống được các hệ quả tiêu cực của TMĐT, mở rộng cơ sở thu thuế.
Trụ sở Cục Thuế thành phố Hà Nội |
Cụ thể, trong công tác tuyên truyền, hỗ trợ, phổ biến các quy định, chính sách thuế được đẩy mạnh đến NNT có phát sinh hoạt động kinh doanh bán hàng online, Cục Thuế thành phố Hà Nội đã đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền nhằm truyền tải các nội dung đến NNT để nắm bắt và thực hiện kê khai, nộp thuế đúng quy định của pháp luật. Công tác tuyên truyền được triển khai rộng khắp kênh thông tin truyền thông của Cục Thuế thành phố Hà Nội như website, facebook, zalo, youtube và tuyên truyền thông qua việc gửi thư ngỏ đến người nộp thuế.
Song song với đó, Cục thuế thành phố Hà Nội cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức triển khai công tác tập huấn cho NNT, hỗ trợ, tiếp nhận hồ sơ đăng ký, kê khai và nộp thuế của cá nhân phát sinh hoạt động TMĐT, phân công nhiệm vụ cụ thể tới từng bộ phận. Trong đó, trọng tâm công tác hỗ trợ người nộp thuế thông qua việc cử cán bộ chuyên trách am hiểu về các nội dung đăng ký thuế, kê khai thuế, nộp thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT và cử cán bộ trực đường dây nóng, tiếp nhận các thông tin phản ánh từ NNT để hỗ trợ, tận tình hướng dẫn, giải thích cho cá nhân, hộ kinh doanh hiểu, thực hiện.
Đặc thù của hoạt động kinh doanh thương mại điện tử là hình thức kinh doanh dựa trên hạ tầng về công nghệ thông tin, do đó cơ quan thuế cũng cần sử dụng công nghệ thông tin như một công cụ hữu hiệu để quản lý thuế đối với hoạt động này. Do đó, từ năm 2017, Cơ quan thuế đã áp dụng phương thức giao tiếp mới với người nộp thuế, đó là gửi tin nhắn SMS và thu thập thông tin người bán hàng qua internet.
Vẫn còn nhiều khó khăn
Xuất phát từ thực tiễn công tác quản lý, kiểm soát bán hàng cũng như thu thuế các sản phẩm bán trên sàn TMĐT, các trang mạng xã hội, trao đổi với PV Báo Lao động Thủ đô, Cục Thuế thành phố Hà Nội cho biết hiện vẫn đang tồn tại một số vướng mắc và khó khăn như sau:
Thứ nhất, địa điểm kinh doanh của các cá nhân bán hàng online thường xuyên thay đổi địa điểm bán hàng, không có cửa hàng, cửa hiệu cố định, ngoài ra chủ thể tham gia kinh doanh TMĐT không cần đến cửa hàng, cửa hiệu theo cách truyền thống, các giao dịch hoàn toàn thực hiện bằng phương thức điện tử, máy chủ có thể đặt tại nước ngoài, một số cá nhân, hộ kinh doanh có thể có nhiều gian hàng trên một sàn giao dịch TMĐT và cùng lúc trên nhiều sàn giao dịch TMĐT, trên nhiều trang mạng xã hội do đó, khó khăn trong công tác rà soát, kiểm đếm các đối tượng kinh doanh và giao dịch kinh doanh để quản lý đối tượng thu thuế đối với hoạt động kinh doanh, bán hàng online.
Thứ hai, việc kiểm soát dòng tiền cũng không hề dễ dàng dẫn đến khó xác định doanh thu bán hàng của người nộp thuế. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế số thì những phương thức thanh toán không dùng tiền mặt cũng rất đa dạng như thanh toán qua ngân hàng, thanh toán điện tử, thanh toán ngang hàng (P2P)… Ở Việt Nam, việc kiểm soát giao dịch kinh doanh TMĐT trong nước khó khăn hơn khi mà hệ thống thanh toán theo hình thức COD (trả tiền mặt khi giao hàng) được áp dụng phổ biến hơn các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Thứ ba, mặc dù cơ quan Thuế đã thực hiện tuyên truyền về chính sách pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một bộ phận cá nhân không tuân thủ các quy định của pháp luật để thực hiện các nghĩa vụ về đăng ký thuế, kê khai, nộp thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế và Luật Thuế TNCN.
Trước những khó khăn nêu trên trong công tác quản lý thuế đối với cá nhân, hộ kinh doanh bán hàng online, ngành thuế nói chung và Cục Thuế thành phố Hà Nội nói riêng đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, mạnh mẽ. Đặc biệt là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để phù hợp với phương thức kinh doanh này.
Cụ thể, bám sát các chỉ đạo của Tổng cục Thuế, Cục Thuế thành phố Hà Nội đã và đang quyết liệt triển khai nhiều giải pháp như sau:
Một là, tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế là cá nhân kinh doanh TMĐT kê khai, nộp thuế theo quy định; phối hợp, hướng dẫn các nhà cung cấp nước ngoài tuân thủ pháp luật khi hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.
Hai là, tích cực, chủ động, đa dạng các hình thức hỗ trợ người nộp thuế trong quá trình thực hiện chính sách thuế và các thủ tục hành chính thuế. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền hỗ trợ, đáp ứng nhu cầu giao tiếp, trao đổi trên các nền tảng số của người nộp thuế.
Ba là, tiếp tục đẩy mạnh phối hợp, trao đổi, kết nối thông tin, chia sẻ dữ liệu với các Bộ, cơ quan liên quan; Trong đó, đẩy mạnh phối hợp chặt chẽ với các ngân hàng thương mại, trung gian thanh toán, trung gian vận chuyển để xác định và kiểm soát dòng tiền của các trường hợp có phát sinh thu nhập từ hoạt động thương mại điện tử. Tiếp tục hoàn thiện việc xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý thuế đối với TMĐT, áp dụng các công nghệ hiện đại, phương pháp quản lý rủi ro đối với hoạt động TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số.
Bốn là, chủ động tiếp nhận, tổng hợp vướng mắc trong quá trình thực hiện để đề xuất, kiến nghị cơ quan cấp trên sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật nhằm hoàn thiện khung pháp lý chặt chẽ để điều chỉnh các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh thương mại điện tử và các bên liên quan.
Năm là, tăng cường thanh tra, kiểm tra thuế hoặc chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra đối với các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh có hoạt dộng kinh doanh thương mại điện tử có dấu hiệu rủi ro, chây ỳ, gian lận thuế, không chấp hành quy định pháp luật. Tăng cường công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT, kinh doanh xuyên biên giới.
Với những giải pháp triển khai nêu trên, công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT của Cục Thuế thành phố Hà Nội trong thời gian vừa qua đã đạt được một số kết quả khả quan.
Các cá nhân, hộ kinh doanh đã tiếp cận, nắm bắt thông tin, hiểu và thực hiện các nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật, số lượng hộ, cá nhân kinh doanh chủ động tuân thủ nghĩa vụ thuế tăng qua các năm.
Về mặt quản lý, Cục thuế TP Hà Nội đã bao quát đầy đủ các nhóm đối tượng phát sinh hoạt động kinh doanh TMĐT, phương thức thu thập dữ liệu bài bản, chặt chẽ, đáp ứng được yêu cầu quản lý.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, số thu từ các doanh nghiệp, cá nhân/hộ kinh doanh có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử là 9.649 tỷ đồng trong đó số thu từ hộ kinh doanh, cá nhân đạt 130 tỷ, bằng 121% so với cùng kỳ ; số thu từ doanh nghiệp đạt 9.519 tỷ đồng, bằng 158.6% so với số cùng kỳ.