Cho phép Văn phòng công chứng hoạt động theo mô hình doanh nghiệp tư nhân
Việc hợp danh còn mang tính hình thức
Đây là thông tin được đưa ra tại phiên họp của Ban soạn thảo dự án Luật Công chứng (sửa đổi), do Bộ Tư pháp vừa tổ chức.
Trong hơn 8 năm thi hành Luật Công chứng năm 2014, các tổ chức hành nghề công chứng trên cả nước đã thực hiện hơn 41 triệu việc công chứng; tổng số phí thu được hơn 13 nghìn tỷ đồng, thù lao thu được hơn 2 nghìn tỷ đồng; tổng số tiền nộp thuế và nộp ngân sách nhà nước hơn 2,3 nghìn tỷ đồng.
Các việc công chứng hợp đồng, giao dịch về đất đai, nhà ở, bất động sản và tài sản quan trọng khác chiếm tỷ lệ từ 70-80% số việc công chứng và giá trị phí, thù lao công chứng, góp phần bảo đảm an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch đối với những tài sản có giá trị lớn, đóng vai trò là phương tiện sản xuất cơ bản trong nền kinh tế.
Việc công chứng các hợp đồng, giao dịch về đất đai, nhà ở còn góp phần quan trọng trong công tác quản lý nhà nước đối với quá trình chuyển quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất, tránh thất thoát nguồn thu thuế, giảm gánh nặng cho cơ quan tiến hành tố tụng thông qua việc giảm thiểu số lượng và quy mô tranh chấp phát sinh từ việc thực hiện các giao dịch liên quan...
Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, thực tiễn triển khai thực hiện Luật Công chứng năm 2014 cũng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần được khắc phục. Đó là Luật Công chứng hiện hành còn thiếu các quy định thể hiện rõ mô hình công chứng nước ta là công chứng nội dung (xác định tính hợp pháp, tính xác thực của hợp đồng, giao dịch).
Toàn cảnh phiên họp. |
Chất lượng đội ngũ công chứng viên còn chưa đồng đều, một bộ phận công chứng viên còn hạn chế về trình độ chuyên môn, tính chuyên nghiệp chưa cao; còn tình trạng vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức hành nghề, cạnh tranh không lành mạnh, chạy theo lợi nhuận gây ảnh hưởng đến hình ảnh của nghề công chứng và uy tín của đội ngũ công chứng viên trong xã hội. Việc hợp danh của công chứng viên tại văn phòng công chứng ở một số địa phương còn mang tính hình thức.
Sau khi Quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng bị bãi bỏ, xuất hiện xu hướng hàng loạt văn phòng công chứng xin chuyển về các đô thị hoặc khu trung tâm của huyện, thị xã dẫn đến tình trạng một số tỉnh, thành phố tại một số địa bàn cấp huyện không có văn phòng công chứng hoạt động; một số văn phòng công chứng chỉ có 1 công chứng viên hành nghề thực tế, công chứng viên hợp danh còn lại chỉ đứng danh...
Giải quyết 5 nhóm chính sách lớn
Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp Lê Xuân Hồng cho biết, dự án Luật dự kiến gồm 11 Chương với 90 Điều, tập trung giải quyết 5 nhóm chính sách lớn, nhằm nhắc phục những hạn chế, bất cập về thể chế, tạo cơ sở pháp lý cho bước phát triển mới của hoạt động công chứng theo chủ trương xã hội hóa, chuyển đổi số, nâng cao chất lượng và tính bền vững của hoạt động công chứng, từng bước phát triển nghề công chứng Việt Nam phù hợp với thông lệ quốc tế.
Trong đó, về tổ chức, hoạt động của Văn phòng công chứng, dự thảo Luật hiện nay đang được xây dựng theo hướng Văn phòng công chứng được tổ chức theo loại hình công ty hợp danh. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, cần mở rộng thêm loại hình doanh nghiệp tư nhân.
Vì, việc cho phép có thêm loại hình doanh nghiệp tư nhân sẽ phù hợp với những địa bàn vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và góp phần hạn chế tình trạng tranh chấp nội bộ giữa các thành viên hợp danh và tình trạng “mượn danh” đang xảy ra như hiện nay; bảo đảm sự đồng bộ với các nghề bổ trợ tư pháp khác như luật sư, đấu giá tài sản.
Đối với tên gọi của Văn phòng công chứng, một số ý kiến cho rằng, quy định hiện hành bộc lộ nhiều điểm vướng mắc, bất cập, nên cho phép Văn phòng công chứng đặt tên theo thỏa thuận giữa các thành viên hợp danh, bảo đảm không trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của tổ chức hành nghề công chứng khác, không vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mĩ tục của dân tộc.
Bên cạnh đó, về vấn đề công chứng điện tử, các đại biểu cơ bản đều nhất trí rằng dự án Luật chỉ nên quy định những vấn đề cơ bản nhất liên quan đến công chứng điện tử như khái niệm, quy trình, giá trị pháp lý của văn bản công chứng điện tử... còn các vấn đề cụ thể về điều kiện cung cấp dịch vụ công chứng điện tử, thủ tục công chứng điện tử, việc xây dựng, quản lý khai thác cơ sở dữ liệu công chứng, lộ trình thực hiện thì sẽ giao cho Chính phủ quy định…
Kết luận phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đề nghị Tổ biên tập phải xác định đúng phạm vi hoạt động công chứng và phạm vi thẩm quyền của công chứng viên; tăng cường trách nhiệm và siết chặt quản lý đối với đội ngũ công chứng viên, từ đó xây dựng quy trình bổ nhiệm công chứng viên cho phù hợp; đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trách nhiệm nghề công chứng viên để đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ.
Về hoạt động công chứng điện tử, Bộ trưởng cơ bản thống nhất với các quy định nguyên tắc cơ bản tại dự án Luật; đồng thời đề nghị Tổ biên tập giải trình cụ thể việc mở rộng loại hình tổ chức Văn phòng công chứng để có thêm phương án lựa chọn; làm rõ quy định mức trần về phí, thù lao công chứng và các chi phí khác…