Đề xuất chuyển phí, thù lao công chứng thành giá dịch vụ công chứng theo cơ chế giá
Cần công chứng để đảm bảo quyền lợi của các bên mua bán bất động sản |
Công chứng góp phần hạn chế các tranh chấp phát sinh |
Góp phần bảo đảm an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch
Qua hơn 8 năm thi hành Luật Công chứng năm 2014, Bộ Tư pháp cho biết, hoạt động công chứng có nhiều bước tiến mới. Đội ngũ công chứng viên (CCV) và tổ chức hành nghề công chứng ngày càng phát triển với số lượng CCV tăng khoảng gần 2,7 lần, số lượng tổ chức hành nghề tăng hơn 2 lần. Trong hơn 8 năm qua, các tổ chức hành nghề công chứng trên cả nước đã thực hiện hơn 41 triệu việc công chứng; nộp thuế và nộp ngân sách nhà nước hơn 2,3 nghìn tỷ đồng.
Các việc công chứng hợp đồng, giao dịch về đất đai, nhà ở, bất động sản và tài sản quan trọng khác đã góp phần bảo đảm an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch đối với những tài sản có giá trị lớn, đóng vai trò là phương tiện sản xuất cơ bản trong nền kinh tế.
Đồng thời, việc công chứng các hợp đồng, giao dịch về đất đai, nhà ở còn góp phần quan trọng trong công tác quản lý nhà nước đối với quá trình chuyển quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất, tránh thất thoát nguồn thu thuế, giảm gánh nặng cho cơ quan tiến hành tố tụng thông qua việc giảm thiểu số lượng và quy mô tranh chấp phát sinh từ việc thực hiện các giao dịch liên quan...
Ảnh minh họa. Ảnh: theo Minh Hiển/VGP |
Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, thực tiễn triển khai thực hiện Luật Công chứng năm 2014 cũng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần được khắc phục. Đó là Luật Công chứng hiện hành còn thiếu các quy định thể hiện rõ mô hình công chứng nước ta là công chứng nội dung (xác định tính hợp pháp, tính xác thực của hợp đồng, giao dịch).
Chất lượng đội ngũ CCV còn chưa đồng đều, một bộ phận CCV còn hạn chế về trình độ chuyên môn, tính chuyên nghiệp chưa cao; còn tình trạng vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức hành nghề, cạnh tranh không lành mạnh, chạy theo lợi nhuận gây ảnh hưởng đến hình ảnh của nghề công chứng và uy tín của đội ngũ CCV trong xã hội.
Sau khi Quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng bị bãi bỏ, xuất hiện xu hướng hàng loạt Văn phòng công chứng xin chuyển về các đô thị hoặc khu trung tâm của huyện, thị xã dẫn đến tình trạng một số tỉnh, thành phố tại một số địa bàn cấp huyện không có Văn phòng công chứng hoạt động.
Theo quy định của Luật Công chứng hiện hành, phạm vi công chứng gồm 2 nhóm việc là công chứng hợp đồng, giao dịch và công chứng bản dịch. Tuy nhiên, quy định về công chứng bản dịch không phù hợp với yêu cầu trình độ của đội ngũ CCV. Việc CCV phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của nội dung bản dịch vừa đặt CCV vào tình thế phải chịu trách nhiệm về một việc họ không kiểm soát được, vừa tạo sự chồng chéo, trùng lặp về chế độ trách nhiệm giữa CCV và cộng tác viên dịch thuật đối với nội dung bản dịch.
Lời chứng không được trừ trách nhiệm của công chứng viên
Để khắc phục tình trạng nêu trên, dự thảo Luật xác định lại phạm vi công chứng theo hướng quy định công chứng là việc CCV chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của giao dịch dân sự bằng văn bản. Như vậy, việc chứng nhận bản dịch không còn thuộc phạm vi khái niệm công chứng. Thay vì chứng nhận bản dịch theo trình tự công chứng thì CCV chứng thực chữ ký người dịch theo quy định pháp luật chứng thực.
Dự thảo Luật quy định đối với những địa bàn cấp huyện đã phát triển được tổ chức hành nghề công chứng thì việc chứng nhận giao dịch do các tổ chức hành nghề công chứng thực hiện; tại những địa phương này các Phòng Tư pháp, UBND cấp xã không chứng thực hợp đồng, giao dịch như hiện nay.
Đồng thời, bổ sung quy định CCV có nghĩa vụ từ chối công chứng trong trường hợp giao dịch vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội và các trường hợp khác theo quy định của Luật.
Dự thảo Luật có cách tiếp cận mới đối với vấn đề phí công chứng và thù lao công chứng. Cụ thể, phí công chứng theo Luật Công chứng hiện hành sẽ chuyển thành giá dịch vụ công chứng theo cơ chế giá và do Bộ Tư pháp quy định khung giá; thù lao công chứng chuyển thành giá dịch vụ theo yêu cầu liên quan đến việc công chứng cũng theo cơ chế giá và do UBND cấp tỉnh quy định mức trần, còn chi phí công chứng thì cơ bản giữ nguyên nhưng được bổ sung thêm chi phí niêm yết việc thụ lý công chứng.
Về lời chứng, dự thảo Luật quy định CCV không được đưa vào lời chứng những nội dung nhằm trốn tránh, loại trừ trách nhiệm của mình hoặc có nội dung vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội. Quy định này nhằm ngăn chặn tình trạng trên thực tế một số CCV cố tình trốn tránh trách nhiệm của mình bằng việc đưa vào lời chứng những nội dung theo hướng các bên hoàn toàn chịu trách nhiệm về hợp đồng, giao dịch, không yêu cầu CCV chịu trách nhiệm hoặc bồi thường…