Bảo vệ môi trường gắn với phát triển bền vững
Cần giải pháp đồng bộ để sớm giải quyết ô nhiễm sông Cầu Bây Hà Nội phê duyệt danh mục 3.164 hồ, ao, đầm không được san lấp Bắt quả tang xe ô tô xả trộm chất thải ra môi trường tại huyện Đông Anh |
Hội thảo “Môi trường, nước và xử lý nước” là một trong bốn nội dung chính của các phiên thảo luận tại Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam - Pháp lần thứ 12.
Trong khuôn khổ hội thảo, đại biểu các địa phương hai nước Việt Nam - Pháp đã cùng trao đổi, tiếp thu những bài học kinh nghiệm, các ý tưởng của địa phương trong lĩnh vực phát triển đô thị bền vững.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Đinh Luyện |
Tại hội thảo, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường cho biết, bảo vệ môi trường, gắn với phát triển bền vững đã trở thành một trong những trọng tâm, nội dung quan trọng trong các chương trình nghị sự của Đảng, Nhà nước.
Tư duy bảo vệ môi trường đã chuyển từ bị động ứng phó, khắc phục sang chủ động phòng ngừa, kiểm soát, phục hồi, các hệ sinh thái môi trường. Với tinh thần chủ động đó, Việt Nam đã có khoảng 90 đối tác hợp tác song phương; tham gia hơn 100 khuôn khổ hợp tác đa phương về tài nguyên, môi trường và khí hậu.
“Riêng với Pháp, cùng với sự phát triển tốt đẹp trong quan hệ song phương, hợp tác phát triển bền vững, trong đó có việc bảo vệ môi trường được xem là một trong những điểm nhất nổi bật.
Tuyên bố chung Việt Nam - Pháp vào tháng 11/2021 nhân chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đến Pháp đã khẳng định cam kết của hai nước chúng ta về quyết tâm thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Trong nỗ lực này, vai trò của Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) rất quan trọng”, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh.
Hội thảo “Môi trường, nước và xử lý nước” là một trong bốn nội dung chính của các phiên thảo luận tại Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam - Pháp lần thứ 12. Ảnh: Đinh Luyện |
Theo đại diện thành phố Hồ Chí Minh, trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu vào nền kinh tế toàn cầu, thành phố Hồ Chí Minh đang ưu tiên phát triển các ngành có giá trị gia tăng cao, sử dụng năng lượng tái tạo, công nghệ thân thiện với môi trường...
“Với thế mạnh về kinh nghiệm và công nghệ môi trường hiện đại, các địa phương Pháp, các nhà đầu tư Pháp luôn được xem là các đối tác tin cậy của các địa phương Việt Nam trong nỗ lực phát triển bền vững”, ông Bùi Xuân Cường chia sẻ.
Đáng chú ý, với quan điểm phát triển kinh tế vùng gắn liền với nhiệm vụ quản lý kinh tế quốc gia, đại diện thành phố Hồ Chí Minh thông tin, Việt Nam hiện có bốn vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, miền Trung, phía Nam và đồng bằng sông Cửu Long với tổng số 24 tỉnh, thành phố và được xác định là các vùng động lực làm đầu tàu kéo theo sự phát triển của các vùng khác trên cả nước.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại hội thảo. Ảnh: Đinh Luyện |
Trong bối cảnh đó, liên kết bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu không chỉ là bài toán của một địa phương riêng lẻ mà liên kết nội vùng và liên vùng hiện trở thành yếu tố tất yếu của quá trình phát triển, đặc biệt là phát triển bền vững, là tiền đề cho nhu cầu mở rộng quy mô kinh tế cũng như tính lan tỏa phát triển của các địa phương trong vùng và giữa các vùng với nhau.
Đến nay, nhiều địa phương Việt Nam đã chủ động hợp tác với các địa phương lân cận trong công tác bảo vệ môi trường, kiểm soát ô nhiễm lưu vực sông, khai thác sử dụng các nguồn nước liên tỉnh; Hình thành nhiều mô hình liên kết bảo vệ hành lang đa dạng sinh học và vùng đệm trong các khu bảo tồn thiên nhiên…
Việc đẩy mạnh triển khai các mô hình liên kết, hợp tác trong bảo vệ môi trường đã nâng cao năng lực dự báo, tăng cường khả năng phòng ngừa, góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên trong vùng và trên phạm vi cả nước.
Đại biểu trao đổi tại hội thảo. Ảnh: Đinh Luyện |
Tại hội thảo, nhiều tham luận đã gây được sự chú ý như: Cải thiện chất lượng không khí; Chống biến đổi khí hậu; Xử lý chất thải rắn; Xử lý nước và cấp nước sạch; Giảm thiểu và tái chế rác; Kinh tế tuần hoàn…
Đại diện thành phố Hà Nội cũng chia sẻ tham luận liên quan đến việc chung tay hợp tác cải thiện chất lượng không khí.
Theo đó, trong những năm qua, Hà Nội đã nghiên cứu, xây dựng và triển khai nhiều chính sách để cải thiện chất lượng không khí như Chỉ thị 15/CT-UBND về việc thay thế và loại bỏ toàn bộ việc sử dụng than tổ ong trong sinh hoạt và kinh doanh dịch vụ; Chỉ thị số 19/CT-UBND về các biện pháp khắc phục, hạn chế ô nhiễm, cải thiện chỉ số chất lượng không khí trên địa bàn thành phố; Nghiên cứu xây dựng Kế hoạch quản lý chất lượng không khí.