Bảo đảm giao thông dịp cuối năm
Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội thông tin, Thành phố hiện có hơn 8 triệu phương tiện đăng ký, gồm 1,1 triệu ô tô, hơn 6,7 triệu xe máy, 200 nghìn xe đạp điện và chưa kể 1,2 triệu phương tiện của tỉnh, thành phố khác lưu thông trên địa bàn.
Trong khi đó, tỷ lệ đất dành cho giao thông Hà Nội hiện nay chỉ đạt từ 12% đến 13% (theo quy hoạch, ít nhất phải đạt từ 20% đến 26%); tỷ lệ đất dành cho giao thông tĩnh chưa đạt 1% (theo quy hoạch, phải đạt từ 3% đến 4%).
Cuối năm, mật độ phương tiện giao thông Thủ đô tăng cao. Ảnh: Đinh Luyện |
Thực tế đó dẫn đến các tuyến đường, nút giao có mật độ người lưu thông rất lớn, có tuyến vượt 8 lần thiết kế như tại đường Vành đai 3 trên cao, cầu Chương Dương, đoạn qua cầu Thanh Trì; các tuyến đường như Nguyễn Trãi vượt từ 3,3 đến 5,6 lần vào giờ cao điểm; đường Tố Hữu, Lê Văn Lương vượt từ 1,6 đến 1,7 lần.
Ngoài ra, ý thức của một bộ phận người dân khi tham gia giao thông chưa cao; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, khép kín theo quy hoạch; các công trình thi công gây thu hẹp mặt cắt các tuyến đường; tuyến đường có nhiều giao cắt với các ngõ, đường ngang gây xung đột dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông.
Trước tình hình này, các lực lượng chức năng của thành phố đã chủ động triển khai các nhiệm vụ. Thanh tra Sở GTVT Hà Nội cho biết, đơn vị đã bố trí lực lượng tại 106 vị trí có nguy cơ xảy ra ùn ứ giao thông, huy động 212 thanh tra viên/ngày trực, sáng từ 6 giờ đến 8 giờ 30 phút, chiều từ 16 giờ 30 phút đến 19 giờ.
Đối với các vị trí bố trí lực lượng bảo đảm giao thông, ngoài khung giờ quy định, đội trưởng các đơn vị có trách nhiệm chủ động nắm bắt diễn biến tình hình giao thông để kịp thời bố trí lực lượng bảo đảm giao thông, không để ùn tắc giao thông xảy ra trên các tuyến đường.