Ba Vì: Chủ động ứng phó với bão số 3
Ngày 6/9, Ban Thường vụ Huyện ủy Ba Vì tổ chức họp, nghe Ủy ban nhân dân (UBND) huyện báo cáo tình hình và công tác chuẩn bị ứng phó với cơn bão số 3 (bão YAGI) trên địa bàn huyện.
Theo đó, qua thông tin của Đài khí tượng thủy văn khu vực Đồng bằng và Trung du Bắc bộ, hiện nay, cơn bão số 3 (bão YAGI) đang trên vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông; sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 15 (167-183km/h), giật trên cấp 17, di chuyển theo hướng Tây, tốc độ khoảng 10km/h; dự báo từ ngày 7/9 đến ngày 9/9 sẽ đổ bộ vào khu vực miền Bắc nước ta.
Dự báo bão YAGI sẽ gây ảnh hưởng đến Hà Nội. |
Do ảnh hưởng của bão YAGI, dự báo trên địa bàn thành phố Hà Nội có mưa to đến rất to và dông; trong mưa dông có gió giật mạnh có thể gây tốc mái, hư hại nhà cửa, đổ gãy cây, hư hỏng cơ sở hạ tầng; đặc biệt khu vực huyện Ba Vì dự báo lượng mưa lớn từ 200 - 300mm, có thể gây ra sạt lở đất, đá, ngập úng các khu vực trũng; lũ tại các khu vực miền núi, nguy cơ ảnh hưởng lớn đến đời sống, sản xuất của Nhân dân, nhất là đối với diện tích lúa vụ mùa đang chuẩn bị thu hoạch.
Để chủ động ứng phó với cơn bão số 3 (YAGI), hạn chế mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản, lúa, hoa màu, cơ sở vật chất... của người dân trên địa bàn huyện do mưa bão gây ra; Ban Thường vụ Huyện ủy Ba Vì yêu cầu cấp ủy đảng, chính quyền, thủ trưởng các cơ quan đơn vị, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thành phố, của Huyện ủy, UBND huyện về thực hiện các biện pháp ứng phó với bão số 3; rà soát, bổ sung, sẵn sàng các phương án phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn đã được phê duyệt để ứng phó với bão YAGI; chú trọng tăng cường công tác tuyên truyền, cập nhật thông tin tình hình diễn biến cơn bão, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống thiên tai, mưa bão của cán bộ, đảng viên và nhân dân; tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác với diễn biến phức tạp của thiên tai, mưa bão; lấy phòng là chính.
UBND huyện chủ động xây dựng kế hoạch ứng phó với cơn bão số 3; kích hoạt phương án phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn đã phê duyệt. Chỉ đạo đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền trên hệ thống thông tin đại chúng, tuyên truyền lưu động để người dân nắm được diễn biến, tình hình và sự ảnh hưởng lớn của cơn bão; chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống, hạn chế thiệt hại do bão số 3 gây ra.
Chỉ đạo rà soát, bổ sung đầy đủ các trang thiết bị, phương tiện phòng, chống thiên tai theo phương châm “bốn tại chỗ”, “ba sẵn sàng” để kịp thời thực hiện các biện pháp ứng phó với các tình huống phức tạp xảy ra như: sạt lở đất, đá, tốc mái, sập nhà, ngập úng...; chỉ đạo triển khai các giải pháp bảo vệ, đảm bảo an toàn hệ thống đê, kè, kênh, mương, công trình thủy lợi, công trình điện, viễn thông, các dự án đang thi công...; chú ý chỉ đạo các địa phương, đơn vị, những nơi tiềm ẩn nguy cơ cao sạt lở đất như: khu vực đồi, núi, ta-luy, ven sông, suối; nhất là tại khu vực 7 xã miền núi, các xã gò đồi (Phú Sơn, Thái Hòa...), các xã ven sông (Phong Vân, Minh Châu..), tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện các điểm có nguy cơ sạt lở đất để có giải pháp phòng, chống sạt lở; kiên quyết yêu cầu người dân di dời ra khỏi các khu vực nguy cơ cao sạt lở đất, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân, xong trước 19h ngày 6/9.
Chỉ đạo các xã, thị trấn, cơ quan, đơn vị chủ động dự phòng các nhu yếu phẩm cần thiết, đáp ứng nhu cầu tối thiểu phục vụ đời sống nhân dân trong trường hợp khẩn cấp (ít nhất đủ dùng trong 7 ngày), nhất là tại xã đảo Minh Châu.
Chỉ đạo thực hiện nghiêm chế độ ứng trực, thông tin báo cáo với Ban thường vụ Huyện ủy về diễn biến tình hình của cơn bão để kịp thời chỉ đạo. Tăng cường kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống mưa bão, thiên tai tại cơ sở.
Các ban xây dựng Đảng Huyện ủy, Ủy ban MTTQ và các đoàn thể huyện tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đội ngũ cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và quần chúng Nhân dân nâng cao tinh thần cảnh giác (tuyệt đối không chủ quan) với các tình huống xấu của thiên tai, chủ động thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho gia đình và cộng đồng như: gia cố, chằng chống nhà cửa, công trình..., nhất là tập trung thu hoạch lúa, hoa màu, nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai. Sẵn sàng các phương án, kế hoạch để kịp thời hỗ trợ các khu vực người dân bị thiệt hại do mưa bão gây ra.