Ý thức cảnh giác là “bức tường lửa” ngăn chặn tín dụng đen
TRỰC TUYẾN: Các chính sách mới liên quan đến người lao động và nhận diện tín dụng đen Công đoàn Hà Nội giúp đoàn viên, người lao động tránh xa tín dụng đen Không để “tín dụng đen” còn đất sống |
Các hình thức cho vay lãi nặng hay còn gọi là tín dụng đen dù đã được cơ quan chức năng trấn áp nhưng loại tội phạm này luôn biến tướng tinh vi, khiến nhiều người vướng bẫy.
Nếu như trước kia những tờ giấy thông tin cho vay tiêu dùng với thủ tục đơn giản, nhanh gọn được dán ở các cột điện, thân cây, các điểm công cộng thì gần đây lại xuất hiện thêm những tờ rơi “hỗ trợ tài chính” được công khai phát ở một số tuyến đường từ thành thị đến nông thôn, cho vay qua app… Trong đó, nội dung ghi số điện thoại cần liên hệ hỗ trợ cho vay, đảm bảo thủ tục nhanh gọn, giải ngân trong ngày, có hoa hồng cho người giới thiệu.
Ảnh minh họa (Nguồn internet) |
Hiện nay tín dụng đen đang hoành hành dữ dội, tấn công vào các học sinh, sinh viên, công nhân lao động. Người lao động không phải ai cũng có thể tiếp cận các khoản vay chính thức từ ngân hàng vì lý do không có tài sản thế chấp. Khi xảy ra những vấn đề đột xuất, họ rất cần những khoản tiền để xử lý và đã tìm đến nguồn vay không chính thống.
Trên thực tế chưa có văn bản pháp lý nào quy định thế nào là tín dụng đen mà nó là hình thức cho vay không chính thức với lãi suất rất cao ở mức “cắt cổ”. Theo quy định của pháp luật, lãi suất cho vay không được quá 20% khoản vay đó, nếu vượt quá 5% trở lên mức 20% này là có dấu hiệu vi phạm Bộ luật hình sự.
Tín dụng đen là những hợp đồng cho vay bất hợp pháp, cho nên các đối tượng sẽ lách luật, không ghi rõ vào hợp đồng cho vay nhưng các khoản thu phụ phí lại rất cao. Đặc điểm nhận diện của tín dụng đen có thể nói, đó chính là loại hình cho vay không chính thức và lấy lãi rất cao, không cần tài sản thế chấp. Đây là hình thức cho vay tín chấp, thủ tục giải ngân nhanh, khoảng 10-20 phút sau khi thỏa thuận, lãi suất ngắn hạn thường tính theo ngày.
Tuy nhiên, do người vay không có tài sản thế chấp nên các đối tượng sẽ yêu cầu chụp Căn cước công dân, cho phép truy cập danh bạ, mạng xã hội… Nhiều người do túng quẫn đã thực hiện mọi yêu cầu của bên cho vay. Khi đến hạn nếu người vay chưa có khả năng trả thì lãi mẹ đẻ lãi con, số gốc và lãi rất lớn khiến người vay rơi vào vòng xoáy vô cùng mệt mỏi. Nhiều người đã phải đi vay ở app này để trả nợ cho app khác, vướng sâu vào nợ nần không lối thoát.
Với lãi suất không được pháp luật thừa nhận, khi nợ đến hạn, các đối tượng sẽ sử dụng các biện pháp không được pháp luật cho phép để đòi nợ. Ví dụ như gọi điện, khủng bố mạng, làm phiền các mối quan hệ trong danh bạ điện thoại của người vay nợ; quấy nhiễu và quấy rối cả những người không hề liên quan đến khoản nợ này. Truy cập tài khoản mảng xã hội, gán ghép hình ảnh gợi cảm để đưa lên mạng, tung lên các tài khoản của nhóm đòi nợ, tấn công về mặt danh dự nhân phẩm.
Hình thức đòi nợ thứ 2 là sử dụng các nhóm đòi nợ thuê đi siết nợ. Từ lúc công nghệ phát triển, hình thức cho vay qua app rất phổ biến. Người lao động chủ yếu vay trên ứng dụng điện thoại. Tín dụng đen len lỏi vào các ngóc ngách của đời sống. Các đối tượng tiếp thị ở khắp nơi mà người lao động thì có rất nhiều nhu cầu về tiền. Buộc phải đi vay tín dụng đen.
Trường hợp người vay bị các đối tượng sử dụng biện pháp bất hợp pháp để khống chế, Thượng tá Đào Trung Hiếu - Tiến sĩ Tội phạm học, Cục Truyền thông Bộ Công an chia sẻ: Trước tiên đã đi vay thì người vay phải có kế hoạch trả nợ đúng hạn. Nếu không trả được nợ, tuyệt đối không vay từ app này để trả nợ cho app khác. Nếu bị de dọa, phải ghi lại các bằng chứng liên quan và trình báo cơ quan chức năng. Trường hợp bị quấy rối làm nhục trên mạng, người dân phải lưu lại bằng chứng, nhắn tin yêu cầu đối tượng gỡ bỏ trên mạng, gửi các bằng chứng đến cơ quan công an. Thực tế thời gian qua, từ đơn trình báo của người dân, nhiều đường dây cho vay nặng lãi đã bị triệt phá.
Để bảo vệ người dân trước tín dụng đen, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh truyền thông và thay đổi hành vi. Khi tội phạm xảy ra thì chi phí xử lý tốn kém, bởi vậy phòng ngừa chủ động là hết sức quan trọng.
“Hiện nay người dân phải đối mặt với tín dụng đen nói riêng và các trò lừa đảo trên mạng nói chung. Bởi vậy, người dân cần hiểu, trên mạng sẽ có lừa đảo mạo danh, lừa đảo chiếm đoạt tài khoản và loại cuối cùng là kết hợp của 2 loại trên. Chúng ta cần có kỹ năng sử dụng mạng xã hội an toàn.
Trong đó, không dễ tin bất cứ điều gì đọc được, thấy được, nghe được trên mạng xã hội hoặc qua điện thoại; rèn kỹ năng kiểm chứng thông tin bằng các nguồn khác nhau; nên thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình an ninh trật tự để đúc rút ra những kinh nghiệm phòng chống; khi xảy ra lừa đảo cần trình báo ra cơ quan chức năng, đồng thời đưa ra cộng đồng để có những cảnh báo và lan tỏa để phòng ngừa chủ động tội phạm. Ý thức cảnh giác là “bức tường lửa” đối với tội phạm này”, Thượng tá Đào Trung Hiếu nhấn mạnh.
Nguồn tín dụng tin cậy nhất là các ngân hàng, các tổ chức tín dụng của Nhà nước. Hiện nay tổ chức Công đoàn có những khoản vay ưu đãi dành cho người lao động để phát triển kinh tế gia đình, tạo thêm việc làm tăng thu nhập; mua sắm phương tiện sinh hoạt, sửa chữa nhà; học nghề… với lãi suất ưu đãi, thủ tục giải ngân nhanh gọn. Để vay vốn từ quỹ, đoàn viên, người lao động đăng ký qua Công đoàn cơ sở để được bảo lãnh và hướng dẫn về thủ tục. Người lao động nên hạn chế tìm đến những nguồn vay không chính thức trên mạng. |