Công đoàn Hà Nội giúp đoàn viên, người lao động tránh xa tín dụng đen
TRỰC TUYẾN: Nâng cao kiến thức về pháp luật lao động và nhận diện tín dụng đen Không để “tín dụng đen” còn đất sống Tăng khả năng tiếp cận tín dụng chính thức, hạn chế tín dụng đen |
Thời gian qua, tín dụng đen là một vấn nạn khá nhức nhối trong đời sống công nhân. Theo đó, lợi dụng những khó khăn về tài chính của công nhân lao động cả nước, nạn cho vay nặng lãi hoành hành với nhiều chiêu thức ngày càng tinh vi, được quảng cáo công khai, rộng rãi, ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của công nhân, người lao động.
Gia tăng quảng cáo cho vay trên không gian mạng
Trao đổi tại một buổi đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến có chủ đề về phòng tránh tín dụng đen trong công nhân do báo Lao động Thủ đô phối hợp với Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) quận Nam Từ Liêm tổ chức mới đây, Thượng tá, Tiến sĩ Đào Trung Hiếu - Cục Truyền thông Công an nhân dân, Bộ Công an cho biết, tín dụng đen là hiện tượng xã hội tiêu cực, hiện chưa có định nghĩa chính thức về "tín dụng đen". Tuy nhiên, có thể nhận diện "tín dụng đen" với các đặc điểm như hình thức cho vay với lãi suất cao từ tổ chức, cá nhân không đăng ký kinh doanh trong lĩnh vực cho vay, không được cấp phép, cho vay dưới hình thức vay ngắn gọn, trả góp; thủ tục giải ngân nhanh, không cần tài sản thế chấp.
Các chuyên gia trao đổi về cách nhận diện, phòng tránh tín dụng đen tại một buổi đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến do báo Lao động Thủ đô và LĐLĐ quận Nam Từ Liêm phối hợp tổ chức |
Thường mức lãi suất cho vay cao hơn 5% so với mức lãi suất được Bộ luật Dân sự cho phép. Khoản 1, Điều 468, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định lãi suất cho vay giữa các bên thoả thuận, không được vượt quá 20% của khoản vay đó.
Theo ông Hiếu, hiện nay tình trạng quảng cáo cho vay dưới mặt đất như dán trên cột điện… đã giảm, nhưng tình trạng quảng cáo cho vay trên không gian mạng có chiều hướng gia tăng. “Khi cho người khác vay tiền, các đối tượng thường kèm theo điều kiện, người vay cho phép đối tượng truy cập đồng bộ vào danh bạ cá nhân, tài khoản mạng xã hội, khi người vay không trả được số nợ, các đối tượng sẽ gọi điện cho các số điện thoại có trong danh bạ để thúc ép đòi nợ. Chuyện các đối tượng quấy rối những người không liên quan để thúc ép đòi nợ là vi phạm pháp luật”, Thượng tá Đào Trung Hiếu nêu rõ.
Theo quy định của pháp luật, mức xử phạt sẽ từ 10 - 30 triệu đồng đối với hành vi sử dụng mạng xã hội để lan tỏa, phát tán thông tin sai sự thật. Những tình huống nghiêm trọng chủ thể sẽ bị xử lý về tội làm nhục, vu khống người khác. “Chế tài đã có nhưng thực tế vẫn xảy ra tình trạng quấy rối như trên”, Thượng tá Đào Trung Hiếu nói.
Ông Hiếu khuyến cáo, khi nhận được quá nhiều cuộc gọi làm phiền, người dân nên thực hiện chặn số cuộc gọi lạ, khi đối tượng sử dụng ảnh của người vay, người không liên quan đến khoản vay để tung lên mạng, có thể yêu cầu đối tượng gỡ bỏ những hình ảnh bất lợi với mình, khi họ không thực hiện cần thực hiện các biện pháp pháp lý cần thiết, hoặc cần chụp ảnh màn hình, lập vi bằng để xác định tài khoản có những thông tin vi phạm, gửi thông tin đến Thanh tra Sở Thông tin - Truyền thông hoặc cơ quan Công an để được hỗ trợ giải quyết.
Thượng tá Đào Trung Hiếu cũng thông tin, theo quy định tại Điều 468 Bộ luật Dân sự, đối với mức lãi suất vượt quá 20% của khoản vay đó thì người vay không có trách nhiệm phải trả, vì đây là cho vay vi phạm pháp luật, còn nếu dưới 20% thì người vay phải trả.
Nguồn vốn tin cậy từ tổ chức Công đoàn
Cũng tại buổi giao lưu này, trao đổi về các biện pháp mà tổ chức Công đoàn đã triển khai để đẩy lùi tín dụng đen trong đời sống công nhân, ông Tạ Văn Dưỡng - Trưởng ban Chính sách Pháp luật và Quan hệ lao động, LĐLĐ thành phố Hà Nội cho biết, khi "tín dụng đen" hoành hành, tổ chức Công đoàn Thủ đô đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền với nhiều hình thức như tuyên truyền trực tiếp qua sinh hoạt tổ Công đoàn, tuyên truyền trên mạng xã hội, trên trang web, hệ thống báo chí của tổ chức Công đoàn… qua đó giúp công nhân lao động nhận diện được rõ nét về hình thức, hậu quả của "tín dụng đen", tránh xa cạm bẫy của "tín dụng đen".
Cán bộ Quỹ Trợ vốn công nhân viên chức lao động nghèo Thủ đô phát triển kinh tế gia đình hướng dẫn công nhân lao động hoàn thiện thủ tục vay vốn. |
Cùng với đó, LĐLĐ thành phố Hà Nội và các cấp Công đoàn Thủ đô thường xuyên đẩy mạnh hoạt động chăm lo đời sống, hỗ trợ cho người lao động bằng tiền mặt để giúp san sẻ phần nào với khó khăn của người lao động. “Hàng năm, LĐLĐ thành phố Hà Nội thường chi từ 100 - 200 tỷ đồng để hỗ trợ người lao động khó khăn, riêng trong tháng 5 - Tháng Công nhân năm 2023 này, LĐLĐ Thành phố đã chi 3 tỷ đồng để hỗ trợ cho người lao động khó khăn” - ông Tạ Văn Dưỡng cho biết.
Đối với những trường hợp công nhân, người lao động có nhu cầu về vốn, ông Tạ Văn Dưỡng khuyên rằng nên tìm đến những nguồn tín dụng tin cậy từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng của nhà nước, trong đó, tổ chức Công đoàn cũng có một địa chỉ tin cậy hỗ trợ vốn vay cho người lao động là Quỹ Trợ vốn công nhân viên chức lao động Thủ đô nghèo phát triển kinh tế gia đình.
“Quỹ Trợ vốn là đơn vị trực thuộc của LĐLĐ thành phố Hà Nội, với một trong những nội dung hoạt động là hỗ trợ vốn vay cho đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) để sử dụng cho các mục đích như: Chăn nuôi, trồng trọt, kinh doanh, tạo thêm việc làm tăng thu nhập; mua sắm phương tiện sinh hoạt, sửa chữa nhà; học nghề… với mức vay từ 40 triệu đồng. Ưu điểm của nguồn vốn này là thủ tục đơn giản, giải ngân nhanh chóng, thuận tiện, lãi suất rất thấp, phù hợp với đoàn viên, CNVCLĐ. Ngoài ra, tổ chức Công đoàn còn triển khai hoạt động cho người lao động vay vốn từ Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm” - ông Tạ Văn Dưỡng nói.
Cán bộ LĐLĐ thành phố Hà Nội cũng thông tin, để có thể vay vốn từ Quỹ Trợ vốn, đoàn viên, người lao động đăng ký qua Công đoàn cơ sở để được bảo lãnh và hướng dẫn về thủ tục.