Không để “tín dụng đen” còn đất sống
Tăng khả năng tiếp cận tín dụng chính thức, hạn chế tín dụng đen Chủ động phòng ngừa “tín dụng đen” tiếp cận người lao động |
Từng bước đẩy lùi “tín dụng đen”
Những năm trước đây, trước diễn biến phức tạp của tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”, Bộ Công an đã chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm này; tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, trong đó phân công trách nhiệm cụ thể cho các Bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, phát hiện ngăn chặn, điều tra, xử lý tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động này.
Lực lượng Công an các cấp đã tăng cường các biện pháp nghiệp vụ phát hiện, điều tra, xử lý nghiêm minh các vi phạm (Năm 2022, phát hiện, xử lý hơn 400 vụ, hơn 680 đối tượng cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự). Điển hình: Ngày 14/2/2023, Công an tỉnh Tiền Giang phá chuyên án làm rõ các đối tượng lợi dụng danh nghĩa Công ty Luật TNHH Pháp Việt, trụ sở tại thành phố Hồ Chí Minh để hoạt động đòi nợ thuê cho các ngân hàng, công ty tài chính, bắt giữ 15 đối tượng, hằng tháng đòi nợ thuê từ 141.000 đến hơn 241.000 hợp đồng khách vay, tổng số tiền đã đòi được hơn 988 tỷ đồng...
Ảnh minh hoạ (M.P) |
Nhìn tổng thể chung, các biện pháp quyết liệt của lực lượng Công an và các ngành trong những năm qua đã góp phần từng bước đẩy lùi tội phạm “tín dụng đen”, nhất là nhiều hành vi vi phạm pháp luật liên quan “tín dụng đen” như bắt giữ người trái pháp luật, cưỡng đoạt, hủy hoại tài sản, “khủng bố” tinh thần bằng thủ đoạn đổ chất bẩn, chất thải, nhắn tin, gọi điện đe dọa... đã giảm nhiều, không còn công khai, manh động như trước.
Phát huy sức mạnh tổng hợp
Tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen” dự báo sẽ có diễn biến phức tạp ở một số nơi, biến tướng dưới các hình thức khác nhau và như cử tri phản ánh. Để tiếp tục phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả các loại tội phạm này, Bộ Công an đã và đang chỉ đạo toàn lực lượng đẩy mạnh công tác nghiệp vụ tổ chức phòng ngừa, phát hiện, điều tra xử lý nghiêm tội phạm, các vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen” theo Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ góp phần phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị ngăn chặn tình trạng này.
Các cơ quan chức năng Bộ Công an chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân, nhất là quy định về giao dịch, vay mượn, huy động, sử dụng vốn an toàn; về phương thức, thủ đoạn của tội phạm liên quan đến “tín dụng đen”, cho vay lãi nặng, đòi nợ thuê... giúp người dân cảnh giác, chủ động phòng ngừa, tích cực tố giác tội phạm; không cầm cố tài sản với mục đích không rõ ràng; không trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia hoạt động cho vay lãi nặng, “tín dụng đen”. Tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách, giải pháp bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm cho người lao động, nâng cao thu nhập của người dân.
Bên cạnh đó, tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động cho vay trực tuyến, cho vay ngang hàng nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, phòng ngừa, đấu tranh xử lý tội phạm này. Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong rà soát, quản lý, xác thực và “làm sạch” tài khoản ngân hàng, số điện thoại di động; xác thực, mở rộng các hình thức cho vay tín chấp, phục vụ tiêu dùng của người dân, góp phần hạn chế các trường hợp vay "tín dụng đen" siết chặt công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra đối với các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trong việc chấp hành các quy định về cho vay, thu nợ, ngăn chặn việc mua bán nợ, ủy quyền thu hồi nợ cho công ty thu hồi nợ ngoài ngân hàng...
Đồng thời tăng cường quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, nhất là quản lý các ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự, các cơ sở kinh doanh tài chính, cầm đồ... chủ động rà soát, phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, cho vay lãi nặng. Thường xuyên rà soát, nắm chắc hoạt động của các băng nhóm, đối tượng nghi vấn hoạt động “tín dụng đen”, cho vay lãi nặng, đòi nợ thuê; kịp thời xác lập chuyên án đấu tranh triệt phá các băng nhóm có biểu hiện hoạt động phạm tội, không để hoạt động phức tạp, gây bức xúc dư luận.
Bộ Công an cũng sẽ triển khai các biện pháp nghiệp vụ quản lý chặt chẽ các đối tượng trọng điểm hoạt động liên quan đến “tín dụng đen", trong đó gắn trách nhiệm của người đứng đầu Công an các đơn vị, địa phương đối với tình hình xảy ra tại địa bàn, nơi nào để xảy ra tình hình phức tạp thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm với lãnh đạo cấp trên. Thường xuyên mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp, truy nã các băng nhóm tội phạm “tín dụng đen”. Phối hợp Viện kiểm sát, Tòa án các cấp điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh để răn đe, phòng ngừa chung.
Tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng Công an cấp xã trong phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm. Tập trung chỉ đạo, hướng dẫn Công an xã thực hiện các biện pháp nghiệp vụ nắm chắc tình hình địa bàn; thực hiện có hiệu quả thẩm quyền tiếp nhận, kiểm tra xác minh sơ bộ tin báo về tội phạm theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình năm 2021, góp phần giải quyết ngay từ đầu những vấn đề mới phát sinh, không để tội phạm “tín dụng đen” diễn biến phức tạp.
Rà soát, phát hiện, phối hợp thanh tra, kiểm tra, xử lý quyết liệt các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng; triển khai thực hiện có hiệu quả các văn bản quy phạm pháp luật trên lĩnh vực an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, kịp thời phát hiện, đấu tranh triệt phá các đường dây tội phạm hoạt động “tín dụng đen” trên mạng internet.
H.D