Việt Nam dự kiến tiếp nhận 8,4 triệu liều vắc xin Covid-19 trong tháng 9
Hơn 15 triệu người sai thông tin tiêm vaccine Covid-19 trên hệ thống Tiếp tục hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 Chưa coi Covid-19 là dịch bệnh lưu hành |
Ngày 25/8, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến về tăng cường công tác phòng, chống dịch và tiêm chủng phòng Covid-19. Hội nghị kết nối trực tuyến đến các điểm cầu của 63 tỉnh, thành phố. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế chủ trì hội nghị tại điểm cầu Bộ Y tế.
Tiêm vắc xin phòng Covid-19 là cách phòng bệnh đơn giản và hiệu quả nhất. |
Theo Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, hiện Việt Nam đã cơ bản tiếp nhận hết vắc xin phòng Covid-19 từ các nguồn và phân bổ tổng số 172 đợt cho các tỉnh, thành phố.
Tính đến ngày 24/8, theo thống kê của Bộ Y tế, về tỷ lệ tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi nhắc lại lần 1 (mũi 3) cho người từ 18 tuổi trở lên đạt 75,8%; mũi nhắc lại lần 2 (mũi 4) đạt 71%. Với nhóm trẻ từ 12 đến 17 tuổi, liều cơ bản (gồm mũi 1 và mũi 2) đã đạt khoảng 100% và mũi 3 đạt 48,9%; tỷ lệ tiêm mũi 1 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi đạt 81,3% và mũi 2 đạt 51,3%.
Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, hiện trên toàn quốc đang còn 10 triệu liều vắc xin ở tất cả các tuyến. Điều đáng nói là đang có hiện tượng thiếu cục bộ vắc xin ở một số địa phương. Điển hình như tình trạng thiếu vắc xin Moderna (liều 0,25ml) tiêm cho trẻ 6 đến 11 tuổi.
Trước đó, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã phân bổ đủ cho các địa phương như kế hoạch triển khai, ưu tiên tiêm mũi 2 cho trẻ từ 6 đến 11 tuổi đã tiêm mũi 1 cùng loại. Tuy nhiên, trong thực tế triển khai, nhiều gia đình có trẻ đã tiêm mũi 1 là vắc xin Moderna không đưa trẻ đi tiêm tiếp mũi 2 hoặc trẻ bị ốm, mắc Covid-19 nên phải hoãn tiêm. Trong khi đó, vắc xin Moderna chỉ được sử dụng tối đa trong 30 ngày kể từ khi rã đông nên nhiều địa phương đã tiêm nhắc cho người lớn.
Ngoài ra, Việt Nam cũng đang cần bổ sung 7,8 triệu liều vắc xin cho người từ 12 tuổi trở lên. Nguyên nhân theo Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, một số địa phương đăng ký số lượng vắc xin thấp hơn nhiều so với nhu cầu. Khi có phát sinh, một số nơi sẽ xảy ra tình trạng thiếu cục bộ.
“Có địa phương lên kế hoạch tiêm cho người 12 tuổi trở lên là 30.000 người nhưng thực tế còn tới 300.000 người cần phải tiêm, tức kế hoạch lên chỉ bằng 10% thực tế, thấp hơn rất nhiều lần”, đại diện Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương nói.
Để giải quyết tình trạng này, theo Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, hiện đang vận động để xin 7,8 triệu liều vắc xin Pfizer cho người lớn và trẻ 12 đến 17 tuổi. Tới nay, cơ chế Covax đã đồng ý viện trợ 1,2 triệu liều, dự kiến về Việt Nam vào tuần 2 tháng 9/2022.
Ngoài ra, một số vắc xin dự kiến tiếp nhận gồm 4,2 triệu liều Pfizer từ chính phủ Australia qua Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và 2,36 triệu liều vắc xin AstraZeneca từ Hệ thống tiêm chủng VNVC.
Với vắc xin cho trẻ 5 đến dưới 12 tuổi, hiện cần bổ sung 0,6 triệu liều, trong đó gồm 0,3 triệu liều vắc xin Moderna. Dự kiến, lượng vắc xin này cũng tiếp nhận viện trợ trong tháng 9/2022.
Để đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương yêu cầu Sở Y tế các địa phương phối hợp với Sở Giáo dục & Đào tạo lên phương án đẩy nhanh tốc độ tổ chức tiêm liều cơ bản cho trẻ em từ 5 - dưới 12 tuổi trong tháng 8-9/2022 và tiêm nhắc cho đối tượng 12-17 tuổi hoàn thành trong quý III/2022 ngay khi trẻ quay lại trường học.
Tổ chức tiêm nhắc cho người từ 18 tuổi trở lên, đặc biệt những người đang làm việc tại các khu công nghiệp, cán bộ tuyến đầu, lực lượng công an, bộ đội, giáo viên, cung cấp dịch vụ cơ bản... Tăng cường rà soát, quản lý đối tượng, tăng độ bao phủ mũi 3 đạt trên 90%.