Vi rút Marburg nguy hiểm nhưng chưa thể lan ra toàn cầu cũng như đến Việt Nam
Tăng cường công tác phòng chống bệnh sốt xuất huyết Tăng cường giám sát bệnh do vi rút adeno |
PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, vi rút Marburg lây từ động vật sang người, không phải là bệnh mới. Vi rút Marburg cùng nhóm với vi rút Ebola và có cấu trúc ARN.
Marburg là một vi rút thông qua động vật trung gian để gây bệnh, cụ thể là loài dơi ăn quả tại châu Phi. Tên của vi rút được lấy từ phòng thí nghiệm Marburg nước Đức, nơi phát hiện ra loại vi rút này vào năm 1967.
Vi rút Marburg gây bệnh lẻ tẻ tại các nước cận Sahara như Uganda, Guinea Xích đạo, Congo, Angola… và không gây thành dịch lớn, với tỷ lệ tử vong cao, có thể từ 30% đến 90%.
Năm 2004, vi rút này bùng phát ở Angola và lây nhiễm cho 252 người, 90% trong số họ đã tử vong. Ghana cũng đã báo có về một đợt bùng phát nhỏ trong năm 2022 với 2 trường hợp tử vong.
Con đường lây truyền của vi rút Marburg do con người hít phải chất tiết hoặc nước tiểu của loài dơi ăn quả sẽ bị nhiễm bệnh, sau đó lây từ người sang người.
PGS.TS Đỗ Duy Cường cho biết thêm, vi rút Marburg lây từ người sang người qua tiếp xúc gần, dịch cơ thể, đường máu, nước tiểu, nước bọt, mồ hôi, các chất tiết nôn, sữa, dịch ối, tinh dịch…
Ngoài ra, khi một số vật dụng chăm sóc người bệnh như: Quần áo, ga trải giường, bơm kim tiêm, vật dụng y tế… nếu nhiễm vi rút thì có thể lây sang người. Vi rút Marburg cũng có thể lây trong phòng thí nghiệm hay nhân viên y tế chăm sóc người bệnh cũng có khả năng nhiễm bệnh.
Bệnh do vi rút Marburg không dễ lây lan ra toàn cầu. |
Theo đánh giá của PGS.TS Đỗ Duy Cường, vi rút Marburg không dễ lây, thường lây qua đường tiếp xúc là chủ yếu. Tuy nhiên, có thể lây qua đường hô hấp, cụ thể là giọt bắn khi tiếp xúc rất gần.
“Có thể nói, vi rút Marburg là một loại bệnh mang tính chất vùng miền thường xuất hiện ở châu Phi. Đây là một bệnh gây dịch lẻ tẻ, tuy nguy hiểm nhưng hiện tại chưa đủ yếu tố để lan ra toàn cầu cũng như đến Việt Nam”, PGS.TS Đỗ Duy Cường thông tin.
Đồng quan điểm trên, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cũng cho rằng, nếu không tiếp xúc với người bệnh thì không có khả năng lây bệnh.
Tuy nhiên, để phòng bệnh, cần phải làm tốt công tác kiểm soát người từ châu Phi về. Nếu có ca xâm nhập từ châu Phi về, khi có triệu chứng, cần báo ngay y tế địa phương, cơ sở y tế để có biện pháp cách ly ngay, tránh để lây lan ra cộng đồng.
Theo các chuyên gia y tế, hiện nay, bệnh do vi rút Marburg gây ra chưa có vắc xin hay thuốc kháng vi rút đặc hiệu để điều trị. Do đó, dù bệnh chưa xuất hiện tại Việt Nam, người dân cũng không nên chủ quan mà cần nâng cao ý thức cảnh giác, thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:
- Hạn chế đến các vùng có nguy cơ nhiễm bệnh.
- Tránh tiếp xúc với dịch tiết của các loài dơi ăn quả.
- Không tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bệnh.
- Nếu tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh thì cần mang bảo hộ lao động (găng tay, khẩu trang, dung dịch sát trùng, khử khuẩn…).
- Phòng lây nhiễm từ người bệnh sang nhân viên y tế hoặc nhân viên trong phòng thí nghiệm.
Bệnh do vi rút Marburg gây ra có thời gian ủ bệnh kéo dài từ 2-21 ngày. Bệnh nhân có thể xuất hiện các biểu hiện như: Sốt đột ngột, ớn lạnh, đau đầu, đau cơ, đau người. Ngày thứ 5 có thể xuất hiện phát ban, cảm giác rát trên thân mình. Ngoài ra, còn kèm theo buồn nôn, đau ngực, đau bụng, đau họng, tiêu chảy, vàng mắt, có biểu hiện xuất huyết, mê sảng đi vào sốc và dẫn đến suy gan, suy đa tạng, có thể gây tử vong. |
Theo Thu Trang/hanoimoi.com.vn