Tăng cường công tác phòng chống bệnh sốt xuất huyết
Nâng cao ý thức, không chủ quan với sốt xuất huyết Giảm thiểu tỷ lệ mắc, tử vong do sốt xuất huyết Ca mắc sốt xuất huyết tăng gấp 3 lần ở Hà Nội |
Vừa qua, Sở Y tế Hà Nội đã tổ chức hội nghị giao ban công tác y tế dự phòng 9 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trọng tâm các tháng cuối năm 2022.
Theo báo cáo của CDC Hà Nội, hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn Thành phố có xu hướng giảm, trung bình mỗi ngày ghi nhận khoảng 100 - 150 ca mắc/ngày. Cộng dồn giai đoạn từ năm 2020 đến ngày 23/10, toàn Thành phố ghi nhận khoảng trên 1,63 triệu ca mắc, số ca tử vong là 1.405 ca. Kết quả giám sát biến chủng SARS-CoV-2 cho thấy biến chủng BA.5 + BA.5.x lưu hành phổ biến, đã ghi nhận thêm các biến chủng BE.1, BF.15.
Đoàn kiểm tra của Sở Y tế Hà Nội kiểm tra công tác phòng, chống sốt xuất huyết trên địa bàn phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai |
Về tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết, tính đến ngày 23/10, toàn Thành phố ghi nhận 8.481 ca mắc, 12 ca tử vong, số ca mắc tăng nhiều so với cùng kỳ năm 2021 (2.627 ca mắc, 0 ca tử vong). Bệnh nhân phân bổ tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 530/579 xã, phường, thị trấn. Đặc biệt, bệnh nhân mắc sốt xuất huyết tập trung tại một số quận, huyện vùng ven như: Đan Phượng, Thanh Oai, Thường Tín, Thanh Trì.
Trong năm 2022, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết có xu hướng gia tăng nhanh và tăng vượt mức trung bình giai đoạn 2019 - 2021. Liên quan đến ổ dịch sốt xuất huyết, đến nay toàn Thành phố ghi nhận 720 ổ dịch sốt xuất huyết, hiện tại còn 156 ổ dịch đang hoạt động.
Từ đầu năm tới nay, Hà Nội ghi nhận 2 trường hợp tử vong do bệnh dại gây ra. Qua điều tra dịch tễ, cả hai trường hợp này đều có tiền sử phơi nhiễm với chó dại hoặc chó chưa tiêm phòng dại, bệnh nhân đều không tiêm phòng dại sau phơi nhiễm.
Bên cạnh đó, một số dịch bệnh khác vẫn đang được kiểm soát. Cụ thể, tính đến ngày 23/10 bệnh sởi ghi nhận 1 ca và não mô cầu chưa ghi nhận ca bệnh, số ca mắc giảm so với cùng kỳ năm 2021. Một số dịch bệnh có xu hướng tăng so với cùng kỳ 2021 như: Bệnh tay chân miệng (1.543 ca); liên cầu lợn (3 ca); viêm não Nhật Bản (4 ca); uốn ván (11 ca).
Riêng về bệnh do vi rút adeno, theo thông tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương, từ đầu năm 2022, Bệnh viện đã tiếp nhận khám và điều trị cho hơn 3.100 ca mắc, có 9 ca tử vong. Bệnh nhân chủ yếu ở độ tuổi từ 1 - 3 tuổi, trong đó số bệnh nhân tại Hà Nội chiếm hơn 70%. Trong số các bệnh nhân tử vong thì có 4/9 ca tử vong có bệnh nền như: Tim bẩm sinh, ung thư, viêm não, suy đa tạng; 3 bệnh nhân khác mắc bệnh cấp tính, đồng nhiễm các vi rút vi khuẩn khác; 2 bệnh nhân khỏe mạnh.
Trong 9 tháng đầu năm 2022, hầu hết các chỉ tiêu tiêm chủng các loại vắc xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng đều chưa đạt theo tiến độ năm 2022, trừ chỉ tiêu tiêm vắc xin phòng bệnh uốn ván cho phụ nữ có thai. Nguyên nhân một phần do tình trạng thiếu vắc xin trong Tiêm chủng mở rộng nên công tác tiêm chủng còn gặp nhiều khó khăn. Công tác tiêm chủng vắc xin Covid-19 được thực hiện một cách quyết liệt, Hà Nội đã tổ chức các đợt chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho người đủ điều kiện trên địa bàn thành phố.
Tại hội nghị, Phó Giám đốc phụ trách điều hành CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho biết, dịch bệnh Covid-19 vẫn đang được kiểm soát tốt, các Trung tâm y tế quận, huyện, thị xã cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân đi tiêm chủng vắc xin Covid-19 đầy đủ, kịp thời. Chủ động, tích cực phối hợp với các nhà trường tuyên truyền cho các bậc phụ huynh về lợi ích của việc tiêm chủng vắc xin Covid-19 phòng bệnh cho trẻ em, để phụ huynh đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch theo quy định.
Đồng thời, ông Khổng Minh Tuấn cũng lưu ý, các quận, huyện cần quan tâm về công tác bảo quản vắc xin, tăng cường đào tạo, tập huấn liên quan đến vận hành trang thiết bị bảo quản vắc xin theo quy định.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Vũ Cao Cương, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đã ghi nhận những kết quả về hoạt động y tế dự phòng 9 tháng đầu năm 2022 của các đơn vị. Để tiếp tục thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, trong thời gian tới, các trung tâm y tế quận, huyện, thị xã tiếp tục tổ chức các đợt tiêm chủng vắc xin Covid-19 cho người dân theo đúng kế hoạch, thực hiện rà soát đối tượng tiêm chủng đầy đủ, chính xác, tránh bỏ sót đối tượng. CDC Hà Nội cần lưu ý trong việc phân bổ vắc xin một cách hợp lý. Đồng thời, các đơn vị cần rà soát lại số lượng thuốc Molnupiravir điều trị Covid-19; test nhanh Covid để sử dụng, điều chuyển khi cần thiết.
Cùng với đó, các trung tâm y tế tăng cường công tác giám sát, phát hiện sớm dịch bệnh sốt xuất huyết tại các cơ sở điều trị và tại cộng đồng để khoanh vùng, xử lý ổ dịch kịp thời; tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát HIV/AIDS tại các bệnh viện nhằm phát hiện sớm các đối tượng mắc, thực hiện rà soát lại các chỉ tiêu mà Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) giao sao cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, sự phối hợp của mạng lưới phòng, chống HIV/AIDS tại các tuyến cần chặt chẽ, hiệu quả...
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cũng nhấn mạnh, CDC Hà Nội và các trung tâm y tế quận, huyện, thị xã cần có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác tổ chức, triển khai thực hiện các hoạt động chuyên môn một cách có hiệu quả, tránh chồng chéo. Về kiến nghị của CDC Hà Nội cần có những báo cáo từng mục cụ thể về những khó khăn, tồn tại, trên cơ sở đó tham mưu, đề xuất với Sở Y tế nhằm kịp thời tháo gỡ trong quá trình triển khai thực hiện.